Hiệp định RCEP đưa Việt Nam vào sân chơi lớn trong khu vực

Hiệp định RCEP tạo ra thị trường lớn đầy tiềm năng cho xuất khẩu khi tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu, ngoài ra còn gắn doanh nghiệp Việt Nam với mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng lớn trong khu vực.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của đa dạng thành viên là các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới. RCEP bao phủ các quốc gia có dân số tới 2,2 tỷ dân, tương đương 30% dân số toàn cầu tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu khi tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia tham gia ký kết trong vòng 20 năm.

Tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm rủi ro “lạc nhịp”

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, Hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là các loại mặt hàng Việt Nam có lợi thế như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản,... Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Trung Quốc đã phục hồi tương đối nhanh, ý nghĩa của RCEP đối với xuất khẩu của Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn.

Hội nghị tập huấn tuyên truyền tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế việt nam và những điều doanh nghiệp cần biết do Bộ TT&TT tổ chức ngày 19/4.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, điểm khác biệt tạo nên tính đặc thù của RCEP chính là gắn với mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng của khu vực. Đây không chỉ là hiệp định thương mại đầu tư mà còn gắn Việt Nam với 1 sân chơi lớn, đó là chuỗi sản xuất trong khu vực.

“RCEP đặt quan hệ hợp tác của Việt Nam trong khu vực sang một chương mới, khi một loạt các đối tác thương mại mới đã có sự quan tâm và tiềm năng sẽ có sự gia tăng của nhiều quốc gia. RCEP giúp gia tăng xuất khẩu, tăng thu nhập cho nền kinh tế với việc giảm bớt các rào cản thuế quan và phi thuế quan cũng như những sáng kiến liên quan đến cơ chế 1 cửa hay hoạt động thương mại không giấy tờ… từ đó giúp hoạt động thương mại diễn ra nhanh hơn, kịp thời, ít chi phí hơn cũng như có quy mô lớn hơn”, ông Dương cho biết.

Ý nghĩa lớn hơn của RCEP theo ông Dương chính là hiện nay khu vực châu Á đang phục hồi khá nhanh và sớm sau Covid-19, nên RCEP giúp giảm “rủi ro lạc nhịp” của Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế so với đà phục hồi của khu vực. Khi tham gia sân chơi chung trong RCEP, các quy định về quy tắc xuất xứ, quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàng hóa, tiêu chuẩn của DN cũng cần phải hài hòa, giúp DN có cơ hội tốt hơn khi tham gia chuỗi giá trị một cách sâu rộng hơn.

Khẳng định về lâu dài, RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam trở thành một “mắt xích” của chuỗi cung ứng đó là cơ hội lớn cho xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho hay, khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Lộ trình cắt giảm thuế quan nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác trong RCEP.

Lộ trình cắt giảm thuế quan nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác trong RCEP.

Theo bà Trang, một trong những điểm đáng chú ý nhất của Hiệp định RCEP là được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân, khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

“Nếu như ở CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc thì khi tham gia RCEP, gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu và sẽ được giảm bớt nhờ những ưu đãi thuế quan”, bà Trang nêu lợi thế.

Thách thức đổi mới tiêu chuẩn doanh nghiệp

Bên cạnh những mặt thuận lợi, Hiệp định RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các DN Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. DN Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chủ yếu là do các DN chưa nắm rõ các tiêu chí và điều kiện để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi.

Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), RCEP cũng kéo theo một số thách thức về thương mại như nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng thích ứng với những quy định ở từng thị trường. RCEP cũng yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Tác động của RCEP15 và RCEP16 đến GDP mỗi quốc gia khi không có và có sự tham gia của Ấn Độ.​​​

Tác động của RCEP15 và RCEP16 đến GDP mỗi quốc gia khi không có và có sự tham gia của Ấn Độ.​​​

Đặc biệt, khi thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Trung Quốc nên việc ứng phó với các rào cản, quy định mới là không dễ. Tuy nhiên, thông qua RCEP, DN sẽ nhìn thấy cơ hội và thách thức tích cực để nâng tầm giá trị cũng như mức độ tự chủ của DN trong sân chơi thế giới. Khi dịch Covid-19 lan rộng, nhiều DN phản ánh đã phải chịu ảnh hưởng lớn từ sự đứt gãy chuỗi giá trị, khi việc nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn, điều này càng thúc đẩy việc tự chủ về nguyên liệu của DN.

“DN cần tìm cách thích nghi với thị trường trong RCEP theo năng lực và khả năng của mình để đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường. DN cần có chiến lược nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, cũng như tận dụng nhanh cơ hội được chuyển giao công nghệ từ các đối tác một cách bài bản như Nhật Bản, vì nếu đáp ứng được tiêu chuẩn của Nhật Bản sẽ thỏa mãn điều kiện xuất khẩu tại nhiều thị trường khác”, ông Dương khuyến cáo.

Đề cao quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong RCEP, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý, để được hưởng ưu đãi trong RCEP, các mặt hàng xuất khẩu phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, thông qua các giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa.

“Tuy nhiên, nhiều DN không chứng minh được tỷ lệ xuất xứ theo quy định do chưa thu thập đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trong quá trình mua đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, do đó không được hưởng mức thuế ưu đãi. Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ RCEP còn bị ảnh hưởng bởi chi phí tuân thủ quy tắc xuất xứ”, bà Hương cho biết.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN.

Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Có nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?

Có nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?

Đề xuất để doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tự quyết định giá bán tối đa được Bộ Công thương lý giải nhằm đưa ngành này dần tiếp cập cơ chế thị trường. Tuy nhiên khi thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh đúng nghĩa thì liệu việc giao quyết định giá bán cho doanh nghiệp đã hợp lý?

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh

Sáng nay (2/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tăng mạnh theo đà tăng của thế giới. Theo đó, vàng miếng hơn 81 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn hơn 71 triệu đồng/lượng.

fb yt zl tw