Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…).
Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…). 

Tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra trên khắp thế giới ở tất cả các bậc học khác nhau, trong đó có ở Việt Nam. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh. Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…).

Ở nước ta, hầu hết những vụ việc học sinh đánh, chửi nhau xảy ra gần đây đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè. Tuy nhiên, hậu quả của nó đôi khi lại không chỉ dừng lại ở sự cãi vã, xô xát thông thường mà đã có những án mạng thương tâm, gây rúng động dư luận.

Mới đây, vào ngày 15/2, tại Trường THCS Phong An (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), một học sinh lớp 6 của trường tên H. khi đi vệ sinh tại nhà vệ sinh chung của trường đã xảy ra xô xát với một học sinh lớp 7 tên C. Lúc này một học sinh khác tên Y. học cùng lớp với C. chạy đến bênh vực bạn mình. Trên tay Y. có cầm theo một con dao rọc giấy để dọa H. Hai bên xảy ra xô xát và cây dao rọc giấy trên tay Y. đã đâm trúng vùng bụng của H. H được đưa đi cấp cứu ngay sau đó tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 nhưng không qua khỏi vì mất máu nhiều.

Hay như trước đó, vào sáng 1/4/2021, trong giờ ra chơi sau tiết học thứ nhất, em N.V.H.D. (lớp 8 Trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) xảy ra mâu thuẫn với Q.K. (15 tuổi, học cùng trường với em D.).

Do bức xúc, K. đã dùng dao nhọn đâm em D. gục tại chỗ. Phát hiện sự việc, lãnh đạo nhà trường đã đưa em D. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, D. đã tử vong.

Những vụ việc học sinh đánh nhau rồi tung lên mạng xã hội hay những cái chết thương tâm như trên thật sự đã gây hoang mang trong dư luận, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an đồng thời cũng vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Bởi lẽ, chúng ta vẫn luôn nhìn nhận môi trường giáo dục dưới góc độ với những đặc trưng cơ bản của nó đó chính là tính giáo dục, là sự tôn trọng, là nơi an toàn, có sự tin tưởng, cởi mở và thân thiện; đó là nơi được mọi người kỳ vọng mang lại những giá trị nhân văn, giáo dục cho con người những đức tính tốt đẹp, chuẩn mực.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra trong một cuộc hội thảo vào năm 2019 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức thì trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày); khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì lý do này.

Hiện tượng bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn, có chiều hướng gia tăng trong các trường học và bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Những số liệu trên thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội; nhắc nhở chúng ta cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Trước hết, để hạn chế được bạo lực học đường, trong nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, vui vẻ, tích cực để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Đối với giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có sự gần gũi với các em học sinh để hiểu tính cách của từng em cũng như các mối quan hệ trong lớp, ngoài lớp để kịp thời phát hiện, uốn nắn, hỗ trợ các em giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh, tránh nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực học đường không đáng có.

Bên cạnh đó, các em học sinh cần được trang bị thêm nhiều bài học về kỹ năng sống. Thông qua sách vở trong chương trình hay các buổi ngoại khóa để giúp cho học sinh hình thành những đức tính tốt, có thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình và những người xung quanh, khơi gợi tinh thần nhân ái, biết sẻ chia, bao dung, biết sống vì cộng đồng. Đồng thời, nhà trường cũng giúp các em rèn luyện bản thân, biết kìm chế các cơn nóng giận và giải toả nó.

Bạo lực học đường đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Tất cả chúng ta cùng phải chung tay để đẩy lùi vấn nạn này để những hình ảnh tiêu cực trên sẽ không còn xuất hiện trong môi trường giáo dục
 Bạo lực học đường đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Tất cả chúng ta cùng phải chung tay để đẩy lùi vấn nạn này để những hình ảnh tiêu cực trên sẽ không còn xuất hiện trong môi trường giáo dục 

Chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong những sự việc như thế, cần quan tâm nhiều hơn đến cách quản lý các rủi ro trong trường học. Nếu có các bước quản lý tốt, phối hợp giữa cha mẹ và phụ huynh chặt chẽ, có hoạt động kết nối học sinh… các trường sẽ giảm thiểu những nguy cơ các vụ việc bạo lực học đường.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về phía nhà trường, mà đối với mỗi gia đình, phụ huynh cũng cần có thời gian nhiều hơn nữa để vui chơi, trò chuyện cùng các em. Có lẽ do cuộc sống ngày càng bị cuốn vào guồng quay, không ít gia đình mải tập trung làm ăn, dường như còn lơ là với con cái. Việc ít quan tâm, ít gần gũi với con, không nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, những biểu hiện bất thường của con mình, từ đó sẽ tạo ra khoảng cách và cha mẹ rất khó có thể chia sẻ, hỗ trợ kịp thời khi con gặp vấn đề trong học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng cần thường xuyên có sự trao đổi với nhau. Chính điều này sẽ giúp 2 bên có sự phối hợp để có tiếng nói chung trong việc cùng xử lý các vấn đề phát sinh một cách khéo léo, không để sự việc đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát.

Các chuyên gia tâm lý và chuyên gia về giáo dục cho rằng, lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở và trung học phổ thông đang có sự thay đổi về tâm sinh lý ở tuổi dậy thì nên thường có những hành vi bột phát, khó kiểm soát. Do đó, trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn của học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng cần có phương pháp, phân tích cặn cẽ đúng sai làm sao để các em nhận ra hành vi chưa đúng của mình và có ý thức sửa chữa nhưng không có nghĩa là bằng mọi cách phải “làm cho ra lẽ”, khiến cho “người sai” thì “bẽ mặt”, người đúng thì “hả hê”. Đó là tinh thần chung, tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể và tùy từng mức độ vi phạm, mà chúng ta cũng có biện pháp xử lý cho phù hợp, thậm chí phải xử lý thật nghiêm theo luật pháp để có tính răn đe.

Với những em học sinh là nạn nhân của nạn bạo lực học đường thì việc nên làm là không được giấu giếm mà phải tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tháo gỡ những vướng mắc.

Trên thực tế đã có không ít vụ bạo lực học đường xảy ra, người dân xung quanh biết nhưng thờ ơ “đứng nhìn” không can thiệp. Thiết nghĩ, đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, mỗi chúng ta cũng cần có cách ứng xử kịp thời để góp phần hạn chế các vụ bạo lực học đường cũng như giảm đi mức nghiêm trọng của sự việc. Trên các phương tiện truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền để chính các em học sinh hiểu ra mặt trái của bạo lực học đường, giúp đẩy lùi vấn nạn này, để môi trường giáo dục thật sự đúng với ý nghĩa và sứ mệnh của nó./.