Cuối tháng 10/2023, chị Lê Thị Mùa, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Mạc (huyện Văn Bàn) tham gia lớp tập huấn sơ - cấp cứu do hội chữ thập đỏ cấp tỉnh phối hợp với cấp huyện tổ chức. Trước đây, chị Mùa đã biết một vài phương pháp xử lý các tình huống khi gặp người bị đuối nước nhưng học đã lâu nên quên nhiều và cần được cập nhật kiến thức mới.
Qua tập huấn, chị Mùa cùng 30 tình nguyện viên đã được hướng dẫn trình tự sơ cứu đuối nước, kỹ năng hồi sinh tim, phổi, hô hấp nhân tạo, kỹ thuật vận chuyển nạn nhân an toàn. Việc thực hành còn được thao tác trên búp bê, người đóng giả nạn nhân, người trong vai cứu hộ. “Càng học, tôi càng nhận ra nhiều sai lầm do không hiểu đúng trước đây, ví dụ như không nên xốc đầu người bị nạn xuống vì làm như vậy không có hiệu quả trong hồi sức, đồng thời còn làm mất thời gian quý báu để hồi sức nạn nhân”, chị Mùa cho biết.
Tương tự, anh Vũ Văn Giang, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) cho biết, ngoài các kiến thức, kỹ năng sơ - cấp cứu ban đầu, các chuyên gia còn nhắc tình nguyện viên việc giữ bình tĩnh trong lúc cấp bách, nên làm cái gì trước, cái gì sau, điều đó sẽ tăng cơ hội sống cho nạn nhân. Hoặc trong nhiều vụ tai nạn giao thông, thấy nạn nhân chảy nhiều máu, nhiều người lại cầm máu trước mà không quan tâm đến việc hồi sức tim, phổi.
Là tình nguyện viên đã tham gia nhiều lớp tập huấn, theo anh Giang, hiện quy trình sơ - cấp cứu ở các lớp tập huấn được tinh gọn, dễ nhớ, khi gặp trường hợp khẩn cấp, người cứu hộ chỉ cần nắm những quy tắc cốt lõi để cứu sống nạn nhân.
Thời gian qua, tổ chức hội đã tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, thực hành về kỹ năng sơ - cấp cứu tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước, sơ - cấp cứu ban đầu cho hội viên, tình nguyện viên. Từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức 14 lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng an toàn phòng tránh đuối nước cho học sinh, trong đó 10 lớp cho 300 giáo viên phụ trách công tác đoàn - hội - đội các huyện, thị xã, thành phố; 4 lớp cho 1.200 học sinh tại các xã: Cốc San, Đồng Tuyển, Xuân Tăng và Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lào Cai).
Trong giai đoạn 2017 - 2022, các cấp chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức 75 lớp tập huấn cho 1.700 lượt cán bộ cơ sở, tình nguyện viên, giáo viên, với các nội dung như sơ - cấp cứu tai nạn thương tích, tai nạn giao thông; cấp cứu nạn nhân bị dị vật đường thở, nạn nhân bị bất tỉnh, ngừng thở; sơ - cấp cứu nạn nhân bị bỏng, điện giật, gãy xương; sơ - cấp cứu vết thương phần mềm; băng bó vết thương; kỹ thuật vận chuyển nạn nhân an toàn…
Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, huấn luyện sơ - cấp cứu nâng cao cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên cộng đồng; mở các lớp tập huấn, huấn luyện sơ - cấp cứu nâng cao cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên đã hoàn thành khóa cấp I với những kỹ thuật sơ - cấp cứu phức tạp như kỹ thuật xử lý tổn thương cột sống, xử lý chấn thương sọ não hay tổn thương vùng bụng, vùng ngực... Mục tiêu là chuẩn hóa công tác huấn luyện, đào tạo, góp phần phổ biến kiến thức và kỹ năng sơ - cấp cứu cho cộng đồng, để người dân có thể tự cứu mình và hỗ trợ người khác trong những trường hợp khẩn cấp.