Khách sạn ở Sa Pa ồ ạt rao bán vì dịch Covid-19

LCĐT - Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Sa Pa luôn được đánh giá là lĩnh vực sôi động, tuy nhiên, chưa bao giờ việc rao bán các khách sạn, nhà nghỉ lại nhiều như thời điểm hiện tại. Nguyên nhân được cho là nhiều cơ sở gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Kinh doanh khách sạn gặp nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua khiến nhiều chủ cơ sở rao bán.
Kinh doanh khách sạn gặp nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua khiến nhiều chủ cơ sở rao bán.

Dạo quanh các sàn giao dịch bất động sản có tiếng tại Hà Nội như Alo Nhà đất, Batdongsan.com.vn, Meey Land, Houseviet… hoặc các sàn giao dịch bất động sản tại Lào Cai, thị xã Sa Pa, mỗi ngày có hàng chục thông tin giao bán khách sạn, nhà nghỉ tại thị xã Sa Pa với mức giá từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Nhiều khách sạn 4 sao, 5 sao cũng được chủ sở hữu đăng tin giao bán. Trong đó, không ít dòng tin được đăng tải với tiêu đề: “Bán khách sạn cắt lỗ, giá Covid”, “Bán gấp khách sạn trong mùa dịch”, “Đóng cửa do dịch Covid, chủ bán cắt lỗ khách sạn trung tâm Sa Pa”…

Khảo sát thực tế trên sàn giao dịch bất động sản Meey Land cho thấy, trong 1 năm trở lại đây, có 60 khách sạn, nhà nghỉ ở thị xã Sa Pa đăng tin rao bán trên sàn này, riêng 1 tháng trở lại đây, có 19 khách sạn giao bán. Mức giá bán khách sạn trên sàn Meey Land khá đa dạng, từ vài tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng.

Còn tại sàn Batdongsan.com.vn, có 67 bất động sản tại Sa Pa đang rao bán, trong đó 2/3 là khách sạn, nhà nghỉ. Trên sàn Alo Nhà đất cũng có 60 bất động sản đang được chào bán…

Không chỉ các sàn giao dịch tại Hà Nội, tại một số sàn giao dịch bất động sản ở Lào Cai, tỷ lệ khách sạn, nhà nghỉ tại Sa Pa rao bán cũng khá lớn. Theo đánh giá của ông Nguyễn Viết Mai, Giám đốc Công ty TNHH Siêu Nhân Việt TMT - đơn vị sở hữu sàn giao dịch bất động sản Siêu Nhân Việt TMT: Trước đây, tỷ lệ chuyển đổi, giao dịch bất động sản khách sạn, nhà nghỉ tại Sa Pa vẫn diễn ra sôi động, tuy nhiên lượng giao dịch sau khi xảy ra dịch Covid-19 tăng khoảng 30%. Các phân khúc chào sàn rất đa dạng, trung bình ở mức 10 - 15 tỷ đồng, cá biệt có những khách sạn 4 sao, 5 sao đang được chào sàn ở mức 200 - 250 tỷ đồng. Trong số đó, có khoảng 30% khách sạn không kinh doanh được nên bắt buộc phải bán để giảm áp lực về tài chính. Tỷ lệ giao dịch thành công của bất động sản khách sạn, nhà hàng trên sàn cũng giảm khoảng 20% so với trước dịch. Vừa qua, có một số khách sạn lớn đã giao dịch thành công ở mức 60 - 70 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, đa số khách sạn, nhà nghỉ chào sàn hầu hết xuất phát từ việc không kinh doanh được trong 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là do những làn sóng dịch Covid-19 liên tiếp xảy ra đã khiến hoạt động du lịch chạm đáy, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh của các khách sạn, nhà nghỉ.

Các khách sạn gặp khó khăn phải bán để trả nợ ngân hàng và cơ cấu lại kinh doanh là tất yếu, bởi 2 năm vừa qua, dịch bệnh liên tục bùng phát, lượng khách du lịch đến Sa Pa giảm mạnh. Đặc biệt, hầu hết các cơ sở phải dừng hoạt động từ sau “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư.

Từ đầu năm 2021 đến nay, lượng khách du lịch đến Sa Pa chỉ đạt hơn 566 nghìn lượt, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 17,7% so với tổng lượng khách du lịch năm 2019 (3,2 triệu lượt). Rõ ràng, các khách sạn, nhà nghỉ khó có thể duy trì vận hành và xoay xở lãi suất, tiền gốc vay ngân hàng khi không có khách du lịch.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Quang Hưng, cổ đông khách sạn 3 sao Praha (đang chào bán trên các sàn giao dịch bất động sản với giá hơn 60 tỷ đồng) cho biết: Khách sạn Praha được một số cổ đông góp vốn đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2018 (vốn vay chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư). Khách sạn có 30 phòng theo tiêu chuẩn 3 sao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách sạn không hoạt động được, áp lực vốn và lãi vay ngân hàng đè nặng khiến các cổ đông thống nhất rao bán để trả nợ và cơ cấu lại mô hình kinh doanh. Hiện có rất nhiều khách hàng muốn giao dịch nhưng do dịch bệnh, nên đối tác ở tỉnh, thành phố không thể đến trực tiếp, việc trao đổi chủ yếu diễn ra qua điện thoại nên chưa thành công.

Theo đại diện một số ngân hàng trên địa bàn thị xã Sa Pa, hiện tượng các khách sạn, nhà nghỉ rao bán tăng trong thời gian qua ở Sa Pa là có thật. Nhiều khách hàng cũng tìm đến các ngân hàng để nhờ tư vấn cơ cấu lại tài sản, trong đó có bán bớt khách sạn để trả nợ ngân hàng và tái đầu tư kinh doanh. Các ngân hàng cho vay đầu tư khách sạn, nhà nghỉ cũng đang có nhiều giải pháp như giãn nợ, giảm lãi suất, tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi để các cơ sở tái đầu tư kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực du lịch, trong đó có các khách sạn, nhà nghỉ. Dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ cần có giải pháp để chủ động thích ứng với những biến động của thị trường, đảm bảo việc kinh doanh trong tình hình mới.

Khảo sát thực tế trên sàn giao dịch bất động sản Meey Land cho thấy, trong 1 năm trở lại đây, có 60 khách sạn, nhà nghỉ ở thị xã Sa Pa đăng tin rao bán trên sàn này, riêng 1 tháng trở lại đây, có 19 khách sạn giao bán. Mức giá bán khách sạn trên sàn Meey Land khá đa dạng, từ vài tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw