Cần thực hiện tốt quy hoạch bảo vệ rừng cảnh quan

LCĐT - Việc quy hoạch và bảo vệ rừng cảnh quan trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm từ khi hình thành các khu du lịch, các đô thị từ trung tâm tỉnh lỵ đến huyện, thị xã… Tuy nhiên thời gian qua, tình hình xâm hại và lấn chiếm rừng cảnh quan có chiều hướng gia tăng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Bắc Hà tuyên truyền các hộ dân giữ gìn rừng cảnh quan.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Bắc Hà tuyên truyền các hộ dân giữ gìn rừng cảnh quan.

Huyện Bắc Hà có tiềm năng phát triển du lịch nhờ có đới khí hậu mát mẻ và phong cảnh đẹp. Đặc biệt, một trong những yếu tố tạo nên nét đẹp riêng của “cao nguyên trắng” là nhiều rừng cây sa mộc quanh năm xanh tốt. Vậy nhưng trong những năm gần đây, khi đến Bắc Hà, du khách không khỏi bất ngờ vì một số rừng sa mộc bị đốn hạ, làm xấu khung cảnh thiên nhiên vốn có.

Tại khu danh thắng núi Ba mẹ con của huyện Bắc Hà đang triển khai dự án du lịch tâm linh rộng hơn 20 ha. Mặc dù khu vực chân núi thuộc địa phận xã Tà Chải đã được quy hoạch giữ nguyên hiện trạng phong cảnh với rừng sa mộc cảnh quan, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, có những cây sa mộc hàng chục năm tuổi ở đây bị đốt gốc, đẽo vỏ để “ép chết”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Kiên, Chủ tịch UBND xã Tà Chải cho biết: Xã hiện có 168 ha rừng các loại, trong đó hàng chục ha rừng sa mộc cảnh quan bao quanh thị trấn Bắc Hà. Hằng năm, tình trạng chặt phá nhỏ lẻ vẫn diễn ra, chính quyền xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện đã triển khai nhiều giải pháp giữ rừng cảnh quan, tuy nhiên, do một số khu vực rừng xen lẫn với đất canh tác của người dân nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2018, UBND huyện Bắc Hà đã có chủ trương quy hoạch, bảo vệ rừng cảnh quan dọc Tỉnh lộ 153 từ xã Bảo Nhai lên thị trấn Bắc Hà và xã Lùng Phình. Theo đó, huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân dừng khai thác rừng sa mộc cảnh quan. Việc triển khai các phương án gìn giữ, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn do nhiều diện tích đang chồng lấn với đất rừng sản xuất của các hộ, nhất là khi những diện tích rừng này đã đến tuổi khai thác. Vậy nên, muốn giữ rừng thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có chính sách mua lại hoặc hỗ trợ kinh phí để người dân giữ rừng, chăm sóc, bảo vệ.

Theo ông Trần Quang Đại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Hà, trước mắt, để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng cảnh quan đã được quy hoạch, nhất là 90 ha rừng trong khu danh thắng núi Ba mẹ con, chúng tôi đề nghị UBND huyện và ngành chức năng giải phóng toàn bộ mặt bằng hoặc có chính sách thuê, sau đó giao khoán cho các hộ quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Cùng với đó, UBND các xã Tà Chải, Thải Giàng Phố và thị trấn Bắc Hà cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành việc không chặt phá, khai thác các diện tích rừng cảnh quan đã quy hoạch.

Việc khai thác gỗ sa mộc thuộc rừng cảnh quan vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Việc khai thác gỗ sa mộc thuộc rừng cảnh quan vẫn diễn ra ở một số địa phương.

Khác với huyện Bắc Hà, thành phố Lào Cai triển khai khá sớm việc quy hoạch và bảo vệ rừng cảnh quan. Hiện nay, thành phố có hơn 670 ha rừng cảnh quan được quy hoạch, chăm sóc, bảo vệ, nhưng vẫn còn 500 ha rừng cảnh quan nằm ở các xã, phường chưa thể thu hồi để quy hoạch chăm sóc, bảo vệ do liên quan đến việc bố trí sắp xếp dân cư và do nguồn gốc đất chưa rõ ràng. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khu vực rừng cảnh quan có các hộ dân sinh sống xen kẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, bảo vệ; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng cảnh quan vẫn diễn ra ở một số nơi...

Phường Bắc Cường có diện tích rừng cảnh quan lớn (gần 200 ha), trong đó vẫn còn hơn 40 ha chưa thể thu hồi để chăm sóc, bảo vệ. Phường đang giải phóng mặt bằng để bảo vệ rừng cảnh quan bền vững, nhưng trong thực hiện có nhiều bất cập làm chậm tiến độ công tác này.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND phường Bắc Cường, khó khăn nhất hiện nay là việc di chuyển 9 hộ ở tổ 31 (dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp) ra khỏi vùng lõi các khu rừng cảnh quan. Nguyên nhân là do công tác đền bù và tái định cư cho các hộ liên quan gặp nhiều khó khăn mặc dù UBND thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi như khi thu hồi đất sẽ đền bù cho hộ đó với mức giá trên 200% đối với diện tích cây lâm nghiệp và 100% đối với cây ăn quả trồng xen lẫn, đồng thời bố trí tái định cư cho các hộ đang sống trong vùng lõi rừng cảnh quan. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hộ chưa đồng thuận do việc tìm sinh kế gặp khó.

Tương tự như phường Bắc Cường, tại các phường Duyên Hải, Bắc Lệnh, Nam Cường, công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch rừng cảnh quan cũng gặp trở ngại.

Để đạt mục tiêu đưa thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I trước năm 2025 và xây dựng thành phố “sáng - xanh - sạch - đẹp” thì việc thực hiện quy hoạch rừng cảnh quan đang đặt ra rất bức thiết. Theo ông Lê Văn Bốn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Lào Cai, dự kiến đến năm 2030, thành phố Lào Cai phải hoàn thành quy hoạch, giải phóng mặt bằng và quản lý, bảo vệ 1.300 ha rừng cảnh quan. Địa phương cần nguồn lực rất lớn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như người dân mới có thể hoàn thành mục tiêu.

Tỉnh Lào Cai đang chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó rừng cảnh quan đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nên quang cảnh đẹp và môi trường trong lành, giảm bớt sự ảnh hưởng của thiên tai. Ngày 4/2/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, quy hoạch phát triển và bảo vệ 1.806 ha rừng cảnh quan bảo vệ môi trường đô thị. Thực tế ở một số địa phương như thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Sa Pa đã quan tâm quy hoạch, bảo vệ rừng cảnh quan, nhưng ở một số nơi khác, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức khiến diện tích rừng cảnh quan xung quanh các đô thị và khu du lịch bị xâm hại.

Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần triển khai sớm việc rà soát lại quy hoạch, kiên quyết bảo đảm quy hoạch đã lập. Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia giữ gìn, chăm sóc và phát triển rừng.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Năm 2024, phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch 239/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã phấn đấu hoàn thành “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Tại chỉ thị vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD; đồng thời thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Dần Thàng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Dần Thàng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Là xã vùng 3 của huyện Văn Bàn, Dần Thàng hiện có 400 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 80%. Địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư ở phân tán, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao nên khó huy động nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nông thôn mới.

Khai thác thị trường xuất khẩu gạo mới

Khai thác thị trường xuất khẩu gạo mới

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 5 tỷ USD. Ngoài nhiệm vụ giữ vững diện tích gieo trồng lúa là 7,1 triệu ha, sản lượng lúa 43 triệu tấn, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thì việc tập trung khai thác các thị trường mới cho xuất khẩu gạo là yêu cầu cần thiết, nhất là trong điều kiện cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng gay gắt hơn.

Xem xét, xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Xem xét, xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo 108/TB-VPUBND ngày 2/5/2024 kết luận của Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 20/4/2024 về tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản (kể cả chương trình mục tiêu quốc gia), công tác chuẩn bị đầu tư năm 2024 và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

fb yt zl tw