Tại cuộc họp, trên tinh thần dân chủ, khách quan, người dân đã cho ý kiến xây dựng quy chế quản lý khu dân cư tái thiết thôn Làng Nủ, đồng thời đề xuất một số giải pháp trong xây dựng kiến trúc, cảnh quan phù hợp với nét truyền thống dân tộc.
Về cơ bản, người dân đồng thuận, nhất trí cao việc giữ gìn được kiến trúc, phát triển cảnh quan và xây dựng nơi đây trở thành điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn, miền đất đáng sống, xây dựng Làng Nủ hạnh phúc.
Về nhà ở, các hộ dân sinh sống tại khu tái thiết Làng Nủ không phá dỡ, cải tạo kiến trúc nhà (thay đổi màu sơn của tường, lắp thêm mái hiên…) đã được bàn giao. Việc xây dựng phải đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nhà văn hóa xây dựng trên khu tái thiết Làng Nủ là nơi sinh hoạt cộng đồng, các cá nhân, hộ gia đình sinh sống tại đây và toàn thể Nhân dân thôn Làng Nủ, các tổ chức, cá nhân đến tham quan, thực hiện các nhiệm vụ có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh chung.
Ngoài ra, cộng đồng phát huy vai trò, trách nhiệm, cùng chung tay giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng; chăn nuôi động vật phải thực hiện nghiêm công tác vệ sinh chuồng trại, không thả rông trên đường làng và nơi công cộng gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan. Mỗi tuần cả thôn và khu tái định cư tổ chức dọn vệ sinh chung 1 lần.
Các hộ cam kết luôn giữ gìn mối quan hệ hàng xóm, láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, lúc khó khăn, hoạn nạn; quan tâm, chăm sóc các gia đình chính sách, người tàn tật, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, người gặp hoạn nạn. Các thành viên trong gia đình phải tôn trọng, yêu thương, đùm bọc nhau, có lối sống lành mạnh; có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ, hòa giải các mâu thuẫn, xích mích trong gia đình.
Sau khi thảo luận, các hộ dân khu tái thiết đều đồng thuận, nhất trí cao và ký cam kết thực hiện.