''Khơi thông'' cho du lịch nội địa

Sau nhiều tháng "đóng băng" do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay sau khi dịch được kiểm soát, hoạt động du lịch tại nhiều tỉnh, thành phố bắt đầu có những tín hiệu lạc quan. Cụ thể, một số tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa du lịch nội địa hoạt động trở lại. Lúc này, sự liên kết, thống nhất về mặt chính sách đón khách giữa các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch sẽ là cánh cửa để dần “khơi thông” cho du lịch nội địa.

''Khơi thông'' cho du lịch nội địa ảnh 1
Ban Quản lý khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long đã đưa vào sử dụng máy sát khuẩn tay tự động cho du khách góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch. (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Nhật Nam

Thích nghi với “tình hình mới”

Tại hội nghị trực tuyến “Du lịch xanh - xanh” vừa diễn ra do Hội Lữ hành Hà Nội (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) tổ chức với sự tham gia của gần 20 cơ quan quản lý du lịch, trung tâm đầu tư xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành phố cho thấy sự quan tâm của nhiều địa phương trong việc tìm giải pháp phục hồi du lịch phù hợp với “tình hình mới”.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, các đơn vị kinh doanh du lịch xác định phải thích nghi với khả năng dịch có thể còn kéo dài. “Điều cần làm lúc này là các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch phải phối hợp với nhau để cùng thực hiện biện pháp đón khách an toàn, đúng quy trình; đồng thời xây dựng sản phẩm phù hợp với "tình hình mới", lên phương án ứng phó nếu xuất hiện những ca F0, khi hoạt động du lịch đang diễn ra”, ông Phùng Quang Thắng nói.

Là địa phương chuẩn bị đón khách ngoại tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết, Hà Giang sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội thực hiện đón khách an toàn. “Việc phối hợp giữa các tỉnh, thành phố và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cần sớm triển khai để kích hoạt du lịch trong trạng thái mới”, ông Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.

Còn Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, mặc dù năm 2020, hàng loạt sản phẩm du lịch kết nối Hà Nội với các tỉnh đã được triển khai, bảo đảm tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, nhưng với diễn biến dịch lần này, việc phục hồi du lịch cần thay đổi chiến lược và điều kiện để phù hợp. Trong đó, điều kiện về “du lịch xanh” cần bảo đảm các yếu tố: Du khách đạt tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm an toàn, lộ trình di chuyển an toàn, lưu trú an toàn.

“Để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các đơn vị kinh doanh du lịch. Những đơn vị lữ hành, điểm đến, vận chuyển không bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 sẽ không được phép hoạt động", ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

Cần thống nhất tiêu chí

Thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đã lên phương án phát triển du lịch, trong đó du lịch nội địa vẫn được ưu tiên hàng đầu. Một số tỉnh kiểm soát tốt dịch đã sẵn sàng đón khách ngoại tỉnh, như: Tỉnh Hà Giang dự kiến vào tháng 10-2021, tỉnh Khánh Hòa dự kiến từ giữa tháng 10-2021, tỉnh Quảng Ninh dự kiến vào tháng 11-2021… Dù vậy, nhiều địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch vẫn còn không ít băn khoăn về sự thống nhất trong tiêu chí đón khách.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, cần có một chính sách chung với vai trò “đầu tàu” của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Asia Sun Travel Lê Thanh Thảo, các địa phương phải cùng thống nhất về thủ tục để các đơn vị lữ hành thuận tiện khi đưa đón khách. Trước mắt, các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch cần thực hiện thí điểm 1 tour du lịch theo hình thức “bong bóng du lịch” để rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch Viettrantour Nguyễn Thị Huyền cho rằng, các địa phương nên cung cấp danh sách những đơn vị kinh doanh du lịch được phép đón khách trên địa bàn để các đơn vị lữ hành kết nối, cùng xây dựng sản phẩm du lịch bảo đảm chất lượng, nhưng vẫn an toàn, khép kín cho du khách.

Ngày 28-9, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chính thức công bố "Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 đợt 4". Chương trình đã đề ra những tiêu chí du lịch an toàn để các địa phương cùng thực hiện. Theo đó, đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên, phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Đối với du khách dưới 18 tuổi, phải có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch (gồm: Lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến) phải thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động; xây dựng các tuyến du lịch và phương pháp vận chuyển theo lộ trình an toàn…

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, chương trình này sẽ là “kim chỉ nam” định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp khi thực hiện du lịch an toàn. “Để du lịch khơi thông thì các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần cởi mở, phối hợp chặt chẽ trên nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Báo Hà nội mới

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Đến với Hồ Thác Bà (tỉnh Lào Cai), du khách không chỉ được đi trên những con thuyền để ngắm nhìn cảnh đẹp sông nước, thăm các nhà nổi nuôi cá lồng mà giờ đây còn được tận mắt ngắm nhìn, thu hái và thưởng thức những trái nho ngọt ngào.

Chạm vào bản Thái

Chạm vào bản Thái

Không ồn ào, nhưng lại đủ sâu lắng để chạm đến cảm xúc của bất kỳ ai từng một lần ghé qua. Đó là bản Thái - điểm đến giữa lòng xã Mù Cang Chải, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, mỗi mái nhà sàn, mỗi triền ruộng bậc thang, mỗi gương mặt người bản địa đều mang hơi thở của núi rừng và nhịp sống riêng biệt. Khi đến, bạn không chỉ ngắm nhìn mà còn được chạm vào một miền văn hóa đang âm thầm tỏa hương.

Tuyên Quang: Tạm dừng đón khách tham quan cụm di tích Nà Nưa

Tuyên Quang: Tạm dừng đón khách tham quan cụm di tích Nà Nưa

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết sẽ tạm dừng đón khách tham quan tại cụm di tích Nà Nưa, thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào kể từ ngày 7/7 để thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đến khi có thông báo mới.

Chuyến đi nhân ái – Du lịch vì cộng đồng

Chuyến đi nhân ái – Du lịch vì cộng đồng

Trong nhịp sống hối hả, những chuyến du lịch không chỉ dừng lại ở việc khám phá cảnh đẹp hay tận hưởng tiện nghi mà còn mang theo giá trị nhân văn sâu sắc. Một trong những hình thức đặc biệt ấy là du lịch tình nguyện - nơi từng bước chân lữ khách in dấu yêu thương, mỗi trải nghiệm gắn liền với sự sẻ chia và lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Hỗ trợ trồng hơn 35 nghìn cây hoa phát triển du lịch sinh thái

Hỗ trợ trồng hơn 35 nghìn cây hoa phát triển du lịch sinh thái

Vừa qua, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình hỗ trợ cây giống hoa và tổ chức trồng hoa tại điểm du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô và xã Lùng Phình (trước đây là xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà).

Du khách Việt Nam đến Nhật Bản cao kỷ lục

Du khách Việt Nam đến Nhật Bản cao kỷ lục

Số lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản trong năm 2024 đạt 621.173 lượt. Đây là năm thứ hai liên tiếp lượng khách từ Việt Nam tới Nhật Bản đạt kỷ lục trong lịch sử, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong du lịch hai nước.

fb yt zl tw