LCĐT - Trong câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) Phạm Đình Thiệp, tôi được nghe kể nhiều về Bí thư Chi bộ thôn Nậm Rịa Lý Văn Sáng (dân tộc Xá Phó), người tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con địa phương.
Từ trung tâm xã Hợp Thành, tôi ngược dốc theo con đường bê tông quanh co sườn núi đến Nậm Rịa - thôn của đồng bào Xá Phó. Đây là thôn vùng cao của xã, cả 59 hộ trong thôn ở ven những sườn đồi, lưng núi. Nhà bí thư Sáng nằm giữa thôn.
Ông Sáng tuy đã cao tuổi, nhưng vẫn rất tâm huyết với công việc của thôn, xóm. Ông bảo, Nậm Rịa trước đây nghèo xác, nghèo xơ và lạc hậu lắm, trẻ con không được đến trường; nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra nhiều.
Ngày ấy, ông Sáng là một trong số ít người của thôn được đi học. Nhờ kiên trì phấn đấu, ông được tham gia công tác ở xã với nhiều vị trí như Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và nghỉ hưu năm 2015. Được đi công tác, biết nhiều, ông càng hiểu thêm những khó khăn, lạc hậu đã “trói buộc” người dân quê ông bao đời. Với cương vị chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể xã, ông đã tham mưu thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, khi giữ vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Nậm Rịa đã tạo cơ hội tốt để ông tận tâm, tận lực xây dựng quê hương.
Người dân thôn Nậm Rịa vui mừng trước sự đổi thay của quê hương. |
Trong hành trình 19 năm làm “đầu tàu” ở Nậm Rịa, ông luôn “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, kiên trì tuyên truyền người dân hiểu những khó khăn, lạc hậu ở thôn và những biện pháp cần thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Ông cũng khéo léo khơi dậy “ngọn lửa” nhiệt huyết của các đảng viên để họ cùng ông nói cho dân hiểu, dân tin và làm theo.
Để “mục sở thị” sự thay đổi của Nậm Rịa, ông Sáng dẫn chúng tôi đi tham quan thôn. Nậm Rịa đang đổi thay với nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới. Cách đây 4 năm, sau khi được thành phố cho đi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế hộ ở một số địa phương, ông Sáng đã cải tạo khu rừng tạp của gia đình để trồng 3.000 cây quế. Thấy cây quế nhà Bí thư Chi bộ trồng phát triển tốt, nhiều hộ ở Nậm Rịa đã trồng theo. Cả thôn hiện đã trồng được gần chục ha quế, trong kế hoạch của năm, bà con dự định trồng thêm 4 ha.
Ông Sáng bảo: Diện tích trồng quế của thôn không nhiều, nhưng vì ở Nậm Rịa địa hình chủ yếu là núi đá dốc, nên khó mở rộng diện tích. Đây là bước chuyển nhận thức của bà con trong việc phát triển kinh tế hộ.
Ngoài cây quế, các mô hình nuôi dê thương phẩm, dê sinh sản cũng đang trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực, mang lại nguồn thu khá cho bà con. Nhờ nuôi dê, nhiều gia đình trong thôn thu vài chục triệu đồng mỗi năm, như gia đình các ông Liều Văn Nhất, Ngô Văn Nhờ, Đào Văn Thắng… Với mỗi mô hình phát triển kinh tế thành công, ông Sáng lại đi từng nhà tuyên truyền, vận động bà con làm theo, đồng thời đóng vai trò là khuyến nông viên chuyển giao kỹ thuật cho bà con.
“Đưa cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất ở thôn là quá trình rất dài, cần có những người tiên phong đi đầu, để từ thành công của mô hình thử nghiệm, bà con mới tin và làm theo. Ở Nậm Rịa, người luôn tiên phong thử nghiệm là các đảng viên” - ông Sáng nói.
Nhờ phát triển kinh tế hiệu quả, đời sống của người dân Nậm Rịa đã đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, trẻ đã đến trường, không còn cảnh học sinh đến tuổi nhưng không ra lớp. Những tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn cũng được đẩy lùi. Nậm Rịa đang khoác lên mình chiếc áo mới. Trong câu chuyện phát triển kinh tế, người Xá Phó Nậm Rịa vẫn cảm ơn Bí thư Chi bộ thôn nhiệt tình, tâm huyết.