LCĐT - Sáng 17/4, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế
Tại buổi làm việc, tỉnh Lào Cai đã báo cáo tình hình phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; định hướng phát triển trong giai đoạn tới và đề xuất một số nội dung với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế và luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm, đảm bảo an ninh lương thực; các vùng sản xuất hàng hóa được hình thành; cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực; giá trị gia tăng cao do đẩy mạnh chế biến nông, lâm sản.
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được nâng cấp cải tạo, toàn tỉnh đã có đường giao thông thuận tiện đến trung tâm xã, giao thông nội đồng từng bước được cứng hóa thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của người dân, đời sống, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên.
Tỉnh Lào Cai duy trì nông nghiệp an sinh, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp yêu cầu thị trường với 6 ngành hàng chủ lực, phát triển kinh tế đồi rừng và các ngành hàng tiềm năng được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Buổi làm việc được truyền trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố. |
Nông nghiệp Lào Cai phát triển theo hướng đa giá trị, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2021 ước đạt trên 8.600 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 5,7%; giá trị sản phẩm/1 ha canh tác ước đạt 85 triệu đồng, tăng 6,1% so với năm 2020. Lào Cai cũng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp; sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm được thực hiện tốt.
Tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Thời gian tới, Lào Cai tập trung quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với 6 ngành hàng chủ lực và sản phẩm tiềm năng của địa phương, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sâu; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quan tâm sản xuất nông nghiệp phục vụ an sinh, đảm bảo an ninh lương thực góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng, phù hợp với địa phương, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Ngoài ra, Lào Cai sẽ tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua hợp tác công tư; tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp Lào Cai; tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy nhận định nông nghiệp Lào Cai đã và đang thể hiện rõ vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế tỉnh nhưng như thế là chưa đủ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lào Cai một số nội dung liên quan đến thể chế, chính sách chung trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển, sản xuất giống (dược liệu, giống cây trồng, vật nuôi bản địa); chế biến, xúc tiến đầu tư thương mại, xây dựng trung tâm logistics tại Lào Cai; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, bản kiểu mẫu ở khu vực biên giới… Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Chính phủ cân đối, bố trí kinh phí để tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, thí điểm bán tín chỉ cacbon, tạo nguồn lực để giữ rừng; hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đặc biệt là công trình kè sông Hồng, quy hoạch không gian kết nối.
Lào Cai cần có cách tiếp cận riêng trong phát triển nông nghiệp
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những cố gắng và kết quả mà Lào Cai đã đạt được trong phát triển ngành nông nghiệp và kinh tế, xã hội. Bộ trưởng nhấn mạnh: Lào Cai có nhiều khó khăn nhưng bù lại cũng có nhiều tiềm năng phát triển.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc. |
Khi tài nguyên hữu hạn, sự sáng tạo càng trở nên vô hạn, biến những thứ không thể thành có thể, thông qua phát triển sản phẩm OCOP, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận thị trường, chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng ở các khâu.
Lào Cai cần tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, chia sẻ hài hòa lợi ích; kêu gọi đầu tư vào khu vực kinh tế nông thôn. Chuẩn hóa sản xuất theo yêu cầu thị trường; tổ chức cập nhật kiến thức, thị trường, xây dựng các câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chiến lược phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. |
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn phải làm sao để giảm chi phí, tăng chất lượng, tối ưu giá trị. Chú trọng kinh tế nông thôn như HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn. Ngoài ra, Lào Cai cũng cần chuyển đổi mô hình nông thôn mới sang mô hình nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn mà trọng tâm là kinh tế hợp tác, sản phẩm OCOP.