Tình trạng học sinh bị ngộ độc khí do chơi bóng nổ đã xảy ra ở một số tỉnh như Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, khiến hàng chục học sinh nhập viện.
Trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu do chơi đồ chơi bóng nổ (còn được gọi là “bóng thối”) ở một số tỉnh khu vực phía Nam.
Bóng nổ là loại trò chơi được đựng trong túi nilon nhỏ. Khi dùng tay, chân tác động mạnh, túi này phồng lên và gây nổ, làm thoát ra loại khí có mùi khó chịu nên còn được gọi là trò chơi “bóng thối.”
Do chất độc phát ra là chất khí nên không chỉ những học sinh chơi bóng có nguy cơ bị nhiễm độc mà cả những học sinh quanh đó cũng bị ngộ độc theo nếu hít phải khí này. Vì vậy, một số vụ, số ca ngộ độc do bóng nổ luôn lên đến hàng chục em.
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), sáng 8/4, một nhóm nam sinh lớp 7A5 Trường Trung học Cơ sở Phú Ninh (xã Phú Ninh, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) sử dụng “bóng thối” để chơi đùa. Trong lúc ném qua lại, quả “bóng thối” bị vỡ, khiến 6 nữ sinh trong lớp hít phải khí thối. Các em có dấu hiệu khó thở, buồn nôn, nôn khan, tâm lý rất hoảng sợ, phải điều trị tại Trung tâm y tế huyện Tam Nông.
Cũng trong đầu tháng Tư vừa qua, 19 học sinh Trường Trung học cơ sở Lộc Hoà (huyên Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) phải nhập viện sau khi chơi “bóng thối”. Trong số này có 6 em có biểu hiện khó thở, phải thở oxy cấp cứu.
Cuối tháng Ba, 21 học sinh Trường Tiểu học Ngãi Xuyên A (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cũng bị ngộ độc do hít phải khí phát ra từ bóng nổ.
Kết quả điều tra ở các địa phương đều cho thấy học sinh đã mua loại đồ chơi này từ các hàng, quán ngoài cổng trường rồi đem vào lớp sử dụng. Các gói đồ chơi đều không rõ nguồn gốc và có nhãn mác nước ngoài.
Lãnh đạo ngành giáo dục, y tế các tỉnh đã lập tức phát đi cảnh báo yêu cầu nhà trường phổ biến thông tin cho học sinh về việc không sử dụng “bóng thối,” bóng cười, bóng nổ… có nguy cơ gây hại đến sức khỏe và tinh thần. Các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trong giáo viên, học sinh tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, đồ dùng không rõ nguồn gốc; đề cao cảnh giác, nâng cao biện pháp tự phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình.
Các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc thông tin giữa nhà trường và gia đình; phối hợp với công an trong quản lý việc mua bán và sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe trẻ em và học sinh.