Lão họa sỹ say đắm Sa Pa

LCĐT - 21 năm qua, họa sỹ Tô Ngọc Thành lặng lẽ đi về, sáng tác hàng nghìn bức tranh về thiên nhiên, con người Sa Pa. Với ông, Sa Pa là thiên đường để thả hồn theo những nét cọ.

Lão họa sỹ say đắm Sa Pa ảnh 1
Họa sỹ Tô Ngọc Thành vẽ tranh ở Sa Pa tháng 10/2021.

Là con trai của cố danh họa Tô Ngọc Vân, họa sỹ Tô Ngọc Thành có đam mê hội họa từ nhỏ và thường được cha dẫn đi khắp nơi để thưởng ngoạn phong cảnh đẹp của đất nước. Những tháng ngày rong ruổi cùng cha đã đưa ông đặt chân đến các bản, làng miền núi của khu vực Tây Bắc, trong đó có mảnh đất Sa Pa. Năm 1951, khi ấy họa sỹ Tô Ngọc Thành mới 11 tuổi, cũng là lần đầu tiên đặt chân đến Sa Pa. Mãi sau này ông mới biết, tình yêu với mảnh đất này được nhen nhóm bởi cái mộc mạc, hoang sơ, thơ mộng của Sa Pa. Chưa nơi nào trên đất nước Việt Nam đầy tươi đẹp này khiến ông mê mẩn đến vậy.

Họa sỹ Tô Ngọc Thành chia sẻ: Năm 1951, tôi được cha dẫn đi dọc đường tàu nhiều ngày từ Yên Bái lên Lào Cai, sau đó một người bạn của cha công tác trong ngành quân đội dẫn lên Sa Pa chơi. Sa Pa khi ấy là mảnh đất hoang sơ, chỉ có vài nóc nhà thưa thớt, lọt thỏm giữa núi rừng. Tôi ấn tượng với Sa Pa bởi không khí trong lành, mát lạnh, rồi những con người thân thiện, mộc mạc, bình dị. Sau nhiều năm ra nước ngoài học tập, công tác, tôi luôn khắc khoải và giữ mãi trong mình những tình cảm đặc biệt với vùng đất này. Mãi đến năm 2000, gác lại những bộn bề, xô bồ của cuộc sống, tôi dành nhiều thời gian để ghi lại vẻ đẹp của mảnh đất này.

Lão họa sỹ say đắm Sa Pa ảnh 2
Bức tranh họa sỹ Tô Ngọc Thành vẽ về Sa Pa.

21 năm qua, mỗi năm họa sỹ Tô Ngọc Thành dành vài ba chuyến đến Sa Pa sáng tác. Chuyến đi ngắn có thể vài ngày, chuyến đi dài ông ở lại vài tháng để hòa mình cảm nhận nét đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa của Sa Pa. Ông đến Sa Pa sáng tác hầu hết các thời điểm trong năm nhưng nhiều nhất vào khoảng tháng 2 đến tháng 9, bởi đây là thời điểm Sa Pa đẹp, đôi lúc Sa Pa chìm trong sương mây mờ ảo, đôi lúc vắng mây, núi rừng hiện ra hùng vĩ và cũng là thời điểm Sa Pa có nhiều loài hoa nở rộ đẹp nhất.

Mặc dù vẽ tranh theo trường phái ấn tượng nhưng không bao giờ họa sỹ Tô Ngọc Thành ngồi ở Hà Nội để vẽ về Sa Pa, mà ông thường đến tận nơi, ngồi giữa thiên nhiên, cảm nhận thời tiết, tiếp xúc với người dân, ăn những món ăn dân dã để “thổi hồn” cho vẻ đẹp của Sa Pa mà ông cảm nhận được qua những nét cọ. Theo ông, muốn vẽ Sa Pa đẹp thì cảm xúc phải thăng hoa, phải hít bầu không khí có mùi núi rừng và đưa tay chạm vào sương mây để cảm nhận cái lạnh giá và cùng ăn, ở với người dân để cảm nhận được sự chân thực. Bởi vậy, mặc dù có nhiều năm gắn bó, có thể “nhắm mắt” vẫn vẽ được tranh về Sa Pa, nhưng năm nào ông cũng phải dành thời gian để “trở về” Sa Pa sáng tác. Bản làng ở Sa Pa được họa sỹ Tô Ngọc Thành thuộc “trong lòng bàn tay”, có thời gian ông còn trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ cho những du khách lần đầu đến với Sa Pa. Cho đến bây giờ, ông vẫn còn giữ hàng trăm cuống vé xe, vé tàu mỗi lần đi về sáng tác giữa Sa Pa - Hà Nội như để lưu giữ một phần những kỷ niệm đẹp trong những chuyến thực tế.

Trong tranh của họa sỹ Tô Ngọc Thành, Sa Pa được tái hiện dung dị nhưng đầy sống động. Phong cảnh làng bản, đường đi, cây cối, con người hiện lên sau những nét cọ với vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ. Có thể đó là nhà thờ đá, sân Quần, bản Cát Cát, một cô gái người Mông xúng xính váy áo, hay là những thiếu nữ tựa cửa ánh mắt buông lơi, vài phụ nữ người Dao ngồi thêu váy áo, vài người bán hàng tranh thủ se lanh, chuyện trò... Những màu nâu của đất, màu xanh cây cối, màu đỏ của hoa, của trang phục… đều được tái hiện tài tình qua mỗi nét cọ. Tranh vẽ của họa sỹ Tô Ngọc Thành ít trùng lặp mà đa dạng và có vẻ đẹp độc đáo riêng. “21 năm qua, tôi chẳng thể nhớ có bao nhiêu chuyến đi về, nhưng tranh về Sa Pa của tôi thì có không dưới 2.000 bức, tất cả đều được sáng tác trực tiếp tại Sa Pa” - họa sỹ Tô Ngọc Thành bộc bạch.

Lão họa sỹ say đắm Sa Pa ảnh 3

“Thành Sa Pa” là biệt danh mà những người dân Sa Pa và giới họa sỹ trong nước đặt cho họa sỹ Tô Ngọc Thành, bởi ông là người đã có nhiều năm gắn bó và sáng tác hàng ngàn bức tranh về “xứ sở trong sương”.“Không ít lần đi triển lãm tranh, có người còn nhầm tôi là một ông lão người Mông ở trên núi xuống, bởi tình yêu Sa Pa đã ngấm vào da thịt mình” - họa sỹ Tô Ngọc Thành chia sẻ.

Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm họa sỹ Tô Ngọc Thành vẽ hàng trăm bức tranh về Sa Pa. Năm 2005, triển lãm cá nhân “Tranh vẽ về Sa Pa” mở đầu cho loạt triển lãm tranh về Sa Pa những năm sau của họa sỹ Tô Ngọc Thành được tổ chức ở Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với các tên gọi: “Ấn tượng Sa Pa”; “Cuộc đời vẫn đẹp sao”; “Sa Pa mây trắng bay”; “Tình yêu là mãi mãi”; “Thiên đường Sa Pa”, “Duyên nợ với Sa Pa”… Ngoài những triển lãm trong nước, họa sỹ Tô Ngọc Thành cũng mang tranh vẽ về Sa Pa tổ chức triển lãm tại nhiều quốc gia để quảng bá hình ảnh  của Sa Pa ra thế giới.

Gắn bó với Sa Pa từng ấy năm, họa sỹ Tô Ngọc Thành cũng là người chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của vùng đất này. Ông cũng “đau xót” khi nét hoang sơ, hoang dã, cảnh đẹp thiên nhiên và sự thân thiện, mộc mạc của con người nơi đây đang dần biến mất. Tất cả sự thay đổi của Sa Pa, họa sỹ Tô Ngọc Thành đều biết, nhưng với ông, Sa Pa vẫn luôn có sức hút đặc biệt, tình yêu của ông với mảnh đất này sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Giờ đây, dù đã ở tuổi 82, một bên mắt phải mất hoàn toàn thị lực, mắt trái thị lực giảm sút, bước chân đã chậm nhưng họa sỹ Tô Ngọc Thành vẫn say mê với hội họa và với mảnh đất Sa Pa. Qua trò chuyện với ông, chúng tôi vẫn cảm nhận được ông yêu mến Sa Pa nhường nào, vẫn còn ấp ủ nhiều dự định với mảnh đất này. Với ông, Sa Pa là duyên nợ, là máu thịt và là quê hương thứ hai của mình.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.

Cung đàn tròn người Pa Dí

Cung đàn tròn người Pa Dí

“Mường Khương xanh rất xanh…/Biên giới ơi yêu lắm một cung đàn/Một cung đàn tròn dân tôi người pa dí/Một cung đàn tròn như ánh trăng rằm/Một cung đàn tròn như mặt trời nắng mai rực rỡ”… đó là những câu thơ trong bài thơ “Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn” của nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8. Lãnh đạo các nhà hát khẳng định điều này giúp bộ máy quản lý trở nên tinh, gọn, mạnh, mở ra cơ hội mới cho sân khấu truyền thống. 

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà hát Kịch Việt Nam đồng thời khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Cafe bánh mì”, hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Đặc biệt vở nhạc kịch "Cafe bánh mì" đánh dấu sự hợp tác của Nhà hát Kịch Việt Nam và ê-kíp sáng tạo đến từ Hàn Quốc. 

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Café bánh mì” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Đây là hai tác phẩm đặc biệt được dàn dựng và công diễn nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

fb yt zl tw