Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở xã Thượng Hà được thành lập và đi vào hoạt động đã trở thành “điểm tựa” cho phụ nữ bị bạo hành, nơi chia sẻ những bất hòa, gửi gắm những tâm tư, vướng mắc của hội viên, phụ nữ. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của mô hình, một số phụ nữ được bảo vệ trước nạn bạo lực gia đình và không ít cặp vợ chồng đã được hàn gắn, hòa thuận, thậm chí có những phụ nữ đã vững tâm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực gia đình.
Có thể kể đến trường hợp gia đình chị H.T.M., chồng là anh Đ.V.T. thường uống rượu rồi đánh đuổi vợ. Sau khi nắm được tình hình, các thành viên của mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” một mặt động viên, chăm sóc, giúp chị M. ổn định tinh thần, mặt khác trực tiếp gặp anh T. tuyên truyền, giáo dục, yêu cầu chấm dứt hành vi bạo lực gia đình. Đến nay, anh T. không còn nghiện rượu, gia đình chị M. sống hòa thuận.
Mô hình đã khẳng định sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, bảo vệ phụ nữ, những người yếu thế tránh khỏi bạo lực gia đình, góp phần cải thiện bình đẳng giới ở cơ sở.
Tại xã Kim Sơn - nơi có 1.445 hội viên phụ nữ, trong đó gần 70% số hội viên là người dân tộc thiểu số - Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức đối thoại với cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn về các vấn đề vướng mắc cần hỗ trợ của hội viên và tổ chức hội. Tại buổi đối thoại, các hội viên đã tham gia nhiều ý kiến, kiến nghị về chính sách vay vốn phát triển kinh tế, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong Nhân dân và hội viên, phụ nữ… Chị Lý Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Sơn cho biết: Những cuộc đối thoại như vậy giúp tổ chức hội nắm rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở để có hướng giải quyết.
Bà Ngô Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bảo Yên cho biết: Thực hiện Dự án 8, các cấp hội phụ nữ tại địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động, trong đó bám sát 4 nội dung chính. Đó là tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng.
Đến nay, Hội Phụ nữ huyện Bảo Yên đã thành lập được 50 tổ truyền thông cộng đồng; 10 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 2 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Về hoạt động, đã tổ chức 50 buổi truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa; tập huấn cho tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn, lồng ghép cho cán bộ huyện, xã, thôn; tuyên truyền qua băng rôn, pa-nô, tin, bài và qua hệ thống loa truyền thanh xã, thôn, các trang mạng xã hội...
Theo bà Ngô Hồng Thắm, thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện Bảo Yên tiếp tục chỉ đạo hội phụ nữ các xã trong vùng Dự án 8 chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp tổ chức triển khai các hoạt động với phương châm thiết thực, hiệu quả và lấy những chuyển biến căn bản trong đời sống của hội viên, phụ nữ làm thước đo.