Bảo Thắng: Hiệu quả tín dụng chính sách với học sinh, sinh viên

Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng ngày càng phát huy hiệu quả. Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã giảm bớt áp lực tài chính, thuận lợi hơn khi theo đuổi ước mơ học tập và lập thân, lập nghiệp.

Hơn 1 năm qua, gia đình anh Lý Văn Ràng (dân tộc Giáy, ở thôn Nậm Chủ, xã Bản Cầm) sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng để đầu tư cho các con học tập. Với số vốn vay 40 triệu đồng, gia đình anh Ràng đã giải quyết được khó khăn trước mắt là lo cho con yên tâm đi học.

122.jpg

Anh Ràng cho biết, tháng 8/2023, gia đình nhận được tin vui là con trai Lý Mạnh Dũng thi đỗ Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, toàn bộ 5 tấn cá của gia đình nuôi bị bệnh chết không rõ nguyên nhân. Mất đi nguồn thu nhập chính khiến gia đình anh Ràng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, việc con trai học đại học bỗng chốc trở thành gánh nặng. May thay, trong một buổi họp thôn, anh Ràng được tuyên truyền về nguồn vốn vay đối với học sinh, sinh viên. Nhờ vậy, gia đình anh Ràng đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.

“Gia đình tôi may mắn khi thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay dành cho học sinh, sinh viên. Số tiền này đã giúp con tôi trang trải học phí và chi phí trong quá trình học hơn 1 năm qua”, anh Ràng phấn khởi chia sẻ.

Tương tự, năm 2022, gia đình chị Lê Thị Mai (dân tộc Nùng, ở thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên) vừa mừng vừa lo khi nhận tin con gái Phùng Thị Hường trúng tuyển Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Mừng vì con đã nỗ lực không ngừng trong học tập, lo vì nghĩ đến số tiền lớn để đóng học phí và trang trải sinh hoạt cho con trong 4 năm đại học.

Mặc dù đã cố gắng làm việc chăm chỉ nhưng thu nhập chỉ dựa vào trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi nên chẳng đáng là bao. Cuộc sống gia đình chị vì thế ngày càng khó khăn, khó có thể nuôi con học xong đại học. Đầu năm 2024, chị Mai được cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng hướng dẫn, giúp gia đình chị tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên. Với số tiền 120 triệu đồng vay được, chị Mai đã có kinh phí trang trải việc học của con.

124.jpg

Chị Mai tâm sự: Vợ chồng tôi trước đây không được học hành đến nơi đến chốn. Con trai cả học hết lớp 12 rồi đi nghĩa vụ quân sự. Còn Hường cố gắng phấn đấu nên đỗ đại học. Vì không muốn con gái thiệt thòi so với các bạn nên chúng tôi luôn ủng hộ con trên con đường học hành. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn khiến chúng tôi đành bất lực. Nếu không có sự sẻ chia, tiếp sức từ vốn vay tín dụng học sinh, sinh viên thì có lẽ con tôi phải bỏ học giữa chừng.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng đã giải ngân được hơn 1 tỷ đồng cho 27 lượt học sinh, sinh viên vay vốn. Qua theo dõi, rà soát, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và việc trả lãi, hoàn vốn được nhiều gia đình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Tính đến hết tháng 9/2024, dư nợ chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện đạt gần 8,9 tỷ đồng với 157 hộ còn dư nợ. Từ nguồn vốn này, nhiều gia đình nghèo, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn có con đi học đã giảm bớt nỗi lo chi phí học tập, không phải tìm đến nguồn vay “tín dụng đen”. Thông qua đó còn khuyến khích phong trào hiếu học, lập nghiệp cho giới trẻ, giúp họ có cơ hội làm việc ổn định trong tương lai.

123.jpg

Để tạo điều kiện hỗ trợ học sinh, sinh viên nhanh chóng tiếp cận vốn vay, thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp...

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng

Ông Dũng cho biết thêm: Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình thuộc đối tượng vay có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên nhanh chóng. Đồng thời, ngân hàng cũng tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nắm rõ chính sách cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức thu nhập trung bình và gia đình gặp khó khăn về tài chính vay ưu đãi để nhanh chóng làm thủ tục thụ hưởng. Mục tiêu của ngân hàng là tiếp tục lan tỏa tính nhân văn của chương trình cho vay học sinh, sinh viên, đáp ứng kịp thời nguồn vốn, hỗ trợ học sinh, sinh viên viết tiếp ước mơ đến trường.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất gỡ vướng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trên tài sản được tài trợ

Đề xuất gỡ vướng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trên tài sản được tài trợ

Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế đã cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông"

Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông"

Chiều 1/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông". Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh kết hợp trực tuyến tới các cơ sở giáo dục THPT trên địa bàn tỉnh thông qua nền tảng Zoom.

Hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng học bạ số

Hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng học bạ số

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành giáo dục, việc triển khai học bạ điện tử đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong công tác giảng dạy và quản lý trường học. Tại tỉnh Lào Cai, nhiều trường học đã áp dụng hình thức học bạ số, giúp giảm tải áp lực cho giáo viên, nâng cao tính chính xác, minh bạch trong đánh giá học sinh và cải thiện hiệu quả quản lý dữ liệu.

Giáo dục nghề nghiệp thời đại số

Giáo dục nghề nghiệp thời đại số

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Lào Cai đã và đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp số hóa, mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

fb yt zl tw