Dự hội nghị về phía Tỉnh ủy Yên Bái có các đồng chí: Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy; Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.
Về phía Tỉnh ủy Lào Cai có các đồng chí: Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Hợp tác toàn diện, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lào Cai và Tỉnh ủy Yên Bái, những năm qua, hai tỉnh đã có những tư duy đổi mới, bứt phá, sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa phương.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19 đề ra mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của mỗi địa phương, hai tỉnh đã tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tiếp tục đưa thỏa thuận hợp tác giữa Lào Cai và Yên Bái được ký kết từ năm 2006 lên một tầm cao mới. Trong đó, hai tỉnh thống nhất hợp tác về mọi mặt, như công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hai tỉnh đã thể hiện được mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đoàn kết, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực.
Hằng năm, tỉnh Yên Bái và Lào Cai đều duy trì các cuộc trao đổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cấp, các địa phương. Bên cạnh đó, hai tỉnh đã tạo điều kiện để các ban đảng, các đoàn thể chính trị trao đổi kinh nghiệm về công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, hiệu quả hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền. Từ đó chia sẻ, học tập nhau nhiều kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương. Nổi bật như Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái và Lào Cai trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, xây dựng Đảng; Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái và Lào Cai ký kết chương trình phối hợp công tác; các huyện giáp ranh của 2 tỉnh đã hợp tác và phối hợp tốt trong giải quyết các vấn đề tranh chấp tại các vùng giáp ranh…


Có thể khẳng định, việc hợp tác giữa các sở, ngành, địa phương của hai tỉnh không chỉ tạo cơ hội cho các đơn vị được trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn mà còn góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các đơn vị, địa phương, từ đó có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về tinh thần đại đoàn kết, 2 tỉnh Yên Bái - Lào Cai từng chung một “mái nhà” Hoàng Liên Sơn xác định tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nghĩa tình gắn bó để cùng phát triển, mở rộng và nâng tầm, không chỉ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, mà còn là điểm sáng trong hợp tác phát triển vùng biên và hội nhập quốc tế.
Sáp nhập tỉnh không chỉ là vấn đề sắp xếp cơ học địa giới hành chính
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nêu rõ: Trên cơ sở những nội dung hợp tác đã được thống nhất giữa hai Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai và Yên Bái, các ban, sở, ngành và địa phương của hai tỉnh đã chú trọng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực, góp phần tạo dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy và giao lưu học hỏi lẫn nhau.

Đồng chí Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tại hội nghị.
Căn cứ chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 130 ngày 14/3/2025 và Kết luận số 137 ngày 28/3/2025 về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai sẽ hợp nhất thành một tỉnh mới. Việc sắp xếp, hợp nhất một số đơn vị hành chính cấp tỉnh là chủ trương quan trọng của Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái mong muốn tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh sẽ cùng bàn bạc, thảo luận và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra. Trong đó, việc bàn về phương án hợp nhất hai tỉnh không chỉ là vấn đề sắp xếp cơ học địa giới hành chính, bộ máy tổ chức mà còn là sự gắn kết về tư duy, định hướng chiến lược và là trách nhiệm nặng nề của lãnh đạo hai địa phương đối với Trung ương Đảng và Nhân dân hai tỉnh.
“Lào Cai - Yên Bái khi hợp nhất sẽ trở thành cỗ xe tam mã”

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái; dự thảo đề cương Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.





Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến về thành phần Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; xây dựng đề cương Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; các công việc cần quan tâm trong quá trình thực hiện sáp nhập như xử lý, quản lý tài sản dôi dư sau sắp xếp; sắp xếp nhân sự bộ máy tỉnh mới; định hướng chuẩn bị cơ sở vật chất cho đội ngũ cán bộ, công chức và người thân khi di chuyển về trung tâm tỉnh mới; rà soát lại chính sách để kịp thời đánh giá, đề xuất sau khi hợp nhất tỉnh…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: Tỉnh Lào Cai và Yên Bái có chung lịch sử gắn bó lâu đời và những điều kiện tự nhiên thuận lợi, giàu tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, hai địa phương đều nằm trên trục động lực sông Hồng. Đây là những tiền đề quan trọng, vì vậy, khi hợp nhất hai tỉnh phải trở thành “cỗ xe tam mã”, phát triển mạnh mẽ hơn.
Thời gian thực hiện các nội dung sáp nhập tỉnh còn ít, trong khi khối lượng công việc lớn, vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh cần sớm đồng thuận thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo đảm bảo tiến độ kế hoạch Trung ương đề ra.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Trịnh Xuân Trường bày tỏ băn khoăn về việc khi sáp nhập tỉnh mới, sẽ có xã xa trung tâm tỉnh khoảng 300 km, trong khi bỏ chính quyền cấp huyện, vì vậy sẽ phải tính toán câu chuyện quản lý như thế nào cho hiệu quả. Hệ thống cơ sở vật chất công sở của đô thị không đặt làm trung tâm hành chính cũng cần được tính toán để khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho cán bộ, đảng viên, công chức… làm việc.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho rằng, quy hoạch trung tâm tỉnh mới cần được nghiên cứu, tính toán kỹ để phát huy hiệu quả; Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy hai tỉnh tiếp tục nêu cao, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cả trước, trong và sau hợp nhất hai tỉnh.
Đồng chí Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhất trí cao với quan điểm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Đó là khi hợp nhất, phải tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, tạo thêm nguồn lực xây dựng tỉnh mới phát triển.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái thống nhất ban hành Nghị quyết liên tịch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện hợp nhất tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai nhằm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án. Đây là là căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng để triển khai các nội dung công việc tiếp theo một cách đồng bộ, hiệu quả, đúng định hướng, chỉ đạo của Trung ương.
Ban Chỉ đạo sau khi được thành lập sẽ khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch hoạt động theo hướng xác định rõ lộ trình, nội dung công việc phải thực hiện trong từng thời điểm, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả.