Sau những trận mưa lớn kéo dài, môi trường sống bị đảo lộn, nước lũ dâng cao cuốn theo rác thải, xác động vật, chất thải sinh hoạt và các tác nhân gây bệnh tràn lan, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đất đai và không khí.

Đây chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển mạnh mẽ, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực bị cô lập, thiếu nước sạch và không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi đợt mưa lũ tràn qua đều để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe mà không phải ai cũng nhận thức đầy đủ.
Không chỉ là những tổn thương thể chất do thiên tai trực tiếp gây ra, mà còn là sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, bệnh tả, lỵ trực trùng, viêm gan A, đau mắt đỏ, viêm da do nhiễm khuẩn và đặc biệt là sốt xuất huyết. Những bệnh này nếu không được kiểm soát kịp thời có thể lan rộng, tạo thành ổ dịch và để lại hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.
Người dân thường có thói quen chủ quan khi gặp các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, tiêu chảy thoáng qua hay viêm da nhẹ, từ đó dẫn đến việc tự ý điều trị tại nhà mà không qua thăm khám. Chính điều này đã khiến nhiều ca bệnh chuyển biến nặng hoặc làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong khu dân cư.
Do đó, theo bác sỹ Huyền, việc chủ động phòng bệnh là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe trong và sau mùa mưa bão.
Một trong những biện pháp đầu tiên mà người dân cần thực hiện chính là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mọi bữa ăn cần được nấu chín kỹ, sử dụng nguồn nước sạch đã được đun sôi hoặc xử lý đúng cách.
Người dân tuyệt đối không nên ăn các thực phẩm ôi thiu, thực phẩm chưa rõ nguồn gốc, đặc biệt là không ăn gia súc, gia cầm đã chết do mưa lũ. Trong điều kiện bị chia cắt hoặc thiếu điều kiện nấu nướng, nên ưu tiên sử dụng thực phẩm đóng gói sẵn, đảm bảo vệ sinh và còn hạn sử dụng như mì ăn liền, lương khô, nước đóng chai.
Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt cần được kiểm tra và xử lý cẩn trọng. Những giếng khơi, giếng khoan bị ngập nước phải được thau rửa, khử trùng bằng các dung dịch phù hợp theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Người dân tuyệt đối không nên sử dụng nước bị ô nhiễm để tắm giặt, đánh răng, rửa mặt hoặc cho trẻ nhỏ chơi đùa. Việc sử dụng nước bẩn là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về tiêu hóa và ngoài da, trong đó có nhiều bệnh có thể diễn tiến nhanh và nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm.
Một mối lo không thể xem nhẹ trong mùa mưa bão là sốt xuất huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi vằn truyền virus Dengue, thường bùng phát mạnh vào thời điểm sau mưa, khi muỗi sinh sản nhanh trong các vũng nước đọng quanh nhà.
Để phòng bệnh, mỗi gia đình cần chủ động diệt lăng quăng, đậy kín các vật dụng chứa nước, loại bỏ những vật dụng phế thải có thể tích nước như chai lọ, vỏ lon, lốp xe cũ và đặc biệt là sử dụng màn khi ngủ kể cả vào ban ngày. Trẻ em, phụ nữ mang thai và người già cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn do đây là những đối tượng dễ mắc bệnh và có nguy cơ biến chứng nặng.
Đối với các bệnh ngoài da và đau mắt đỏ, người dân nên hạn chế tiếp xúc lâu với nước ngập. Nếu buộc phải đi lại trong vùng ngập lụt, cần nhanh chóng rửa sạch chân tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau đó lau khô kỹ càng.
Việc dùng chung khăn mặt, chậu rửa hay vật dụng cá nhân trong thời gian này cũng cần tuyệt đối tránh để hạn chế khả năng lây nhiễm chéo trong gia đình hoặc khu tập trung dân cư.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao, tiêu chảy kéo dài, buồn nôn, nổi ban, ho, đỏ mắt hoặc ngứa ngáy toàn thân, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và hướng dẫn điều trị.
Không nên tự ý dùng thuốc, truyền dịch hay áp dụng các biện pháp dân gian chưa được kiểm chứng vì điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đồng thời tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Hiện nay, ngành y tế đã có những kế hoạch chủ động ứng phó với dịch bệnh mùa mưa bão. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các đội phản ứng nhanh luôn trong tình trạng sẵn sàng phối hợp hỗ trợ các địa phương, cung cấp chuyên môn và nguồn lực khi cần thiết.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Nguyên Huyền, sự chung tay của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, thực hiện đúng các khuyến cáo y tế mới chính là yếu tố quyết định giúp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Phòng dịch không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc mỗi cá nhân tự giác thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu hậu quả của thiên tai, duy trì ổn định cuộc sống sau bão lũ, và trên hết là bảo vệ sự an toàn, tính mạng của chính mình và những người thân yêu.