Tham gia buổi tọa đàm có đại diện các chi cục, trung tâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 70 cơ sở, hộ sản xuất cá nước lạnh tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, thị xã Sa Pa.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các chi cục, trung tâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, cung ứng thức ăn, quản lý dịch bệnh, chất lượng… nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Theo đó, toàn tỉnh có hơn 550 cơ sở nuôi cá nước lạnh, thể tích đạt 100.000 m3 tập trung ở thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, Bắc Hà..., sản lượng đạt trên 900 tấn/năm (trong đó sản lượng cá tầm chiếm 70%). Nuôi thủy sản nước lạnh có hiệu quả kinh tế cao; giá trị sản xuất đạt khoảng 25 - 30 tỷ đồng/ha.
Trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở cung ứng giống, thức ăn thủy sản nước lạnh, mỗi năm cung cấp hàng triệu con giống và trên 2.000 tấn thức ăn (nhập khẩu và thức ăn sản xuất trong nước) phục vụ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp quan điểm không mở rộng quy hoạch, tăng diện tích, thể tích nuôi thủy sản nước lạnh. Thay vào đó, ngành tập trung vào công tác ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất của các cơ sở hiện nay. Dự kiến, năm 2030 thể tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh ở mức 94.500 m3, sản lượng đạt 1.350 tấn với năng suất là 14,2 kg/m3. Đến năm 2050, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 115.000 m3, sản lượng đạt 1.900 tấn với năng suất là 16,5 kg/m3.
Tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian để thảo luận, giải đáp, đề xuất các giải pháp về quy hoạch; giống, thức ăn; quản lý chất lượng nguồn nước; an toàn dịch bệnh; ứng dụng khoa học công nghệ (công nghệ nuôi tiết kiệm nước; nuôi bán tuần hoàn; nuôi tuần hoàn...); tổ chức mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ; cơ chế, chính sách hỗ trợ (lãi suất vay vốn, hỗ trợ giống, kỹ thuật…)... để nâng cao chất lượng, giá trị thủy sản nước lạnh trên địa bàn tỉnh.
Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ đi tham quan thực tế một số mô hình nuôi, chế biến thủy sản nước lạnh trên địa bàn thị xã Sa Pa.