Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Đó chính là không gian để phát triển công nghiệp văn hóa, với vốn văn hóa nghệ thuật đa dạng; có đội ngũ những người làm văn hóa nghệ thuật tại các đơn vị văn hóa nghệ thuật trong và ngoài công lập với nhiều tài năng sáng tạo, tư duy cởi mở, năng động và chuyên nghiệp…
Đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 26/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những thuận lợi, những thành quả tích cực đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đứng trước những thách thức và hạn chế trong việc huy động nguồn lực xã hội ở thành phố cho hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động văn học, nghệ thuật.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi, cho ý kiến về các nội dung như: Đánh giá thực trạng hoạt động, cơ chế, chính sách khuyến khích các nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; phân tích những tiềm năng, lợi thế về huy động, khuyến khích các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thành phố.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội, cho biết để khuyến khích huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trước hết chúng ta cần hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà tài trợ và người đóng góp cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nhà nước cần xem xét hoàn thiện các chính sách thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động đóng góp và tài trợ cho nghệ thuật biểu diễn, gồm miễn thuế hoặc giảm thuế cho các khoản tài trợ và đóng góp cho nghệ thuật.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, cơ chế chính sách với nguồn nhân lực, không chỉ là “rào cản”, “điểm nghẽn” mà còn là thách thức, lực cản đối với sự phát triển của thị trường văn hóa nghệ thuật sôi động tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó nguồn lực xã hội hóa bị “kìm nén” lớn nhất từ chính sách pháp luật.
“Đầu tư cho công nghiệp văn hóa cần phải có nguồn kinh phí rất lớn, không chỉ ở nguồn kinh phí từ nhà nước. Để huy động nguồn lực xã hội trong sản xuất, lưu thông cần hơn hết là chính sách pháp luật đồng bộ. Do vậy chính sách pháp luật đóng vai trò cơ bản, then chốt để phát triển công nghiệp văn hóa” - ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Thông qua buổi tọa đàm, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp những ý kiến, đề xuất và giải pháp từ các chuyên gia, các đơn vị nghệ thuật, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sân khấu, điện ảnh … để tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát huy, khai thác, tạo điều kiện khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật thành phố trong thời gian tới.