Chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

LCĐT - Ngày 3/10/2022, Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh đã và đang được đẩy mạnh.

Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh mỗi ngày tiếp đón khoảng 300 bệnh nhân đến khám - chữa bệnh. Việc phân luồng, điều tra dịch tễ kiểm soát lây nhiễm được bệnh viện triển khai, những bệnh nhân có triệu chứng sốt phát ban, nổi hạch và những người đi từ vùng dịch về có yếu tố nguy cơ sẽ được phân luồng, điều trị cách ly tại khu vực riêng.

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi-rút đậu mùa khỉ. Bệnh có triệu chứng tương tự bệnh thủy đậu như viêm long đường hô hấp, sốt, đau mỏi khắp người, phát ban. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ sẽ xuất hiện phát ban mụn nước, mụn mủ cùng thời điểm, diễn tiến chậm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục, hậu môn và có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng. Tổn thương của bệnh lớn hơn bệnh thủy đậu, đặc biệt là bệnh nhân sốt và nổi hạch toàn thân.

Bác sỹ Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: Để phòng bệnh, người dân phải lưu ý đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, sát khuẩn tay, khi đi từ vùng có yếu tố dịch tễ về cần báo cho cơ quan chức năng. Nếu có triệu chứng sốt, đau người, phát ban, đặc biệt phát ban dạng phỏng nước và có tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là tiếp xúc những người mắc đậu mùa khỉ thì cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Người dân đeo khẩu trang khi đến khám - chữa bệnh tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Người dân đeo khẩu trang khi đến khám - chữa bệnh tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Người dân đeo khẩu trang khi đến khám - chữa bệnh tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Hiện nay, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, đậu mùa khỉ vẫn được các đồn biên phòng trên địa bàn duy trì trên tuyến biên giới. Thiếu tá, y sỹ Nguyễn Duy Mạnh, Đồn Biên phòng A Mú Sung (huyện Bát Xát) cho biết: Chúng tôi đã cập nhật thông tin về bệnh đậu mùa khỉ, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ về triệu chứng, dấu hiệu nhận biết, cách phòng, tránh và những nguy cơ do bệnh gây ra. Nắm chắc thông tin, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng sẽ là một tuyên truyền viên tích cực khuyến cáo để bà con trên địa bàn nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Trên tuyến biên giới A Mú Sung, Nậm Chạc (Bát Xát), Đồn Biên phòng A Mú Sung duy trì 3 tổ chốt phòng, chống dịch bệnh từ thời gian chống dịch Covid-19. Hiện 3 cán bộ quân y đã được tăng cường cho các tổ công tác biên phòng tại các thôn Nậm Chạc, Lũng Pô và Phù Lao Chải. Các chiến sĩ thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, Lũng Pô và Phù Lao Chải là 2 thôn có nhiều đường mòn, lối mở và chỗ sông, suối cạn nên bộ đội biên phòng phải tuần tra khép kín 24/24 giờ. Công tác tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Dẫu vậy, những người lính biên phòng vẫn luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng biên.

Chủ động ứng phó và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, ngay từ đầu tháng 8, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường giám sát dịch bệnh. Ông Dương Thái Hiệp, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát dịch bệnh, truyền thông nguy cơ, các biện pháp phòng, chống và chăm sóc, điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện nghiêm việc giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu; các cơ sở khám - chữa bệnh thực hiện tốt phân luồng, kiểm soát lây nhiễm và sẵn sàng về cơ số thuốc, trang - thiết bị, nhân lực cho phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời và đẩy mạnh truyền thông cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đậu mùa khỉ vào địa bàn tỉnh rất cao vì Lào Cai là tỉnh biên giới, giao thông thuận tiện, thông thương và du lịch phát triển, nhiều người dân đi làm xa ở các tỉnh, thành phố... Chính vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tọa đàm: Nữ Bí thư Chi bộ người Nùng năng động, nhiệt huyết

Tọa đàm: Nữ Bí thư Chi bộ người Nùng năng động, nhiệt huyết

Chị Lù Thị Thơm là Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sín Chải, xã Na Hối, huyện Bắc Hà. Những năm qua, phát huy vai trò của mình, chị Thơm đã thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, trở thành tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong cộng đồng. Mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ người phụ nữ năng động, nhiệt huyết này!

Đẩy mạnh truyền thông nâng cao chất lượng dân số

Đẩy mạnh truyền thông nâng cao chất lượng dân số

Tỉnh Lào Cai luôn xác định, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển. Thời gian qua, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, ngày 1/7/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU (Nghị quyết 27) về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[Infographic] Huyện Bảo Thắng: 10 điểm nhấn năm 2024

[Infographic] Huyện Bảo Thắng: 10 điểm nhấn năm 2024

Vượt qua nhiều khó khăn, với sự nỗ lực và đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Bảo Thắng đã khép lại nhiệm vụ năm 2024 với nhiều kết quả nổi bật. Dưới đây là 10 điểm nhấn của huyện trên các lĩnh vực.

"Xuân đoàn kết - Tết yên vui"

"Xuân đoàn kết - Tết yên vui"

“Xuân đoàn kết - Tết yên vui” là chủ đề chương trình “Tết vì người nghèo – Xuân Ất Tỵ” tỉnh Lào Cai năm 2025. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được tổ chức thường niên, thể hiện rõ truyền thống “Tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc, chung tay, góp sức để người nghèo đón tết đủ đầy theo đúng phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

fb yt zl tw