Băng giá và sương muối: Một hiện tượng cực đoan nguy hiểm

Về mùa đông tại các vùng cao và núi cao tỉnh Lào Cai hầu như năm nào cũng xảy ra băng giá, sương muối. Đây là một hiện tượng thời tiết cực đoan rất nguy hại cho cây trồng, vật nuôi các loại.

Băng giá, sương muối thường xuất hiện từ cuối tháng 11 cho đến nửa đầu tháng 2 năm sau. Nhưng nhiều nhất là vào tháng 12 và tháng 1. Tuy nhiên ở các vùng núi cao trên 2000m, thuộc khu vực phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn, có năm rét sâu và kéo dài đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 vẫn còn có băng giá hoặc sương muối xảy ra.

Băng giá là hiện tượng trong một đêm giá lạnh trên những vũng nước, hoặc chậu đựng nước để ngoài trời hình thành một lớp váng băng nổi trên mặt gọi là băng giá. Khác với sương muối là hiện tượng những tinh thể băng nhỏ bám vào mái nhà, cành cây, ngọn cỏ, đường đi, trông rất giống với các hạt muối ăn thường dùng.

Về nguyên nhân hình thành, băng giá xảy ra khi nhiệt độ mặt đất xuống đến 0 độ C, trong khi đó nhiệt độ không khí còn trên 0 độ C; còn sương muối là vật phẩm ngưng hoa nên nhiệt độ không những hạ xuống 0 độ C, mà còn phải hạ xuống tới điểm sương. Vì thế, khi băng giá xuất hiện thì sương muối có thể xuất hiện hay không, ngược lại khi sương muối xảy ra thì đều xuất hiện băng giá mặt đất. Băng giá, sương muối hình thành là do không khí lạnh mạnh từ phía Bắc tràn xuống miền Bắc nước ta, mức độ lạnh đi của không khí có liên quan đến biến trình ngày của nhiệt độ và sự lạnh đi do bức xạ của mặt đệm vào ban đêm. Do đó băng giá, sương muối thường hình thành vào khoảng nửa đêm về sáng, lúc đó mặt đất bị nguội lạnh đi nhiều nhất, hơi nước ở trong lớp không khí sát đất tiếp xúc với bề mặt lạnh bị lạnh đi nhanh chóng sẽ ngưng tụ rồi kết tinh lại. Điều kiện thuận lợi để cho băng giá, sương muối hình thành là ban đêm bầu trời phải từ ít đến quang mây, gió nhẹ hoặc lặng gió dẫn đến bức xạ nhiệt mặt đất lớn. Trong ngày băng giá, sương muối thường xảy ra vào khoảng sau đêm và tồn tại đến 7-8 giờ sáng ngày hôm sau, những khu vực cao hơn tồn tại đến 8-9 giờ. Khi mặt trời lên cao mới tan hết, ở một số đỉnh núi cao đôi khi băng giá, sương muối hình thành ngay từ chập tối.

Tại các xã vùng cao huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, thị xã Sa Pa vào các tháng chính đông tần xuất có băng giá, sương muối xảy ra chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt tại Sa Pa thì năm nào cũng xuất hiện băng giá, sương muối tùy theo mức độ nặng nhẹ. Trung bình cứ 8-10 năm băng giá, sương muối xảy ra với cường độ mạnh và kéo theo mưa tuyết xuất hiện. Tóm lại tại Lào Cai băng giá, sương muối tăng dần từ Tây sang Đông, từ vùng thấp lên vùng cao, nơi nào có băng giá và sương muối nhiều cũng là nơi số ngày các đợt băng giá, sương muối kéo dài và ngược lại.

Băng giá, sương muối rất nguy hiểm đối với cây trồng và vật nuôi. Thường mỗi khi xuất hiện và kéo dài thì cây trồng, hoa màu bị hư hại rất nặng do nhiệt độ xuống quá thấp. Đặc biệt đối với các loại cây non, do lượng nước chứa trong cây nhiều nên khi các tinh thể băng bám vào thân cây, làm cho nước trong cây cũng bị băng kết lại khiến các mao mạch, tế bào trong cây bị vỡ, sự vận chuyển chất dinh dưỡng và nước của cây không còn dẫn đến cây bị chết. Tuy nhiên, mức độ tác hại của chúng còn phụ thuộc vào khả năng chịu rét của từng loại cây trồng. Vào mức độ giá rét, thời gian kéo dài của từng đợt băng giá, sương muối xảy ra. Đối với vật nuôi chúng thường gây ra bệnh sưng cước chân ở trâu, bò; bệnh tụ huyết trùng và rù trên gà, vịt…

Để hạn chế mọi thiệt hại do băng giá, sương muối gây ra, theo phương pháp cổ truyền của người dân vùng thường có băng giá, sương muối là vào mùa đông đối với cây trồng cần tích cực bón các loại phân như lân, kaly, tro bếp để tăng độ cứng cáp cho cây. Từ đó cây trồng có sức chống chọi lại với lạnh rét sâu, ngừng bón các loại phân có chứa hàm lượng nito nhiều. Biện pháp hữu hiệu nhất là dùng tấm ni lông phủ kín cây non các loại, không chăn thả vật nuôi ngoài trời khi băng giá, sương muối chưa tan hết.

laocai.gov.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Cửa khẩu Quốc tế

Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Cửa khẩu Quốc tế

Ngay từ đầu năm 2025, ngành y tế đã nhận định tình hình bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, mới nổi có nguy cơ xuất hiện, xâm nhập. Để chủ động phòng chống dịch xâm nhập, tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tăng cường công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh.

Lào Cai ghi nhận 1 ca viêm não mô cầu

Lào Cai ghi nhận 1 ca viêm não mô cầu

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện bệnh viện đang điều trị 1 bệnh nhân mắc não mô cầu sinh năm 2016, trú ở Bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng thành lập đoàn điều tra, giám sát tại địa phương - nơi bệnh nhi sinh sống.

Động đất độ 5.0 tại Điện Biên: Người dân cảm nhận rung lắc mạnh

Động đất độ 5.0 tại Điện Biên: Người dân cảm nhận rung lắc mạnh

Đánh giá về trận động đất có độ lớn 5.0 vừa xảy ra tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát địa chấn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (thuộc Viện Các khoa học Trái đất) cho biết: Trận động đất này có độ rủi ro thiên tai tương ứng cấp 2.

fb yt zl tw