Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Chính phủ về Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Trong bản dự thảo mới nhất trình Chính phủ, một số nội dung quan trọng đã được Bộ Công Thương sửa đổi so với bản dự thảo đưa ra lấy vào cuối năm 2024.
![Nhân viên công ty điện lực Hà Nội hướng dẫn khách hàng nắm các thông tin chính xác về điện. Nhân viên công ty điện lực Hà Nội hướng dẫn khách hàng nắm các thông tin chính xác về điện.](https://cdn.baolaocai.vn/images/9c8e7b0ffb17c82202b62d81fa424864b3dc0ffabdfba9e01a7c2569ff0131619bacd7e08caf100e06dd770efea73071565a78bb674c05a6664fdf642dcb236f/bo-cong-thuong-2204-8633.jpg)
Vẫn giữ thời gian điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần
Trước hết, về thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trước đó, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng kể từ lần thay đổi gần nhất, giảm 1 tháng so với quy định hiện hành.
Tuy nhiên, tại bản dự thảo lần này, Bộ Công Thương đã rút lại đề xuất này, thay vào đó là để giữ nguyên như quy định hiện hành với thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Việc Bộ Công Thương rút lại đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần là tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ban ngành… Trong báo cáo thẩm định dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương giữ nguyên thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu như quy định của Quyết định số 05/2024, tức là 3 tháng/lần. Lý do là để phù hợp với số liệu từng quý, 3 tháng tổng hợp số liệu một lần.
Hiện giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 05/2024, thực hiện từ tháng 5-2024 đến nay, thay thế cho Quyết định số 24/2017. Theo Quyết định 05/2024, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã được điều chỉnh tăng hai lần (3% vào tháng 5/2023 và mức 4,5% vào tháng 11/2023). Năm 2024, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh vào tháng 10 với mức tăng 4,8%.
Thận trọng hơn với thẩm quyền tăng giá điện dưới 5% của EVN
Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hàng năm, trong dự thảo, Bộ Công Thương vẫn giữ quy định khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện được điều chỉnh giảm ở mức tương ứng.
Tuy nhiên, ngay khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh tăng. Mức này thấp hơn so với quy định 3% đang áp dụng.
Nêu lý do sửa đổi nguyên tắc mức điều chỉnh giá bán điện bình quân, Bộ Công Thương cho biết là để phù hợp với Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1-2-2025 là “giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh”.
Đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng cho biết, theo kết quả kiểm tra, công bố giá thành điện thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,46 tỉ đồng, năm 2023 là 528.604,24 tỉ đồng. Vì vậy, trường hợp cần điều chỉnh giá điện ở mức 3% thì tương ứng chi phí sản xuất của EVN phải tăng hơn 15.000 tỉ đồng. Điều này dẫn đến EVN có thể không cân đối được .
Dựa trên nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, giá bán lẻ điện bình quân hàng năm được điều chỉnh như sau:
Khi giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 2% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ, báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát, cho ý kiến. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương phải có ý kiến bằng văn bản. Sau đó, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá điện tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên thì trên cơ sở phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan rồi hoàn thiện báo cáo Chính phủ cho ý kiến.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo.
Bộ Công Thương cho biết, để nhằm tháo gỡ cho EVN, ở mức điều chỉnh giá điện dưới 5% EVN được quyền tự quyết và sau khi điều chỉnh EVN báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan để giám sát. Tuy nhiên, sau đó EVN đề nghị bổ sung việc EVN quyết định điều chỉnh tăng giá điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương có ý kiến.
“Điều này đồng nghĩa mặc dù được tháo gỡ và tạo điều kiện quyền tự quyết cho EVN trong việc điều chỉnh giá điện ở mức dưới 5%, song EVN vẫn cẩn trọng và cần có cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến trước khi EVN quyết định điều chỉnh tăng ở mức dưới 5%. Vì vậy dự thảo đã bổ sung việc EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và có ý kiến bằng văn bản” - Bộ Công Thương cho biết.