Sẵn sàng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Việc 9/9 thành viên Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện là “chìa khóa” để tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể chính thức đưa vào khai thác. Về phía thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng đều khẳng định đã sẵn sàng tiếp nhận để vận hành phục vụ nhân dân Thủ đô.

Sẵn sàng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông ảnh 1

Thử nghiệm mua vé lượt tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Tuấn Khải

Đồng ý nghiệm thu có điều kiện

Ngày 29-10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã kiểm tra hiện trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đây là bước đánh giá cuối cùng để quyết định dự án được đưa vào vận hành khai thác thương mại hay chưa. Sau khi kiểm tra việc vận hành trên toàn tuyến, từ hướng dẫn sử dụng thẻ vé, quản lý, điều hành tại một số nhà ga, khu vực depot (trung tâm điều khiển và bảo dưỡng), đến các điều kiện duy tu, bảo dưỡng tại trung tâm duy tu tổng hợp..., 9/9 thành viên của Hội đồng đã thống nhất chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa công trình vào khai thác giai đoạn đầu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng lưu ý, chủ đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ các hệ thống, thiết bị phục vụ vận hành trước khi đưa vào khai thác; rà soát việc chuẩn bị nhân lực, điều kiện bảo đảm vận hành thực tế và các phương án xử lý tình huống có thể phát sinh trong quá trình khai thác, nhất là với những vấn đề đã được đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống khuyến cáo; thống nhất và phê duyệt quy trình vận hành phù hợp với giai đoạn đầu khai thác; thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan bảo đảm đưa công trình vào khai thác an toàn, đúng pháp luật…

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc dự án được Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu đánh dấu giai đoạn mới của dự án. Với trách nhiệm của chủ đầu tư, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội để triển khai các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng, đưa dự án vào khai thác, vận hành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Sẵn sàng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông ảnh 2

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã sẵn sàng đưa vào khai thác. Ảnh: Lương Ninh Giang

Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện

Ngay sau khi có kết quả đánh giá từ Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, đơn vị đã sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận vận hành khai thác dự án. Đến nay, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) đã cấp giấy phép cho số lái tàu vận hành trong giai đoạn đầu. Trong tháng 9, đầu tháng 10-2021, Công ty đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ số nhân sự trực tiếp vận hành, kết quả 100% đều đạt yêu cầu. Cũng trong giai đoạn đầu, ngoài nhân sự của Hanoi Metro còn có các chuyên gia bảo hành của nhà sản xuất và chuyên gia tư vấn hỗ trợ quản lý vận hành.

Thông tin dự án được Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác nhận được sự phản hồi tích cực từ đông đảo người dân Thủ đô. Ông Nguyễn Văn Sơn (khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần trễ hẹn, nhưng đến nay thì tôi tin rằng, người dân sắp được sử dụng dịch vụ vận tải tiên tiến này”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, nhiều tháng qua, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc vận hành dự án. Các khâu từ nhân lực, chính sách vé, phương án kết nối đường sắt đô thị với mạng lưới xe buýt nhằm bổ trợ, gia tăng năng lực cho hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô… đều đã sẵn sàng. 

Giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng/lượt với quãng ngắn nhất. Các mức giá vé ngày, vé tháng đều được tính toán phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Cùng với đó là các mức giá ưu đãi dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp; miễn tiền vé cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.

"Sau khi tiếp nhận chúng tôi sẽ cho tàu chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách, trước khi thực hiện vận hành thương mại", Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin.

Ngày 27-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thành các công đoạn để bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho thành phố Hà Nội trước ngày 10-11 nhằm sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Chiều 2-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự kiến ngày 6-11 tới, Bộ sẽ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho thành phố Hà Nội.

Báo Hà nội mới

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw