Cây lanh đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ Môn.
Gắn với lanh từ thuở thiếu thời
Mỗi người phụ nữ Mông, ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được chứng kiến những người chị, người mẹ và người bà làm công việc trồng lanh, xe lanh, dệt vải để phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình. Ngoài ra, sợi lanh còn là vật linh thiêng trong các nghi lễ cúng bái, cưới xin, tang ma…vv, đều có sự hiện diện của lanh.
Cây lanh gắn bó mật thiết suốt cuộc đời của người phụ nữ Mông.
Người Mông luôn chú trọng hướng dẫn con em mình, đặc biệt là các trẻ em gái, từ việc trồng lanh, thu hoạch lanh, xe lanh và dệt vải. Trên nương của mỗi gia đình luôn dành khoảng đất để trồng lanh. Cứ đến tháng Ba âm lịch là thời điểm gieo trồng cây lanh. Chỉ cần lấy hạt lanh trộn thật đều cùng phân chuồng, rồi đem rải mỏng khắp xuống mặt đất nương, sau đó dùng cuốc xới đất trộn đều lại là xong, gieo dày thưa thì đợi đến khi lanh mọc lên họ sẽ tỉa bớt cây cho đều.
Bà Nguyễn Minh Tú, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, cho biết: “Quan niệm của người Mông từ xưa đều nhìn nhận đánh giá sự khéo léo, đảm đang đối với một người phụ nữ là phần lớn dựa trên việc họ biết làm lanh hay không, đó là trồng lanh, tuốt lanh, xe lanh và dệt vải, may mặc áo quần cho gia đình. Nếu người phụ nữ nào không biết làm, hoặc làm không tốt các công việc này thì được cho là không đảm đang. Nên ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được dạy bảo rất kỹ các công việc liên quan đến cây lanh”.
Những người bà, người mẹ dân tộc Mông thường dạy con gái mình các công việc liên quan đến cây lanh ngay từ khi còn nhỏ
Chị Hạng Thị Cở, ở thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, Sa Pa, chia sẻ: “Ngày xưa mẹ dạy cho mình làm lanh thì mình cũng phải dạy cho con gái mình. Nó phải biết làm để còn may quần áo cho gia đình của nó sau này. Nếu nó không biết làm, hoặc làm không giỏi thì lỗi tại mình không dạy nó làm tốt. Con gái người Mông thì ai cũng phải biết làm lanh, đó là cái phong tục của người dân tộc mình rồi”.
Lanh trở thành mặt hàng thương mại của phụ nữ Mông
Ngày nay, với người phụ nữ Mông, cây lanh không chỉ đóng vai trò “tự cung tự cấp” như xưa, thay vào đó, người phụ nữ Mông ở nhiều địa phương trong vùng Tây Bắc Việt Nam, đã biến nó trở thành những sản phẩm hàng hóa thương mại, vừa giúp tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho chị em.
Từ trồng lanh, tuốt lanh, xe lanh, dệt vải...cho đến việc sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa thổ cẩm từ lanh, người phụ nữ Mông luôn rất giỏi.
Chị Giàng Thị Chá, ở xã Xín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai, chia sẻ: “Ngày xưa phụ nữ người Mông làm lanh chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình nhưng ngày nay gắn với cây lanh còn là để làm hàng hóa bán ra thị trường tăng thu nhập cho gia đình. Một bộ trang phục của người Mông làm bằng lanh có giá rất cao, trị giá hàng triệu đồng. Nhiều khách hàng họ rất ưa thích các sản phẩm thổ cẩm làm từ lanh, nên chị em người Mông vừa làm để dùng trong gia đình, vừa làm để bán ra thị trường.
Như nhà tôi dành trọn thời gian để sản xuất hàng thổ cẩm từ lanh, bán cho khách cả trong nước và nước ngoài. Mình sản xuất không kịp thì kêu gọi cả các chị em khác cùng làm. Nhờ vậy mà cả mình và cả chị em khác trong thôn đều có thêm nguồn thu nhập”.
Cho đến nay, người phụ nữ Mông đã tiếp cận thị trường và họ đã năng động hơn trong việc làm hàng hóa từ lanh, họ không chỉ làm các sản phẩm gia đình, mà còn sáng tạo và làm những mặt hàng thích ứng với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Nhờ có cây lanh và những bàn tay khéo léo, sự chịu thương chịu khó của những người phụ nữ Mông ở Tây Bắc, đã tạo ra những mặt hàng giá trị, giúp xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho cộng đồng.