Trước đây, anh Vàng A S. ở xã Cán Cấu huyện Si Ma Cai, là công nhân tại một nhà máy tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, do công ty khó khăn về đơn hàng, dư thừa lao động, công ty cho nghỉ việc. Sau khi nghỉ việc ở công ty, anh S. đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai để nộp hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hoàn tất thủ tục hồ sơ, chị được nhận 03 tháng trợ cấp, mỗi tháng là 4,6 triệu đồng. Số tiền không quá lớn nhưng phần nào giúp anh S. trong lúc khó khăn, mất việc.
Cũng ở hoàn cảnh tương tự, anh La Văn D. ở thành phố Lào Cai, sau một thời gian làm việc ở Công ty cơ khí, từ tháng 4 vừa rồi, anh phải nghỉ việc do công ty có ít đơn hàng, dư thừa lao động. Trong thời gian chờ có công việc mới, anh đã làm thủ tục hưởng bảo hiểm thấtnghiệp; đồng thời theo quy định hiện hành anh đã làm đơn và được hỗ trợ đào tạo học nghề lái xe tại Trung tâm đào tạo sát hạch xe cơ giới – Công ty Cổ phần vận tải Lào Cai.
Được triển khai từ năm 2009 đến nay, BHTN là khoản thu nhập đáng kể giúp người lao động tạm ổn định cuộc sống khi chẳng may bị mất việc làm. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh Lào Cai đã phối hợp giải quyết tốt chế độ BHTN cho người lao động.Theo Sở Lao động, Thương binh – Xã hội tỉnh, để triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ngành Lao động, Thương binh – Xã hội đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các doanh nghiệp, các huyện, thành phố ... để người sử dụng lao động và người lao động thấy được bảo hiểm thất nghiệp là chính sách đúng đắn góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội; giúp họ thấy được quyền lợi của mình khi bị mất việc làm, được bù đắp một phần thu nhập, được hỗ trợ học nghề, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được giới thiệu việc làm… Qua đó, đã được người sử dụng lao động, người lao động trong tỉnh đón nhận một cách tích cực.
Theo quy định, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được giao cho hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện. Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai (đơn vị thuộc Sở Lao động, Thương binh – Xã hội tỉnh) cho biết, nếu như năm 2010, toàn tỉnh mới có 728 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thì đến hết năm 2023 con số này đạt trên 2.400 đơn vị với gần 54 nghìn người lao động tham gia BHTN. Chỉ tính riêng năm 2023 đã chi trả chế độ cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 36,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết chính sách BHTN; tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp đúng chế độ, in và cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người lao động đúng quy định. Thực tế cho thấy, 100% người lao động đến Trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn quyền lợi và giải quyết chế độ đúng quy định của pháp luật, đồng thời người lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm kiếm việc làm và học nghề đều được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề đúng quy định của pháp luật.
Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã có trên 900 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, số người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt trên 800 người với tỷ lệ nữ chiếm trên 48%, lao động độ tuổi từ 25-40 chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số lao động hưởng chế độ BHTN. Bên cạnh đó, đã có trên 900 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề (bao gồm cả số lao động thất nghiệp).
Thực tế cho thấy, khi người lao động bị mất việc, chủ doanh nghiệp không phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động; nhờ có BHTN, mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước khi có thất nghiệp xảy ra được giảm bớt. Đồng thời, chính sách BHTN đã có những tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội, thể hiện tính nhân văn, tinh thần đoàn kết của người lao động và chủ sử dụng lao động đối với những lao động bị mất việc. Với những lợi ích mang lại, BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống và thực sự trở thành “phao cứu sinh” của nhiều lao động trong lúc khó khăn góp phần làm ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong việc triển khai thực hiện chính sách BHTN ở Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế bởi trong công tác thu BHTN ở một số đơn vị nhất là đơn vị doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn nợ đọng BHTN kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi khi người lao động nghỉ việc; đa số lao động thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến chế độ được hỗ trợ về học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh chưa thực hiện thông báo định kỳ với cơ quan chức năng về tình hình biến động lao động theo quy định…
Chính vì vậy, để chính sách BHTN ngày càng toàn diện, hiệu quả cần có nhiều biện pháp cần phải được tiến hành trong thời gian tới. Cụ thể là cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách BHTN giúp họ ý thức được lợi ích của BHTN để tự đòi hỏi, bảo vệ quyền lợi của mình trước người sử dụng lao động, loại bỏ tâm lý chủ quan, ỷ lại. Cần làm rõ các phương thức trục lợi, thông tin về các trường hợp bị xử lý vi phạm (nếu có) để người lao động biết, qua đó nâng cao sự trung thực của người lao động trong thực hiện các quy định về BHTN.
Từ thực tế trên cho thấy, chính sách BHTN, chính sách việc làm không nên chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp; mà cần quan tâm hơn đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm.
Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay rất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHTN như thực hiện giao dịch điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, cơ sở dữ liệu về BHTN; chia sẻ dữ liệu thu - chi và giải quyết các chế độ BHTN, tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua mạng internet…trong tổ chức thực hiện BHTN.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHTN nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN để có các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.