Bên cạnh đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của người lái xe, của giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp đối với việc đưa đón học sinh, trên thực tế những người này đã thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào, lý do tại sao lại bỏ quên học sinh trên xe ô tô. Đồng thời khi phát hiện học sinh không có mặt tại lớp học, học sinh vắng mặt tại lớp thì giáo viên có biết hay không, nếu biết học sinh vắng mặt tại lớp thì có báo cho nhà trường và phụ huynh hay không.
Những vấn đề nêu trên thuộc những mội dung quan trọng cần làm rõ để xác định nguyên nhân, diễn biến, hậu quả sự việc, từ đó sẽ giúp làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Từ vụ án này, trường hợp kết quả điều tra cho thấy em học sinh tử vong có nguyên nhân từ việc bị bỏ quên học sinh này trên xe đưa đón, đồng thời xác định được lỗi cụ thể của người phụ trách đưa đón, của lái xe, của giáo viên hoặc của những người có trách nhiệm trong việc đưa đón học sinh, thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can người vi phạm về Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự. Nếu bị buộc tội về tội danh này thì những người có hành vi vi phanh có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, ngày 31/5/2024 giáo viên phụ trách lớp có học sinh tử vong là cô Đ.T.N (sinh năm 1998, trú phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, trình độ đào tạo Cao đẳng Sư phạm mầm non) và cô N.T.P (sinh năm 1966, trú xã Phú Xuân, TP.Thái Bình, trình độ đào tạo Đại học Sư phạm mầm non) cùng bị khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú để tiếp tục điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự. Với tình tiết định khung “làm chết người” thì phạt những người này có thể đối mặt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Tuy nhiên, trong vụ án này, qua điều tra cho thấy, nếu đã có quy trình đưa đón học sinh (được coi là có quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính) thì có thể cơ quan tố tụng sẽ chuyển tội danh từ Tội vô ý làm chết người sang Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự, ngoài hình phạt tù và người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là cấm hành nghề. Nếu bị buộc tội về tội danh này, người có hành vi vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp nhiều người cùng có lỗi dẫn đến cháu bé tử vong, tất cả những người có lỗi đều có thể bị xử lý về tội danh nêu trên.
Ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và bồi thường thiệt hại về chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, có thể đề nghị tòa án giải quyết về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định của pháp luật.
Việc đưa đón học sinh mầm non, tiểu học là một quá trình đòi hỏi phải có quy tắc đảm bảo an toàn, người thực hiện việc đưa đón phải là những người có trình độ, kĩ năng chuyên môn tốt, có trách nhiệm, đảm bảo quy trình chặt chẽ khi đưa đón học sinh. Bởi chỉ cần thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng quy trình tổ chức thực hiện việc đưa đón học sinh hoặc người được giao quản lý việc đưa đón học sinh thiếu trách nhiệm, không tuân thủ quy trình là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ việc này, cần xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, đồng thời làm rõ nguyên nhân và tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện ra những vi phạm trong quy trình tổ chức đưa đón học sinh ở các nhà trường thuộc các cấp học hiện nay.
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh sâu về vấn đề tiêu chuẩn tài xế điều khiển xe đưa đón học sinh, mà chỉ có quy định chung đối với phương tiện là xe ô tô chở học sinh đang được các Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Các phương tiện này phải tuân thủ các quy định về chất lượng phương tiện khi khai thác kinh doanh dịch vụ.
Việc chỉ quy định điều kiện đối với phương tiện mà chưa quy định tiêu chuẩn tài xế điều khiển loại xe này là một “khoảng trống pháp luật” đưa đến hệ luỵ là các vụ bỏ quên học sinh trên xe. Vì thế cần nhanh chóng ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với tài xế lái xe, phụ xe, người phụ trách đưa đón học sinh trên xe về độ tuổi, trình độ, kỹ năng đưa đón học sinh bằng loại phương tiện này, ứng xử với các tình huống xảy ra, quy trình khi đưa đón trẻ cần chặt chẽ… cần bổ sung việc kinh doanh vận tải giữa nhà xe với nhà trường dịch vụ đưa đón xe là ngành nghề kinh doanh có điều kiện riêng, phải xin giấy phép con, đủ điều kiện về phương tiện đạt tiêu chuẩn, nhân sự được đào tạo bài bản, có phương án ứng xử với các tình huống diễn biến khi đưa đón học sinh được Sở Giáo dục - Đào tạo thẩm định. Phải siết chặt như vậy hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh mới chặt chẽ và hạn chế việc xảy ra rủi ro nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng học sinh.