LCĐT - Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc rõ nhất của mỗi tộc người.
Thăng trầm theo thời gian
“Vào những năm 2014 - 2015, Lễ hội Gầu tào ở Mường Khương vẫn rực lên sắc màu của bộ trang phục truyền thống mà phụ nữ dân tộc Mông diện đi vui hội. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, màu sắc ấy thưa vắng, nhường chỗ cho những gam màu rực rỡ của những bộ đồ phổ thông pha trộn, không phải trang phục của đồng bào Mông nơi đây” là những tâm sự của ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) về sự mai một trong trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Chính sự pha trộn, phổ thông hóa trong trang phục của đồng bào đang đặt ra nhiều nỗi lo và trăn trở cho những người gắn bó, luôn đau đáu với văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
![]() |
Phụ nữ Xá Phó ở xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) thêu váy, áo truyền thống. |
Lào Cai có 13 dân tộc, với 25 nhóm ngành, điều này tạo nên những bộ trang phục dân tộc truyền thống độc đáo, đa dạng và phong phú về hình thức biểu hiện. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo, làm ra những bộ trang phục mang nét riêng, thể hiện giá trị, tư duy văn hóa truyền thống của mỗi tộc người. Nhiều bộ trang phục đã đạt tới trình độ mỹ thuật cao, có giá trị nhiều mặt trong cuộc sống, như bộ trang phục nữ các dân tộc: Xá Phó, Mông hoa, Dao đỏ, Dao họ, Bố Y...
Tuy nhiên hiện nay, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị mai một với tốc độ nhanh và ngày càng nhiều. Ở nhiều nơi, đồng bào chỉ mặc trang phục truyền thống vào dịp đặc biệt trong năm như lễ, Tết và chủ yếu là phụ nữ, những người cao tuổi trong thôn, bản mặc. Thậm chí, có những đám cưới của con em đồng bào dân tộc thiểu số thiếu vắng bộ trang phục truyền thống, thay vào đó là những bộ áo quần với kiểu cách hiện đại.
Hiện nay chỉ còn số ít đồng bào thường xuyên mặc và lưu giữ trang phục truyền thống như Dao đỏ, Hà Nhì, Xá Phó… Hầu hết trang phục nam của các dân tộc hiện nay không còn, nếu còn thì số lượng rất ít. Ước tính trang phục nữ của các dân tộc còn khoảng 75 - 80%, trang phục nam còn khoảng 40%.
Lý do vì đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mai một của trang phục truyền thống, trong đó có thể kể đến tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh. Đến những phiên chợ vùng cao hôm nay không khó để bắt gặp những gian hàng may mặc, trong đó có đồ phổ thông, đồ may sẵn. Trong khi đó, để làm được một bộ trang phục truyền thống cần nhiều thời gian, công sức. Đơn cử như bộ trang phục của người Mông, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, thêu thùa, có khi 1 năm chỉ làm được 1 - 2 bộ, kinh phí cũng tốn kém (khoảng 5 - 10 triệu đồng). Trong khi đó, đồ mua sẵn ở chợ phiên rẻ hơn rất nhiều lần và tiện lợi.
Đặc biệt, những người làm văn hóa cũng bày tỏ sự lo lắng vì những bộ đồ may sẵn ở các phiên chợ vùng cao ảnh hưởng đến tư duy thẩm mỹ và suy nghĩ của đồng bào. Nhiều người cảm thấy đồ may sẵn giá rẻ hơn, nhiều màu sắc sặc sỡ, bắt mắt hơn và nhìn nhận trang phục truyền thống có vẻ lạc hậu, cũ kỹ hơn trong nhịp sống hiện đại.
Ngoài ra cũng cần đề cập tới tư duy của một bộ phận lớp trẻ với tâm lý e ngại khi mặc đồ truyền thống của dân tộc mình. Nhiều bạn trẻ cho rằng khi mặc những bộ đồ phổ thông vừa đem lại sự tiện lợi vừa giúp “hòa nhập” nhanh hơn với bạn bè ở những nơi khác khi bước chân ra khỏi giới hạn của bản, làng vì không có sự so sánh, phân biệt về thành phần dân tộc.
![]() |
Đồng bào vùng cao mua đồ may sẵn ở chợ phiên bởi sự tiện lợi, giá thành rẻ hơn so với trang phục truyền thống. |
Nói về nguy cơ mai một của trang phục truyền thống hôm nay cũng chính là nói về sự thăng - trầm của nghề thêu dệt bởi trang phục của đồng bào được làm ra từ đó. Nằm trong số ít dân tộc còn thường xuyên mặc trang phục truyền thống nhưng những phụ nữ Xá Phó ở thôn Nậm Rịa 1, xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) vẫn lo lắng vì thế hệ trẻ hiện nay không mấy mặn mà với nghề thêu và trang phục truyền thống của đồng bào. Chị Đào Thị Xuân, người nặng lòng với trang phục truyền thống trong thôn chia sẻ: Giới trẻ hiện nay không mấy khi mặc đồ truyền thống của đồng bào Xá Phó mà lại lựa chọn những bộ đồ phổ thông. Nghề thêu ở nơi đây cũng thiếu vắng người học và làm. Bây giờ chỉ có các bà, các mẹ tranh thủ những lúc nông nhàn thêu áo, váy.
Trên thực tế, ở các bản, làng, số lượng người già (chủ yếu là phụ nữ) có tâm huyết dạy nghề thêu dệt ngày càng ít, người học cũng thưa thớt và không mấy mặn mà. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị từ những bộ trang phục truyền thống đặt ra không ít khó khăn.
Biến di sản thành tài sản
Thời gian qua, ngành văn hóa đã triển khai nhiều biện pháp và cách làm để bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, như tổ chức sưu tầm, khuyến khích đồng bào mặc trang phục truyền thống trong các dịp đặc biệt; lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của một số dân tộc; phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền trong các nhà trường, nhất là các trường nội trú có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức cho học sinh mặc trang phục truyền thống vào một số buổi học trong tuần nhằm giáo dục ý thức tự tôn dân tộc, giữ gìn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc của mình…
![]() |
Học sinh Trường Tiểu học Sa Pả II (thị xã Sa Pa) tham gia hoạt động ngoại khóa trong trang phục truyền thống. |
Để trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không bị mai một, cần các giải pháp đồng bộ, sự chung tay của các cấp, các ngành. Chính quyền các địa phương cần quan tâm, khuyến khích đồng bào giữ gìn và mặc trang phục truyền thống, nhất là trong những dịp quan trọng trong năm. Khơi dậy và bồi đắp tình yêu văn hóa, trong đó có trang phục truyền thống ở lớp trẻ.
Trong vài năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Lào Cai có bước phát triển, do vậy cần nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo trên nền bản sắc của mỗi dân tộc. Việc làm này không chỉ giúp bảo tồn nghề thêu dệt truyền thống, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà còn giúp người dân có thêm thu nhập. Từ đó, họ yên tâm, gắn bó và có hướng phát triển kinh tế gắn với việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa qua các thế hệ.
Trong bảo tồn trang phục, người dân giữ vai trò chủ thể nhưng Nhà nước cũng cần có những chính sách tác động để tạo ra môi trường lành mạnh trong việc sản xuất, gia công, lưu thông hàng hóa gắn với việc sản xuất trang phục dân tộc để quá trình này không bị xu thế ngoại lai lấn át. Tiếp tục tạo điều kiện và có chính sách tôn vinh các nghệ nhân bởi họ là “kho tàng sống”, người giữ và truyền lửa cho thế hệ mai sau những giá trị văn hóa cốt lõi của trang phục truyền thống.