Nhu cầu tiêm vắc-xin bạch hầu tăng cao
Bạch hầu thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Tác nhân gây ra bệnh là ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra tác động đến tim, thận và hệ thần kinh gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai tiêm chủng thường xuyên vắc-xin DPT-VGB-Hib (SII) là vắc-xin phối hợp “5 trong 1” DPT-VGB-Hib phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib; vắc-xin phối hợp 3 trong 1 (DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, do thiếu vắc-xin từ nguồn cung ứng của Bộ Y tế, tính đến 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 4.522/11.634 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib (chỉ đạt 38,9%); còn 7.112 trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin; có khoảng 1.000 trẻ đã đến tuổi mà chưa được được tiêm đủ 3 liều.
Việc chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin cơ bản khiến khả năng miễn dịch của trẻ nói riêng và khả năng miễn dịch cộng đồng nói chung sẽ thấp. Khi trẻ không có miễn dịch chủ động để chống lại các tác nhân gây bệnh, dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh bạch hầu.
Sau khi có thông tin xuất hiện ca bệnh bạch hầu ở người lớn tại một số tỉnh, thành, nhu cầu tiêm vắc-xin phòng bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh tăng cao. Ngày 9/7, tại Phòng tiêm chủng Safpo Bắc Cường, thành phố Lào Cai có rất nhiều người dân mọi lứa tuổi đến tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Phòng tiêm chủng hiện đã hết nhóm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho người từ 4 tuổi trở lên, dự kiến cuối tuần sẽ có vắc-xin đáp ứng.
Tại Phòng tiêm chủng vắc-xin An Khang, thành phố Lào Cai, người dân cũng đến tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu rất đông. Do chưa có đủ vắc-xin nên phòng khám đã lấy thông tin và lên lịch hẹn, khi nào có vắc-xin sẽ thông báo ngay để người dân chủ động đến tiêm chủng.
Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn và chị Phùng Thị Loan, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai cùng đến tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Anh Toàn cho biết: Trước đây, tôi cũng không nghĩ đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên, hiện nay thấy bệnh diễn biến phức tạp nên tôi và vợ đi tiêm vắc-xin để phòng bệnh chủ động.
Chị Trịnh Thu Hiền, ở xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương cũng đến phòng tiêm chủng dịch vụ tại thành phố Lào Cai để tiêm vắc-xin phòng bệnh. Chị Hiền chia sẻ: Biết bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên tôi đi tiêm vắc-xin để mong muốn bảo vệ sức khoẻ cho bản thân.
Triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh bạch hầu
Ngành y tế đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Ngay trong thời điểm năm 2023, khi dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại Hà Giang và Điện Biên, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1876/SYT-NVY ngày 13/9/2023 về tăng cường giám sát bệnh bạch hầu.
Đầu năm 2024, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2024, kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 tỉnh Lào Cai nhằm đôn đốc, phối hợp các đơn vị, chỉ đạo thực hiện các biện pháp chủ động để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng.
Từ đầu năm đến nay, hệ thống giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã giám sát 1 trường hợp nghi bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng cử cán bộ điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp có tiếp xúc gần để hướng dẫn theo dõi sức khỏe, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm kịp thời cho trường hợp nghi nhiễm, kết quả âm tính.
Bác sĩ Mai Đại Thành, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang có diễn biến phức tạp (đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 119 trường hợp tiếp xúc gần ca tử vong bạch hầu tại tỉnh Nghệ An), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã tham mưu Sở Y tế ban hành công văn tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu, nhằm phát hiện sớm và chủ động các biện pháp phòng bệnh khi có ca bệnh cũng như dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế duy trì triển khai tiêm chủng hằng tháng cho các đối tượng để phòng bệnh truyền nhiễm và bạch hầu nói riêng; tiến hành rà soát, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm, tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, tiêm ngay khi có vắc -xin. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh bạch hầu trên các phương tiện truyền thông của xã, phường, cán bộ y tế cơ sở tăng cường tuyên truyền trực tiếp trong cộng đồng, sử dụng áp phích, tài liệu cầm tay để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Bác sĩ Mai Đại Thành khuyến cáo: Để phòng, chống bệnh bạch hầu, người dân cần cho con, em tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở các trạm y tế. Khi trạm y tế thiếu vắc-xin, có thể đến phòng tiêm chủng dịch vụ để tiêm phòng bệnh. Hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến địa điểm công cộng, bệnh viện; hạn chế tiếp xúc gần các đối tượng nghi ngờ khi có biểu hiện của bệnh và người về từ vùng nguy cơ dịch bệnh. Khi có các triệu chứng như: sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng, người dân phải đến khám tại cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh thân thể, môi trường, nhà ở xung quanh sạch sẽ, thông thoáng đủ ánh sáng; nâng cao sức khỏe bằng cách tập luyện thể dục, sử dụng thực phẩm sạch, ăn đủ chất…