Dòng sông ký ức

LCĐT - Tôi không sinh ra nhưng đã lớn lên và sống những tháng năm ở đây - nơi thành phố này. Thành phố Lào Cai biên cương có con sông Hồng nước ửng như màu má thiếu nữ. Mỗi tháng ba, những cây gạo già thắp lửa dọc triền sông thứ màu hoa cô đơn và buồn bã đến nhói lòng. Nhà tôi cạnh bờ sông, có cái cửa sổ sơn màu xanh biếc mở ra đón gió. Tôi có thể thấy những mùa hoa gạo - bắt đầu nhen nhóm đến khi lụi tàn, gợi cho tôi về ký ức của ngày giáp hạt vùng chiêm trũng với hình ảnh bà tôi thái rau mồng tơi cả cậng, những bữa cơm độn khoai quá nửa và đom đóm bay trên mặt ao bèo... Tôi đã lớn lên từ nỗi buồn trong veo như thế. Nhà tôi đã xây kiểu khác, khung cửa xanh không còn, cây gạo đã đổ gục sau mùa lũ lớn, chỉ còn sông Hồng vẫn chảy miệt mài và bất tận phía chân trời. Tôi đã đi xa, rất xa ngôi nhà thơ bé, sông Hồng đỏ lựng và bao mùa hoa gạo đã nở và rụng cánh xuống dòng sông này.

Tuổi thơ.
Tuổi thơ.

Mỗi ngày rằm. Tôi theo bà qua phà Cốc Lếu đi lễ đền Thượng. Đền Thượng uy nghiêm cổ tích soi bóng xuống dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Ngay cổng đền án ngữ cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, rễ buông thõng như bầy trăn khổng lồ. Bà nắm tay tôi đi trên con đường gập ghềnh sỏi đá và nhễ nhại nắng trưa, nhưng bao nhiêu mỏi mệt tan biến khi chạm vào bóng mát hiền từ. Nghìn cái lá đa là nghìn con mắt Bồ Tát, nghìn cái lá đa là nghìn bàn tay đức Phật đang trìu mến, reo vui trong trùng trùng ngọn gió sông Hồng. Bà lầm rầm khấn vái trước ban thờ, cầu mong thần phật che chở và phù hộ cho gia đình tôi được no ấm, bình an. Tôi cúi lạy theo bà, đôi mắt thơ ngây, trong trẻo đầy thành kính, tin yêu.

Tháng Bảy mùa lũ. Mặt sông chín lừ như người say rượu. Bố tôi cởi trần bơi ra vớt củi. Củi từ cánh rừng ven bờ bị lũ cuốn đi, đun rất đượm than và bén lửa. Tôi đứng trên bờ xem bố vớt củi. Bố tôi bơi giỏi như rái cá giữa dòng sông mùa lũ chảy rầm rầm như ngựa phi nước đại.

Trưa hè. Tôi nhẹ nhàng trở dậy. Đám bạn đã đợi tôi dưới tán bàng xòe ô. Ngang qua bụi cây cứt lợn trổ hoa tím ngắt, tôi bắt được một con chuồn ớt say nắng. Tôi cho con chuồn ớt cắn rốn để nhanh biết bơi. Sông Hồng như dòng mật ong mơ màng, như dòng nắng vàng lim dim nghe tiếng chim, tiếng ve trưa hè. Sông trôi trong gió. Gió luồn giữa mây. Mây bay dưới trời. Trời soi xuống sông. Sông tuôn phía biển. Biển quay về nguồn. Tiếng cười bầy trẻ rộn rã cả dòng sông trưa hè. Dòng sông tiếng cười trẻ thơ nở ra ngan ngát.

Mỗi Rằm tháng Bảy, mọi người vẫn thả đèn hoa đăng lung linh cả dòng sông, một dòng sông hoa đăng huyền ảo giữa âm và dương, giữa hư và thực, giữa còn và mất, giữa sống và chết để cầu mong cho những linh hồn lang thang không nơi nương tựa được siêu thoát. Tiếng chuông trôi trên sông. Tiếng mõ bay trên sông. Những linh hồn vừa trôi, vừa bay trên sông. Tôi đi trong mịt mờ khói lửa, tro tàn của các nhà đốt vàng mã và tự hỏi: Sông Hồng ôm ấp trong lòng mình những cuộc đời ngắn ngủi để mà che chở, ấp iu.

Tháng Mười mùa cạn. Sông Hồng trơ đáy, nước xanh như vỏ chai thủy tinh. Mẹ tôi cầm cào, đội rổ đi đãi hến. Hến sông Hồng nhỏ bằng móng tay cái, ruột chắc nịch, ngọt lừ. Mẹ đem hến về luộc rồi đem cả ruột và nước ra chợ bán cho người ta nấu canh. Mẹ thường hát: “Canh hến nấu với mồng tơi, chan cơm gạo Séng ăn trôi cửa nhà”. Có hôm ế hàng, mẹ nấu cháo hến cho anh em tôi ăn trừ bữa. Con hến ăn phù sa sông Hồng mà dâng hiến cho đời trọn kiếp sống. Tôi ăn bao nhiêu con hến mà chẳng biết có dâng cho đời một chút văn chương.

Ngày hai ba tháng Chạp. Năm nào tôi cũng đi thả cá chép. Sông Hồng còn gọi là sông Cái, sông Mẹ. Mỗi khi thả cá tôi cứ nghĩ tôi cũng như chú cá chép nhỏ mẹ thả bơi theo dòng để tìm ra biển lớn rồi qua bao dông bão, ghềnh thác lại quay về với sông mẹ đỏ nặng yêu thương.

Tôi không còn ở bến bờ xưa cũ nhưng vẫn thấy sông Hồng ở nhiều nơi tôi đi qua như gặp lại tiền nhân. Rồi tôi thấy cả dáng vóc, hình hài sông Hồng trong những dòng sông khác chảy trên khắp nước non, xứ sở này. Sông Hồng với tôi có mùa vơi cạn nhưng lòng tôi với sông luôn ăm ắp dâng đầy. Sông Hồng chảy qua tháng năm, chảy qua trầm tích, chảy qua cõi người rồi đổ vào kí ức tôi thứ tình yêu thuần khiết, nguyên sơ đôi khi không thể nói hết bằng lời. Sông chảy mãi chưa hết một đời sông. Người chớp mắt đã hết một kiếp người. Muốn hết kiếp người hữu hạn hóa thành hạt phù sa nhỏ bé trong đời sông vô hạn bồi đắp cho cánh đồng lúa ngô đôi bờ trù mật, có được không hỡi người?

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chảo Mẩy và đam mê viết

Chảo Mẩy và đam mê viết

"Tôi sinh ra ở vùng cao - nơi còn thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi đã có một tuổi thơ đầy ắp tình yêu thương. Ở nơi không có trò chơi điện tử, không sóng điện thoại, tôi chơi các trò chơi truyền thống, trải nghiệm các nét văn hóa độc đáo… tới giờ vẫn đầy ắp kỷ niệm trong tâm trí tôi…”, đó là những điều mà Chảo Mẩy chia sẻ qua từng trang viết.

Điện ảnh Việt: Bứt phá ngoạn mục từ mùa phim Tết

Điện ảnh Việt: Bứt phá ngoạn mục từ mùa phim Tết

Trong mùa phim Tết năm nay, có thể dự đoán về sức hút của bộ phim “Mai” (đạo diễn Trấn Thành) khi đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, liên tục làm nên các kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Việt. Nhưng cơn “sốt vé” phim “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, là hiện tượng bất ngờ, chưa từng thấy. Cùng với nhiều bộ phim khác đang dần được chú ý, giới làm nghề đầy hứng khởi, tin tưởng một giai đoạn bứt phá của điện ảnh Việt.

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Nghệ nhân thư pháp Võ Dương, người Việt đầu tiên xác lập kỷ lục thế giới về thư pháp, gửi tặng bạn đọc Thanh Niên những tác phẩm thư pháp lấy cảm hứng mùa xuân trong năm Giáp Thìn, năm "cầm tinh" con rồng.

Nhớ mùa tết xưa!

Nhớ mùa tết xưa!

... đã sống gần hết cuộc đời, đôi chân đã đi khắp đất nước, mà cứ mỗi độ giữa đông trở đi, lòng lại náo nức, rưng rưng nhớ về những mùa tết đẫm đặc tuổi thơ tôi...

fb yt zl tw