Biết ơn và ý thức rõ niềm tự hào!

Tháng 7 - tháng của tưởng nhớ, tri ân và hoài niệm. Tháng mà những ký ức của một thời oanh liệt của tuổi trẻ trong mỗi người lính già hôm nay lại ùa về với bao tự hào và xúc động.

gia-tri-anh-hung-5019.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tặng hoa tri ân Anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Văn Thái (đứng giữa) và Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Tùng Chinh (bên phải).

Ký ức của người lính năm xưa

Nghe về ông đã nhiều, nhưng hôm nay tôi mới có dịp trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Văn Thái. Sinh năm 1947 trong một gia đình nghèo tại Long Nguyên, Bến Cát, Thủ Dầu Một, sớm được giác ngộ cách mạng, năm 16 tuổi, ông Thái tham gia dân quân tại địa phương và một năm sau đó vào bộ đội.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông Đoàn Văn Thái đã bốn lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, hai lần nhận Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Đặc biệt, năm 1969, tại Đại hội Lực lượng vũ trang miền nam, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 22 tuổi và là Anh hùng trẻ nhất bấy giờ.

Ông Thái nhớ như in từng trận đánh và tiêu biểu là chiến dịch Mậu Thân 1968. Đợt ấy, có trận đánh vào Sài Gòn, bị địch chia cắt, bao vây tại Thủ Đức trong 16 ngày đêm, cả Đại đội 3 của ông có 30 người phải đối đầu với biệt kích, đánh càn, rồi trực thăng bắn tỉa, các chiến sĩ kiên cường phá vòng vây, lần thoát chết đó ông được đề bạt Đại đội phó. “Sau lần đó, tôi bảo với đồng đội, không chết lần này, Đoàn Văn Thái không bao giờ hy sinh trên chiến trận. Thế rồi, tới trận đánh đồn Cua Pa-ri tháng 11/1968, Đại đội 3 liên tiếp thất bại, thế là tôi nhận trách nhiệm vừa đánh đồn vừa giải cứu đồng đội”. Sau đó ông Thái được bổ nhiệm chức Đại đội trưởng Đại đội 3.

Đang say sưa kể về những trận đánh, người lính già bỗng trầm ngâm, nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe. “Có những trận đánh vài chục người đi, nhưng trở về chỉ có vài anh em và ai cũng bị thương. Bị thương nặng thì được điều trị, đỡ lại tham gia chiến đấu. Bị thương nhẹ thì chiến đấu tiếp, riết nó tự lành. Đã tham gia kháng chiến thì ai cũng xác định từ trước là hy sinh, nhưng nếu hy sinh thì cũng phải hy sinh cho xứng đáng.

Chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình, nhưng khi ấy mục tiêu là giành độc lập, tự do cho quê hương, cho nên tinh thần chúng tôi không hề nao núng… Còn được sống tới hôm nay, tôi rất nhớ những đồng đội đã không thể chứng kiến ngày đất nước hòa bình”, ông Thái xúc động.

Sau năm 1975, ông Thái lại tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và sau này ông giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Sông Bé, đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Ông nói, điều tự hào nhất là được trở thành chiến sĩ của lực lượng vũ trang, cả cuộc đời luôn giữ được phẩm chất, sự kiên trung của một người hoạt động cách mạng. Giờ đây, khi về già, người lính ấy vẫn luôn phấn đấu trở thành công dân tiêu biểu ở địa phương, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời luôn giáo dục cho con cháu giữ gìn truyền thống dân tộc, quê hương.

Cùng suy nghĩ ấy, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Tùng Chinh (sinh năm 1953) chia sẻ: “Thương nhớ anh em đồng đội, dù là thương binh, chúng tôi hứa sẽ luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, còn sức thì sẽ tiếp tục làm việc, cống hiến”.

Anh hùng Ngô Tùng Chinh tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi với công việc giao liên nội thành. Đến năm 1967, ông chuyển qua làm biệt động của Thành đoàn. Từ năm 1967-1969, ông Chinh đã tiếp nhận và vận chuyển 20 đợt vũ khí, trực tiếp chiến đấu trong 8 trận, cùng đồng đội tham gia 4 trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Năm 1969, ông bị bắt và giam giữ ở Chí Hòa. “Lúc đó tôi còn độ tuổi thiếu nhi, cho nên sau đó bị nhốt vào nhà lao thiếu nhi. Sau Hiệp định Paris năm 1973, chúng tôi đấu tranh buộc chúng phải giải tán nhà lao ngay năm đó”, ông Chinh cho biết.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay

Anh hùng Ngô Tùng Chinh chia sẻ: “Thời của chúng tôi, những năm kháng chiến chỉ cần dũng cảm và lòng yêu nước, căm thù giặc là có thể chiến đấu và chiến thắng quân thù. Nhưng các bạn trẻ hôm nay thì khác, phải học văn hóa, học chính trị, học chuyên môn thật tốt để có tư duy, nắm bắt khoa học-công nghệ hiện đại đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ngoài trau dồi về trình độ chuyên môn, ông cũng nhắc nhở thế hệ trẻ cần phải biết về lịch sử của đất nước để có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, tạo cho mình hành trang vào đời vững chắc.

Anh hùng Đoàn Văn Thái cũng nhắn nhủ các bạn trẻ phải hiểu biết sâu sắc về giá trị của hòa bình, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp.

“Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều điều kiện để phát triển về mọi mặt. Tương lai đất nước trong tay các bạn. Các bạn cần không ngừng học hỏi, rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng và lòng yêu nước để gìn giữ thành quả mà các thế hệ đi trước đã hy sinh để có được, đồng thời tích cực đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, ông Thái nhấn mạnh.

Tham gia kháng chiến và bị nhiễm chất độc hóa học, ông Mã Thành Sơn cho biết, mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống. Bản thân ông cũng luôn tự nhủ rằng từng giây phút bình yên hôm nay là kết tinh từ hàng triệu trái tim yêu nước.

Là thanh niên trẻ của thành phố mang tên Bác, bạn Phan Nguyễn Cát Tường (học sinh Trường THPT Củ Chi) bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế đi trước đã không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. “Mỗi người trẻ chúng em hôm nay luôn biết ơn và ý thức rất rõ niềm tự hào, trách nhiệm, tự soi mình và cũng tự nhắc mình không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng, sống có lý tưởng, khát vọng, sống sao cho xứng đáng với cha anh, với tầm vóc đất nước đang vươn mình hội nhập và phát triển. Mỗi việc làm tốt hôm nay chính là lời tri ân thiết thực nhất đối với những người đã ngã xuống ngày hôm qua”, Phan Nguyễn Cát Tường chia sẻ.

nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về điều chỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về điều chỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025

Chiều 25/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến điều chỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thêm đồ họa vào Sổ tay về hướng dẫn quản lý đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Thêm đồ họa vào Sổ tay về hướng dẫn quản lý đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Sáng 25/7, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, Cục đã hoàn thành việc bổ sung sơ đồ đồ họa mô tả các bước thủ tục hành chính trong “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp”.

An cư cho người có công: Nghĩa tình ở xã miền núi Lâm Thượng

An cư cho người có công: Nghĩa tình ở xã miền núi Lâm Thượng

Trong hành trình phát triển quê hương, những ngôi nhà vững chãi mọc lên thay thế những căn nhà tạm, cũ nát không chỉ là mái ấm mới của các gia đình thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, mà còn là biểu tượng sinh động của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Mỗi căn nhà nghĩa tình - Một lời tri ân sâu nặng

Mỗi căn nhà nghĩa tình - Một lời tri ân sâu nặng

Thời gian qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Lào Cai đã nỗ lực kết nối những tấm lòng hảo tâm, vận động nguồn lực xã hội để xây dựng hàng trăm ngôi nhà mới cho các gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Mỗi căn nhà như một lời tri ân sâu nặng của các cựu chiến binh với những đồng đội đã hy sinh.

Tự hào cờ đỏ sao vàng tại lễ bế mạc Olympic Vật lý Quốc tế 2025

Tự hào cờ đỏ sao vàng tại lễ bế mạc Olympic Vật lý Quốc tế 2025

Trong không khí trang trọng và đầy cảm xúc tại hội trường của CentraleSupélec, một trường đào tạo kỹ sư danh tiếng của Pháp, trực thuộc Đại học Paris-Saclay - nơi được mệnh danh là "Hollywood của Vật lý", lễ bế mạc Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO) 2025 đã chứng kiến niềm tự hào vô bờ của đoàn Việt Nam, khi cả 5 thí sinh đều giành huy chương, với thành tích ấn tượng 1 Vàng và 4 Bạc.

Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7: Từ nhận thức đến hành động

Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7: Từ nhận thức đến hành động

Mặc dù tỷ lệ đuối nước trên phạm vi toàn cầu đang có xu hướng giảm trong hai thập niên qua, song theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tốc độ giảm này vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

fb yt zl tw