Khi con có biểu hiện sốt, nổi ban đỏ ở tay, chân, chị Lê Thị Hồng Anh ở phường Pom Hán, thành phố Lào Cai vội vàng đưa con vào khám tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sỹ chẩn đoán con chị Hồng Anh mắc sởi. Bé được chuyển đến điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.
Trên má, bàn tay, bàn chân, lưng bé vẫn còn rất nhiều nốt ban. Chị Anh chia sẻ: Khi biết con mắc sởi, tôi rất lo lắng, tuy nhiên con vào bệnh viện và được các bác sỹ tận tình điều trị đã hạ sốt và ăn uống tốt hơn.

Bệnh sởi có khả năng lây truyền cao, chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi hoặc họng của người bệnh khi ho, nói chuyện hoặc hắt hơi. Vi-rút sởi cũng có khả năng lây gián tiếp khi chạm tay vào các đồ vật, bề mặt bị nhiễm dịch tiết đường mũi họng của người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Ngay cả trong giai đoạn ủ bệnh, bệnh chưa khởi phát và trong giai đoạn phục hồi, phát ban biến mất, vi-rút sởi vẫn có thể lây lan từ người sang người. Trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên khi mắc sởi có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm não tủy, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, loét giác mạc do thiếu vitamin A…

Để phòng bệnh sởi, biện pháp đầu tiên và rất cần thiết đó là cha mẹ cần cho con tiêm vắc-xin phòng sởi. Trẻ từ 9 tháng tuổi dễ mắc sởi và có các biến chứng về đường hô hấp, có hệ miễn dịch yếu, bởi vậy cha mẹ cần hỗ trợ sức khỏe bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, bổ sung vitamin. Bên cạnh đó, thực hiện những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi tiếp xúc với người bệnh và nghi bị bệnh; hạn chế những nơi đông người...
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin sởi được cung ứng miễn phí tiêm cho trẻ vào tháng thứ 9 và tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, vắc-xin phối hợp sởi-rubella cũng được cung ứng tiêm miễn phí cho trẻ trong độ tuổi từ 1 - 14 tuổi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 700 ca mắc sởi rải rác tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con mình đi tiêm chủng.

Chị Vũ Thị Mai ở phường Nam Cường, thành phố Lào Cai đưa con 15 tháng tuổi đến Phòng tiêm chủng vắc-xin An Khang ở phường Bắc Cường tiêm vắc-xin phòng sởi. Chị Mai chia sẻ: Tôi đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin theo lịch để con có sức đề kháng tốt trước dịch bệnh.
Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai đã tổ chức truyền thông phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các nhà trường trên địa bàn, phổ biến thông tin, nâng cao kiến thức cho giáo viên và học sinh về bệnh sởi và cách phòng tránh. Bên cạnh đó, thực hiện giám sát tại những xã, phường có ca bệnh để sớm phát hiện, cách ly, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai rà soát tiêm vét, tiêm bổ sung cho các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin sởi. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực... tổ chức việc phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Thời điểm giao mùa, ngoài bệnh sởi, trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu thường dễ mắc các bệnh đường hô hấp và truyền nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi, cúm mùa, tay - chân - miệng, thủy đậu, tiêu chảy, viêm màng não... Để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, ngành y tế đang phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, trường học trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời dịch bệnh để tổ chức xử lý dịch và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, thực hiện công tác giám sát dịch bệnh hằng tháng tại tuyến huyện, tuyến xã và tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người, dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Đặc biệt, ngành y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý, thống kê số liệu dịch bệnh, tiêm chủng và các hoạt động phòng, chống dịch phục vụ dự báo, kịp thời khuyến cáo để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe phòng tránh bệnh truyền nhiễm trong thời điểm giao mùa, theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh; đảm bảo dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng; giữ ấm cơ thể; đảm bảo vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, không nên tự ý điều trị tại nhà.