“Bí kíp” giữ “hồn” chàm của phụ nữ Dao họ

LCĐT - Mỗi dân tộc có sự thích ứng với môi trường tự nhiên, xã hội khác nhau, thể hiện qua phong tục, tập quán, ẩm thực, thơ, ca, trang phục, kiến trúc nhà ở. Người Dao họ ở Bảo Thắng rất sáng tạo khi thiết kế những bộ y phục nam và nữ kiểu dáng tự nhiên, không dùng cúc áo, tôn vẻ đẹp của người mặc nhưng rất thoải mái khi vận động. Trên nền của gam màu lạnh chủ đạo của y phục nữ, họ mặc kết hợp với chiếc yếm gam màu trắng và 2 dải bông màu hồng buông ở ngực áo làm tôn lên nét đẹp, gu thẩm mỹ riêng của phụ nữ Dao họ. Cùng là gam màu chàm, màu lạnh là màu chủ đạo của y phục dân tộc Mông đen, Dao tuyển, Dao họ, Thu Lao... nhưng mỗi tộc người có “bí kíp” riêng để tạo ra nước nhuộm vải chàm và cách giữ “hồn” chàm luôn sống động, huyễn hoặc ánh mắt nhìn.

Y phục của người Dao họ.
Y phục của người Dao họ.

Nguyên liệu chính để nhuộm vải chàm là cao chàm pha với nước tro của rơm, rạ đã được lọc sạch với tỷ lệ 1 kg cao chàm được 1 bộ quần áo. Để quần áo có màu chàm đẹp hơn, nhiều người còn cho tỷ lệ 1,5 kg cao chàm đối với 1 bộ quần áo. Tiêu chí đánh giá bộ quần áo chàm đẹp là khi mặc mà có ánh nắng chiếu vào thì ánh lên màu đỏ tía, hồng tía vì thế mỗi phụ nữ Dao họ có “bí kíp” riêng để màu chàm trên y phục mà họ nhuộm đạt chất lượng tốt nhất. Việc nhuộm chàm không phải là việc làm thông thường mà đã trở thành văn hóa với những phong tục, nghi lễ, tục hèm (kiêng kỵ) giữ “hồn” chàm linh thiêng, phù hộ cho việc nhuộm vải như ý muốn. Có người càng nhuộm quần áo càng bạc, chàm bị phai, không ăn vào quần áo, do đó họ phải đi tìm thầy truyền thuốc, truyền “bí kíp” nhuộm vải.

“Bí kíp” của phụ nữ Dao họ là cho một loại cây thuốc nam vào đáy thùng nước nhuộm vải. “Bí kíp” này họ không chia sẻ cho người ngoài, nếu muốn học phải có nghi lễ tạ. Chỉ khi nào người học nhuộm được vải thành công trong 3 năm liên tục thì sẽ thực hiện nghi lễ tạ ơn thầy. Lễ vật gồm thịt lợn hoặc gà, bánh, kẹo và hai hoặc ba trăm nghìn đồng. Nghi lễ tạ ơn được gọi là nghi lễ tạ cây thuốc chàm (tie phảy gàm hóa). Người học phải thể hiện thành ý bằng cách tự nấu một bữa cơm, đặt lên bàn thờ nhà thầy và mời thầy về truyền dạy. Thầy là phụ nữ làm chàm giỏi sẽ truyền cho những loại cây thuốc và dặn kỹ thời điểm hái lá thuốc là lúc sáng sớm. Trong khóm cây thuốc đó, phải nhìn thật kỹ, chỉ hái những cây thuốc có ngọn hướng về ánh nắng mặt trời. Các loại cây thuốc không cần hái nhiều nhưng hái phải đủ cặp, cây hoa đỏ, cây hoa trắng. “Bí kíp” này để giữ cho tính thiêng và mức độ mạnh của thuốc, họ không bao giờ tùy ý chia sẻ với người ngoài. Hơn nữa, người Dao họ có lý khi người thầy vẫn đang dùng thuốc này để nhuộm thì không thể truyền cho người khác học được mà chỉ có thể truyền một loại thuốc khác.

Kinh nghiệm người làm chàm nhìn bọt nổi lên biết chất lượng nước nhuộm.
Kinh nghiệm người làm chàm nhìn bọt nổi lên biết chất lượng nước nhuộm.

Người làm chàm giỏi có thể dùng mắt và mũi ngửi được độ ngấu của chàm, nước chàm để đoán định xem nước có ăn vải hay không. Trước khi nhuộm vải, phụ nữ Dao họ thường dùng tay thử trước để biết độ bám của nước nhuộm ra sao. Trường hợp nước nhuộm cho quá tay vôi bột thì họ dùng lá trầu cho vào thùng nước để cao chàm nổi lên, bám vào vải. Tình huống này chỉ có những thợ nhuộm vải lâu năm, nhiều kinh nghiệm mới xử lý được, nếu không biết thì càng nhuộm, cao vôi càng bám vào quần áo khiến quần áo ngả màu vàng, không thành màu chàm. Một số người có kinh nghiệm cứ 2 ngày sau khi nhuộm thì đêm đó lại cho vào thùng nước một chút rượu, sau đó khuấy lên, sáng hôm sau lặp lại chu trình nhuộm vải. Vải nhuộm thành công kéo dài liên tục trong 20 ngày. Trước khi nhuộm quần áo ngày đầu tiên, họ thắp 3 nén hương ở chỗ thùng chàm và khấn, ai giỏi thì nói mấy “câu phép”. Đến ngày thứ 20, họ nhuộm qua một lần nước củ nâu để giữ độ bám của chàm trên bề mặt vải. Kết thúc một năm làm chàm, có người mổ gà cúng thần thuốc thể hiện lòng biết ơn.

Nhuộm vải ở nơi kín đáo.
Nhuộm vải ở nơi kín đáo.

Phụ nữ Dao họ có rất nhiều tục hèm, khi nhuộm chàm họ thường nhuộm ở nơi kín đáo, không cho người lạ vào chỗ nhuộm vải. Nơi đặt thùng nhuộm vải và phơi quần áo trong quá trình nhuộm là nơi kín đáo, ít người qua lại, ít người nhìn thấy. Từ ngày nhuộm đến ngày kết thúc nhuộm vải, chỉ duy nhất người nào nhuộm thì người đó mới được cất, phơi, thu quần áo. Trong quá trình nhuộm vải tuyệt đối không đi viếng đám ma, không đến nơi bẩn. Chàm trong quan niệm của người Dao họ có linh hồn và rất sạch sẽ, linh thiêng.

Chàm như một biểu tượng văn hóa trên trang phục của một số dân tộc vùng cao Lào Cai. Sức hút của chàm, y phục chàm đã được nhiều nhà thiết kế thổi hồn trên sân khấu. Đặc biệt hơn, chàm đã trở thành văn hóa, là tâm hồn của phụ nữ vùng cao nói chung và phụ nữ người Dao họ nói riêng. Việc giữ gìn và bảo vệ y phục truyền thống, gam màu chàm là chủ đạo là sứ mệnh và là tâm hồn của phụ nữ Dao họ ở Lào Cai.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngọt ngào hương cau

Ngọt ngào hương cau

Hoa cau thường nở vào cuối Xuân đầu Hạ hằng năm. Hoa cau trắng ngà mang vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ và hương thơm dịu ngọt, ngan ngát theo làn gió thổi, len lỏi vào từng con ngõ, đường quê, mảnh vườn... 

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” sẽ diễn ra từ ngày 25 - 29/6 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi" là nhan đề một bài viết được hãng thông tấn Prensa Latina đăng tải ngày 7/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta.

fb yt zl tw