Xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc vẫn rất khó khăn

LCĐT - Sau gần nửa năm tạm dừng, vừa qua phía Trung Quốc đã nhập khẩu trở lại mặt hàng trái cây của Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà lượng hàng thông quan vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Từ ngày 12/1, phía Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu trở lại mặt hàng trái cây của Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Đây là thông tin rất vui và được đông đảo người dân, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nông sản 2 nước đặc biệt quan tâm; mở ra cơ hội tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn quả thanh long, mít, xoài, dưa hấu của nông dân Việt Nam đang rất khó khăn về đầu ra.

Xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc vẫn rất khó khăn ảnh 1
Nhiều xe chở hoa quả tươi chờ đến lượt được xuất khẩu.

Đại diện một đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu trái cây tươi trên địa bàn thành phố Lào Cai cho biết: Chúng tôi đã bố trí thêm nhân sự, hàng hóa khi phía Trung Quốc tiếp nhận trở lại nhiều mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam. Các cơ quan chức năng phía Việt Nam cũng đã rất nỗ lực trong việc hoàn tất cả thủ tục để hàng hóa sớm được thông quan. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống Covid – 19, nên hàng hóa thực xuất vẫn rất chậm. Hơn nữa, đây là thời điểm gần tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lượng lái xe trung chuyển, cũng như công nhân bốc vác hàng hóa phía Trung Quốc không có nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ thông quan hàng hóa.

Xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc vẫn rất khó khăn ảnh 2
Chi phí duy trì hoạt động của conteiner lạnh từ 400 – 500 nghìn đồng/ngày.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính từ ngày 12/1 đến hết 16/1 đã có khoảng 500 phương tiện đăng ký làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Tuy nhiên, mới có khoảng gần 100 xe thực xuất, đây là một con số rất khiêm tốn so với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Anh Nguyễn Quang Thanh, lái xe chở quả thanh long từ Ninh Thuận ra Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành để xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết: Lực lượng chức năng bên phía Việt Nam như biên phòng, hải quan, y tế quốc tế… hỗ trợ chúng tôi rất nhiệt tình, chu đáo. Hiện, các thủ tục phía Việt Nam cơ bản đã hoàn tất, chỉ chờ đến lượt để được xuất hàng sang phía Trung Quốc. Tôi đã chờ gần 2 ngày mà vẫn chưa đến lượt xuất hàng sang phía Trung Quốc.

Theo báo cáo của ngành hải quan, tính đến 16 giờ ngày 16/1 có tổng cộng 33 xe thực xuất sang Trung Quốc (2 xe mít, 5 xe thanh long và 26 xe dưa). Con số này rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 10% so với thời kỳ hoạt động xuất khẩu trái cây diễn ra bình thường. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Xuất nhập khẩu Minh Khai cho biết: Từ 12/1 đến nay, công ty tôi mới xuất khẩu được 2 xe trái cây tươi sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Hiện, chúng tôi vẫn còn gần 40 xe chở trái cây tươi chờ đến lượt xuất khẩu sang Trung Quốc. Chi phí nguyên tiền dầu để duy trì hoạt động của conteiner lạnh cũng mất 400 – 500 nghìn đồng/ngày. Thời điểm này chúng tôi đã tạm dừng nhập hàng vì lo không thể xuất khẩu.

Thời gian này mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành là ván bóc, sắn khô.
Thời gian này mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành là ván bóc, sắn khô.

Theo quan sát của phóng viên, lượng phương tiện chở trái cây tươi chờ xuất khẩu sang Trung Quốc tại các bãi khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành còn khá nhiều. Trong thời gian tới nếu tiến độ xuất khẩu trái cây tươi không được cải thiện, thì thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân lá khó tránh khỏi. Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết: Dù đã có khởi sắc hơn những ngày đầu, nhưng về cơ bản hoạt động xuất khẩu trái cây tươi sang phía Trung Quốc vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, mỗi ngày chỉ xuất khẩu được hơn 30 xe, trong khi đó nhu cầu của các doanh nghiệp là rất lớn, khoảng 200 xe/ngày.

Tết Nguyên Đán 2022 đã cận kề, hoạt động xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Người dân, doanh nghiệp và các địa phương cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động xuất khẩu trái cây tươi để có phương án phù hợp, tránh những thiệt hại đáng tiếc về kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Đáng chú ý, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ khẩn trương thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ đắc lực bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và đơn đầu ra dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng ngành dệt may nước ta đang đối diện rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho cao, sức cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt...

fb yt zl tw