Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được dự báo tiếp tục khởi sắc trong hoạt động xuất khẩu năm 2024.
Tấp nập đơn hàng xuất khẩu
Ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn và đặc biệt là từ mùng 6 Tết đến nay, nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản Việt đã được các doanh nghiệp giao tới đối tác trên thế giới.
Chia sẻ thông tin về hoạt động xuất khẩu đầu năm tại địa phương, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ cho hay, trong ngày ra quân làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) đã xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Malaysia.
Đây chỉ là một trong nhiều lô hàng xuất khẩu được Trung An giao vào dịp đầu năm mới. Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung An, hoạt động thu mua, chế biến lúa gạo tại doanh nghiệp đang diễn ra sôi động. Trung An vừa giao xong lô gạo thơm đi EU và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, cụ thể là Malaysia. Trong ngày 17/2 (tức ngày mùng 8 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), Công ty đóng 30 container và ngày 19/2 (tức ngày mùng 10 Tết), doanh nghiệp đóng tiếp 20 container nữa, tổng cộng hơn 1.000 tấn gạo, để giao cho khách hàng Malaysia.
Cũng trong sáng 19/2 (tức mùng 10 Tết), tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài hạt lép đầu tiên sang Hàn Quốc. Lô xoài hạt lép đầu tiên với 13 tấn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hàn Quốc trên cơ sở hợp đồng đã ký kết của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng và Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (huyện Châu Thành, tỉnh Long An).
Tại sự kiện, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cùng Công ty TNHH Đầu tư và phát triển thương mại Tín Tâm đã ký kết hợp đồng liên kết với Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng tiêu thụ khoảng 500 tấn xoài trong năm 2024.
Trước đó, Vina T&T Group đã xuất bán các lô hàng xoài tượng da xanh VietGAP đầu tiên đi Australia, Mỹ và lô hàng sầu riêng sang Trung Quốc. Vina T&T Group chia sẻ, việc xuất khẩu sang Australia và Mỹ bước đầu khẳng định vị thế trái xoài tượng của An Giang tại các thị trường khó tính. Đây là cơ hội lớn thúc đẩy hình ảnh, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vina &T Group đang mở rộng thêm thị trường, để tiếp tục đưa trái xoài đến nhiều quốc gia.
Với đơn hàng xuất khẩu tấp nập từ đầu năm, các doanh nghiệp kỳ vọng, xuất khẩu xoài năm 2024 sẽ mang về kim ngạch vượt xa mức 174 triệu USD của năm 2023.
Đo lường ngoại tệ của nhóm nông sản tỷ USD
Năm 2023, xuất khẩu gạo trở thành điểm sáng với trên 8 triệu tấn được xuất bán thành công, mang về gần 4,7 tỷ USD. Theo tính toán từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2024, cùng với đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.
Lợi thế của gạo Việt trong năm 2024 là tiếp tục được hưởng lợi về giá xuất khẩu, do Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (trên 20 triệu tấn/năm, doanh thu gần 10 tỷ USD) đã siết chặt lệnh xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Các quốc gia như Philippines, Indonesia, Trung Quốc và nhiều thị trường lớn khác tiếp tục gia tăng đặt hàng từ Việt Nam. Dự kiến, doanh thu mang về từ xuất khẩu gạo trong năm 2024 có thể đạt 5,3 - 5,4 tỷ USD.
Bên cạnh gạo là rau quả, dự báo mang về khoảng 6,5 - 7 tỷ USD, nhờ sự bứt tốc của nhiều loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng và nhiều mặt hàng khác. Năm 2023, xuất khẩu rau quả tăng tới 66,7% (tương ứng tăng 2,24 tỷ USD) so với năm 2022.
Trong 5,6 tỷ USD doanh thu xuất khẩu toàn ngành rau quả trong năm 2023, sầu riêng góp 2,2 tỷ USD (tăng tới 1,82 tỷ USD so với năm 2022), trong đó có 2,1 tỷ USD xuất sang thị trường Trung Quốc. Đáng nói là, rau quả chế biến tiếp tục tăng gần 20%, mang về gần 1,3 tỷ USD.
Trung Quốc đang mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản nước ta, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm đáng kể khi mở cửa thị trường thành công với sầu riêng đông lạnh.
Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group dự báo, nhiều loại nông sản Việt sẽ tiếp tục ghi điểm về cả đơn hàng lẫn giá xuất khẩu, đặc biệt là sầu riêng, cà phê, gạo.
Sau khi mang về 4,2 tỷ USD trong năm 2023, cà phê Việt đang hút khách hàng từ nhiều thị trường toàn cầu. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm qua thuận lợi khi giá xuất khẩu cà phê Robusta tăng mạnh. Cà phê Robusta chiếm 87,63% về lượng và 75,53% về trị giá trong tổng xuất khẩu cà phê của cả nước, nên giá cà phê
Robusta tăng mạnh đã giúp tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2023 tăng 4,6% so với năm 2022, mặc dù lượng xuất khẩu giảm 8,7%.
Năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta được dự báo duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 dự báo có thể đạt 4,6 - 5 tỷ USD.
Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
Bên cạnh gạo, rau quả và cà phê, xuất khẩu nhiều nhóm hàng nông sản được nhận định sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ năng lực sản xuất, chế biến và cung ứng của nước ta ngày càng cải thiện.
Theo đánh giá của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp lớn trong ngành, như Vina T&T, Vinamit, Chánh Thu…, điểm thuận lợi cho nhiều nhóm hàng nông sản xuất khẩu trong năm 2024 là nhu cầu tại thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao. Cùng với đó, các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc… cũng đang tăng nhập khẩu nông sản Việt. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm nhiều mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.