Bữa cơm tất niên của người tuần rừng ở Nậm Xây Nọi

Chiều cuối năm, khi mọi nhà đang quây quần bên mâm cơm tất niên chuẩn bị đón Giao thừa thì những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại chốt Nậm Xây Nọi (xã Nậm Xây), trực thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn chuẩn bị cho chuyến tuần rừng xuyên tết. Bữa cơm chiều cuối năm giữa rừng đơn sơ nhưng thấm đượm vị tết.

Theo kế hoạch, nhóm bảo vệ rừng thôn Phiêng Đoóng (thuộc Tổ bảo vệ rừng chuyên trách xã Nậm Xây) làm nhiệm vụ bảo vệ rừng từ ngày 9 - 14/2/2024 (tức từ ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 5 tết Giáp Thìn). Chiều 30 tết, tất cả các thành viên tổ bảo vệ rừng đã có mặt đầy đủ tại chốt bảo vệ rừng Nậm Xây Nọi để cùng nấu bữa cơm tất niên trước khi bước vào chuyến tuần rừng đặc biệt nhất trong năm - chuyến tuần rừng xuyên tết. Tuy có nhiều tâm trạng nhưng mỗi thành viên đều gác lại những suy nghĩ cá nhân để nở trên môi nụ cười, cùng động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi người một việc, người thái thịt, người rửa rau, người bóc bánh chưng…

baolaocai_1.jpg
baolaocai_2.jpg
Các thành viên nhóm bảo vệ rừng thôn Phiêng Đoóng cùng chuẩn bị bữa cơm tất niên ngay tại chốt bảo vệ rừng Nậm Xây Nọi.

Vừa nhóm xong bếp lửa, nhanh tay bắc nồi nước, rồi quay ra thái thịt, anh Hoàng Thừa Tài chia sẻ: Tham gia Tổ bảo vệ rừng được hơn 5 năm, luân phiên cách một năm ăn tết ở nhà, một năm tôi đi tuần rừng dịp tết. Dù cũng có tâm trạng vì không được ở bên gia đình giờ phút Giao thừa nhưng vì nhiệm vụ nên chúng tôi luôn cố gắng. Bữa cơm cuối cùng tiễn năm cũ tại chốt bảo vệ rừng là dịp để anh em chúng tôi có thời gian tâm sự, chia sẻ về gia đình, cuộc sống và những kinh nghiệm tuần tra rừng, cùng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

baolaocai_3.jpg
baolaocai_4.jpg
Mỗi người một việc để có bữa cơm tất niên ấm áp giữa rừng.

Còn với Bàn Tòn Chản, chàng thanh niên dân tộc Dao tham gia tổ bảo vệ rừng được hai năm thì đây là lần đầu tiên được phân công trực chốt và bảo vệ rừng trong dịp tết. Để trấn an sự lo lắng, hồi hộp lộ rõ trên khuôn mặt Chản, anh Bàn Hữu Thành, nhóm trưởng nhóm bảo vệ rừng thôn Phiêng Đoóng vỗ vai động viên: Vui xuân, đón tết giữa rừng không phải ai muốn cũng được đâu. Đó là cái “sang” của “lính gác rừng” đấy. Bởi ngoài sự gian nan, vất vả, dịp tết, những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng được thỏa sức ngắm hoa rừng, nghe tiếng chim hót, đón khoảnh khắc thiêng liêng của giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nơi đại ngàn.

Động viên để Chản khỏi nhớ nhà, lo lắng, nhưng tôi thấy anh Thành rơm rớm nước mắt dù đã cố gắng cười sảng khoái. Cũng đúng thôi, cảm xúc của mỗi người Việt vào chiều cuối năm đều hướng về gia đình, muốn ở bên người thân yêu vào thời khắc thiêng liêng.

z5148489390353_e0f62cce7a6a1a8274b2403eb17f9273.jpg
Bữa cơm tất niên đơn sơ nhưng đượm hương vị tết của những "lính gác rừng" ở chốt bảo vệ rừng Nậm Xây Nọi.

Bữa cơm chiều 30 tết tại chốt bảo vệ rừng Nậm Xây Nọi tuy đơn sơ nhưng cũng có đủ hương vị của ngày tết, có bánh chưng xanh, thịt gà luộc… Chén rượu trắng rót ra, mọi người cùng chúc nhau năm mới nhiều sức khỏe, gia đình đầm ấm và không quên chúc cho những chuyến tuần tra rừng an toàn. Ngồi cùng những người “lính gác rừng” chiều cuối năm, ăn bữa cơm đơn sơ nhưng đượm vị tết, nghe những câu chuyện bảo vệ rừng bằng tất cả tình yêu, sự đam mê, cống hiến, chúng tôi mới thấy được bao nhọc nhằn, có cả sự đánh đổi niềm vui riêng để giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Bữa cơm tất niên giữa rừng mang đến cho những người làm nhiệm vụ giữ rừng nơi đây những cảm giác thật khó diễn tả, vừa vội vàng, vừa ấm cúng, cũng là tiếp thêm động lực cho anh em trong tổ bảo vệ rừng làm nhiệm vụ xuyên tết.

baolaocai_6.jpg
Sau bữa cơm tất niên vội vã, các thành viên trong tổ bảo vệ rừng nhanh chóng triển khai phương án tuần tra rừng.

Trong bữa cơm này, anh Bàn Phúc Hương là người được nhắc đến nhiều nhất, cũng là người phấn khởi nhất bởi có chị Bàn Thị Sính - “hậu phương” của anh đến chung vui và động viên. Anh Bàn Phúc Hương chia sẻ: Làm nhiệm vụ bảo vệ rừng trong những ngày tết, tôi cũng có chút nỗi niềm với gia đình, vợ con. Song, với trách nhiệm của “lính gác rừng”, tôi sẽ cùng với anh em quyết tâm giữ cho những cánh rừng mãi xanh.

Bên mâm cơm chiều cuối năm, anh Nguyễn Đức Thịnh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn không quên nhắc nhở anh em: Dịp tết là cao điểm mùa khô hanh nên nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. Mặt khác, đây cũng là thời điểm kẻ xấu thường lợi dụng để khai thác gỗ hoặc lấn chiếm đất rừng. Vì vậy, anh em phải nêu cao cảnh giác, dành hết tâm trí vào nhiệm vụ bảo vệ lâm phần mà đơn vị đang được giao, quản lý.

baolaocai_7.jpg
IMG_8268.JPG
Ba lô trên vai, những "lính gác rừng" lên đường làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng xuyên tết.

Sau bữa cơm tất niên vội vã, các thành viên trong tổ bảo vệ rừng nhanh chóng kiểm tra giày, ủng, dao phát, bi đông nước, mũ đội đầu và lương thực mang theo. Đêm nay, các anh sẽ đón Giao thừa ở chốt bảo vệ rừng Tiểu khu 526, nằm sâu giữa đại ngàn, ở đó không có sóng điện thoại, không có điện, hoàn toàn tách bạch với thế giới bên ngoài. Tranh thủ những giây phút còn có sóng điện thoại, mỗi người đều gọi điện về nhà hỏi thăm vợ con, bố mẹ, người thân trong sương lạnh chiều 30 tết.

baolaocai_8.jpg
Dù cung đường vất vả nhưng cán bộ kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng luôn lạc quan trên đường tuần tra.

Giữa bốn bề núi non trùng điệp, trời về chiều, sương bắt đầu xuống nhanh, lạnh buốt. Là những “người con của núi” quá quen thuộc địa hình nên những bước chân cứ thế phăng phăng trên những lối mòn, vượt qua khe suối tiến sâu vào lõi rừng. Cứ thế, những bước chân thầm lặng và cần mẫn khuất dần phía núi để canh giữ màu xanh của đại ngàn.

Khu vực chốt bảo vệ rừng Tiểu khu 526 và 527 với diện tích rừng đặc dụng hơn 1.000 ha với sự đa dạng sinh học cao. Nơi đây có nhiều loài gỗ quý như pơ mu, sến, táu… đây cũng là điểm giáp ranh với các xã Mường Than, Phúc Than (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu); Khao Mang, Mồ Dề, Chế Cu Nha, Nậm Có (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn các cây gỗ quý.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

fbytzltw