Do lộ các thông tin cá nhân, các đối tượng xấu đã giả danh công an, gọi điện thoại và dùng các chiêu bài đe doạ nạn nhân.
Các kịch bản thường được dàn dựng như người thân đang có liên quan tới vụ án ma tuý hoặc rửa tiền, chuẩn bị tới để đọc lệnh bắt. Sau khi thấy nạn nhân có dấu hiệu hoang mang, đối tượng bắt nạn nhân khai báo về toàn bộ tài sản hiện có, rồi gửi đường link truy cập, bắt nạn nhân làm theo hướng dẫn và kiểm soát tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Bằng thủ đoạn trên, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng từ người phụ nữ này.
Mỗi nạn nhân sẽ có một cách tiếp cận và kịch bản khác nhau. Các đối tượng hiện sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn. Đó là mạo danh là cán bộ của một tập đoàn lớn tại Việt Nam, hay đi làm thiện nguyện, rồi từ từ tác động, đánh vào tâm lý nạn nhân bằng những câu chuyện về gia đình, con cái, thông qua việc trò chuyện qua mạng xã hội.
Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, đối tượng gửi 1 đường link để nạn nhân đăng nhập vào hệ thống quyên góp tiền, kèm theo đó là 1 biên lai hoá đơn giao dịch của đối tượng. Bằng thủ đoạn trên, đối tượng đã chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng từ người phụ nữ này.
Trên thực tế, có rất nhiều nạn nhân bị các đối tượng xấu lừa đảo và chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội. Nạn nhân đến cơ quan công an trình báo đều trong tình trạng hoang mang và mất số tiền lớn.
Ngoài việc đấu tranh, triệt xoá các nhóm đối tượng lừa đảo, công an tỉnh Nghệ An còn tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng xấu trên mạng xã hội thông qua các video ghi lại câu chuyện của các nạn nhân khi trình báo. Đồng thời, cơ quan chức năng đề nghị người dân cần thực hiện khẩu hiệu "4 không, 2 phải". Đó là "không sợ", "không tham", "không kết bạn với người lạ", "không chuyển khoản" và "phải thường xuyên cảnh giác", cũng như "phải tố giác ngay với cơ quan chức năng khi có nghi ngờ".