Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Bài cuối: Tượng đài chiến thắng của dân tộc kiên cường

Bài cuối: Tượng đài chiến thắng của dân tộc kiên cường

Cứ điểm Điện Biên Phủ lọt thỏm trong cánh đồng Mường Thanh với bốn bề là núi non vây quanh như tường thành, chỉ nhìn vào đó thôi đã thấy bộ máy chiến tranh của thực dân của Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ chuyên nghiệp, khôn ngoan đến mức nào. Nhưng sự chủ quan về một pháo đài “bất khả xâm phạm” trong Kế hoạch Nava đã nhận lấy thất bại thảm hại trước tinh thần quật cường, ý chí mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trước sự thôi thúc về nhu cầu giải phóng giành độc lập, tự do.

70 năm trước, chiến trường Điện Biên Phủ là những cơn mưa bom, bão đạn đối trọng với lòng dũng cảm, chí căm thù giặc ngoại xâm. Ngày nay, miền đất ấy vẫn còn nguyên những Đồi A1, hầm Đờ - Cát, cứ điểm Him Lam... giữ nguyên trạng như bảo tàng sinh động nhất về một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất thế kỷ XX. Giờ đây không chỉ có những hầm hào, lô cốt, những hàng thép gai hoen gỉ, những khẩu đại bác, Nhân dân các dân tộc ở cánh đồng Mường Thanh đang hòa mình vào dòng chảy đổi mới của đất nước để viết tiếp bản hùng ca của một dân tộc Anh hùng.

t1.jpg
64a411ddbaad1bf342bc.jpg
Điện Biên Phủ giữa tháng 4.

Trung tuần tháng tư, theo dấu chân dân công hỏa tuyến và chiến sĩ Điện Biên tỉnh Lào Cai năm xưa, đoàn công tác chúng tôi tới thành phố Điện Biên. Lúc này, còn khá xa mới tới dịp lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng đã có thể dễ dàng cảm nhận được sức hút của nơi này với mỗi người dân Việt Nam.

1111111111111111.jpg
Đoàn công tác của Báo Lào Cai tại thành phố Điện Biên Phủ.

Thành phố Điện Biên Phủ những ngày này ngủ muộn hơn lệ thường, dưới ánh đèn đường, dòng người, xe cộ qua lại tấp nập, trong số đó có rất nhiều ô tô cỡ lớn, nhỏ đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Một đồng nghiệp của chúng tôi tại thành phố Điện Biên Phủ bảo: “Đoàn các anh có nội dung, chương trình trước, nếu không những ngày này đi tìm nơi ăn, nghỉ theo sự lựa chọn là cực kỳ khó khăn. Năm nay du khách đông nhất rồi”. Trên trang thông tin của UBND tỉnh Điện Biên, những ngày cuối tháng 4, trung bình có 5 nghìn lượt khách tới thăm mỗi ngày, cả tháng 4, thành phố đón 80 nghìn lượt du khách, gấp 1,5 lần dân số toàn thành phố Điện Biên Phủ.

IMG_8500.JPG
Mỗi ngày, các điểm di tích lịch sử tại Điện Biên đón hàng ngàn người dân và du khách.

Đêm trước xem bộ phim tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ khá muộn nhưng đến 5 giờ sáng tôi đã bị đánh thức bởi tiếng réo của động cơ như đang xé đôi vách núi. Tôi phải mất cả phút định thần mới nhớ ra đó là tiếng máy bay dân dân sự khi cất cánh. Điện Biên Phủ là đô thị hiếm hoi có sân bay nằm ở ngay lòng thành phố. Nhân viên lễ tân khách sạn nói thêm: “Bình thường sân bay có 1 chuyến đi, một chuyến đến trong ngày, dịp lễ thì tăng cường nhiều hơn, năm nay kỷ niệm lớn nên đầu tháng 4 có ngày tăng cả chục chuyến”.

45900da094d0358e6cc1.jpg
Sân bay Điện Biên nhìn từ Khu Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khi mặt trời buổi sáng còn khuất sau dãy núi phía Đông, trên các ngả phố, dòng người đã đổ về hướng Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ với những điểm đến như hầm Đờ-cát-xtơ-ri, Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ... Những điểm khá gần nhau nên thuận lợi cho du khách tham quan trong một ngày có thể đi tất cả các điểm.

t2.jpg

Điểm chúng tôi chọn tới tham quan đầu tiên là di tích hầm Đờ - Cát. Những gì thấy qua hình ảnh thì hôm nay tôi có cơ hội được chứng kiến tận mắt Boongke lớn nhất Đông Dương của quân viễn chinh Pháp.

Vẫn là mái hầm bằng sắt, vẫn là những bao tải cát, những khối bê tông dày kiên cố và sự bố trí phòng thủ khoa học như một biểu tượng hiện đại nhất thời đó về cỗ máy chiến tranh của người Pháp được Mỹ hậu thuẫn. Nhưng biểu tượng đó đã sụp đổ chóng vánh trước ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc của quân và Nhân dân Việt Nam.

8.jpg
Hầm Đờ - Cát.

Ngày 7/5/1954, khi tên lính lê dương cuối cùng trong số 16.200 sĩ quan, lính đánh thuê đầu đội mũ sắt giương cờ trắng ra hàng chiến sĩ Điện Biên đầu trần, chân đất. Biểu tượng của Pháp ở Đông Dương đã trở thành “tượng đài” chiến thắng của dân tộc kiên cường, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

6.JPG
Du khách chụp hình lưu niệm tại Hầm Đờ - Cát.

Dòng người đến thăm lại Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mỗi lúc một đông, có những cựu chiến binh ngực áo gắn đầy huân, huy chương; những người trẻ cũng tìm về để lắng nghe câu chuyện lịch sử.

Trong dòng người ấy, có gia đình cụ ông Chu Mạnh Thắng đến từ Tuyên Hòa, Đồng Nai. Cụ Thắng năm nay 95 tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ cũng không còn tốt nhưng vẫn muốn thăm lại chiến trường xưa. Những lúc minh mẫn, cụ vẫn kể cho con, cháu nghe, cách đây 70 năm, cụ cũng là một trong những người lính chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, chứng kiến cảnh quân Pháp bại trận, đầu hàng.

3.JPG
Cụ ông Chu Mạnh Thắng đến từ Tuyên Hòa, Đồng Nai cùng gia đình.

Rời hầm Đờ - Cát, chúng tôi tới Đồi A1, một trong những cứ điểm cách đây 70 năm giữa ta và địch ở vào thế giằng co, chiến sự diễn ra nóng bỏng, khốc liệt nhất. Thời điểm chúng tôi có mặt là một sáng tháng 4, giữa lúc cái nắng nóng đang cao điểm nhưng dòng người tham quan tiến về đỉnh đồi A1 ngày một đông hơn.

IMG_8523.JPG
Dòng người tiến về đồi A1.

Men theo lối đi nhỏ và những bậc bê tông, ít phút sau chúng tôi đã có mặt tại đỉnh đồi A1, nơi có miệng hố do bộc phá khối lượng gần 1.000 kg được bộ đội ta cho nổ vào tối 6/5/1954 từ trong lòng đất khiến toàn bộ gần 400 quân địch ở đây hoang mang tột độ, vội vã buông súng đầu hàng.

Bên cạnh đó là chiếc xe tăng của địch bị bộ đội ta bắn cháy, là các miệng hầm, hào kiên cố của địch bảo vệ cứ điểm. Sát với lối đi chính là mấy cây phượng vĩ già nua, gốc sù sì đang trổ hoa đỏ như đốm lửa, màu sắc đối nghịch với màu xám của những lô cốt, của đất đá Đồi A1 trơ trọi.

IMG_8505.JPG
Miệng hố do bộc phá khối lượng gần 1.000 kg được bộ đội ta cho nổ vào tối 6/5/1954 từ trong lòng đất.

Dòng người đổ về đồi A1 ngày một đông hơn, đa phần trong số đó là các cựu chiến binh, những người không khó để nhận ra qua màu áo. Người đang đứng nghỉ chân cạnh tôi lúc này là ông Lê Cảnh Tứ, sinh năm 1951, quê ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An, người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc. Cùng đi với đoàn Hội Cựu chiến binh xã Nam Anh còn có ông Nguyễn Sĩ Khuyên, sinh năm 1956, cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam; ông Hồ Viết Chương, sinh năm 1954, người có 12 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ và chống quân Pôn-pốt.

d8de526df91d5843010c.jpg
Phóng viên Báo Lào Cai tác nghiệp tại đồi A1.

Đoàn Hội Cựu chiến binh xã Nam Anh có 26 người, có người đến tham quan chiến trường Điện Biên Phủ lần đầu, có người lần thứ 2, thứ 3 nhưng đều có chung một cảm xúc vẹn nguyên là thán phục trước tinh thần quả cảm, mưu trí của quân đội ta khi phải đối đầu với lực lượng quân đội mạnh nhất nước Pháp hồi bấy giờ.

Ông Hồ Viết Chương, cựu chiến binh xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An nói: Tôi đã có những ngày tháng giằng co với địch tại Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972 vì thế tôi càng thấu hiểu những hy sinh của các bậc cha anh đi trước.

Nhiều người lúc này dồn sự chú ý vào một cụ già mặc áo cựu chiến binh với bộ râu, tóc bạc phơ, lưng còng sâu phải cần tới 2 người dìu trên đường lên đỉnh Đồi A1. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, cụ tên Trương Quốc Vinh, 93 tuổi, trú tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, người từng trực tiếp tham gia các trận đánh vào Đồi A1 năm xưa.

Ước nguyện lần thứ 3 thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ của cụ Vinh đã được con, cháu đáp ứng nhờ chuyến bay từ sân bay Nội Bài lên Điện Biên Phủ. Năm 2014, dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Vinh đã tới nơi này, sau 10 năm, sức khỏe cụ đã yếu đi nhiều nhưng mong muốn trở lại đồi A1 trong cụ chưa bao giờ nguôi.

Cụ Trương Quốc Vinh, 93 tuổi, trú tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương thăm lại chiến trường xưa.

Cụ Trương Quốc Vinh, 93 tuổi, trú tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương thăm lại chiến trường xưa.

Chuyến về thăm chiến trường lần này của cụ Vinh có đến 4 người phục vụ và hỗ trợ, gồm con trai, con gái và con rể, trong đó có 2 người con của cụ phát huy truyền thống gia đình, tham gia công tác trong lực lượng vũ trang.

“Cụ còn nhớ kỷ niệm nào về Đồi A1, thưa cụ?”- tôi hỏi. “Kỷ niệm thì nhiều lắm, gian lao lắm, vất vả lắm nhưng nhớ nhất là ngày 7/5/1954, hôm đó mưa rất to, nước ngập đầy hào, có chỗ nước ngập đến ngực nhưng bộ đội vẫn bám trụ. Khi hay tin địch đã giương cờ hàng, toàn bộ chúng tôi buông súng, nhảy lên mặt đất mà ôm nhau hò reo, có người bật khóc ngằn ngặt”, cụ Vinh kể.

t3.jpg

Sau chuyến thăm Bảo tàng, Tượng đài chiến thắng, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên... nhờ kết nối của đồng nghiệp Báo Điện Biên Phủ, chúng tôi được tới thăm cụ Bùi Kim Điều, 94 tuổi, trú tại phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ. Tuổi cao nhưng cụ Điều vẫn có vóc dáng, sức khỏe, minh mẫn. Khi kể chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ nói vanh vách từng chi tiết, số liệu, ngày tháng như đang đọc báo vậy.

84c09778260b8755de1a.jpg
Cụ Bùi Kim Điều, 94 tuổi, trú tại phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ.

Cụ Điều quê ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, năm 23 tuổi lên đường nhập ngũ, sau gần một tháng hành quân mới lên đến chiến trường Điện Biên Phủ, được biên chế vào đơn vị có phiên hiệu C405, E165, F312, trực tiếp đánh vào cứ điểm Him Lam. Trước trận đánh quyết định, địch thả truyền đơn rất nhiều với nội dung: “Cứ điểm Him Lam là bất khả xâm phạm, là cối xay thịt, sẵn sàng nghiền nát Việt Minh dù có tấn công bất kể hướng nào” nhưng điều đó không làm bộ đội ta nao núng.

Cụ Điều nhớ như in, khi tiến công vào sào huyệt của cứ điểm Him Lam, một khẩu đại liên của địch cản bước quân ta và người hùng trong đơn vị là anh Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Sự hy sinh của anh Giót để đồng đội xông lên làm chủ cứ điểm.

"Sau hơn 4 giờ tiến công, đến 21h30 ngày 13/3/1954, ta giành chiến thắng hoàn toàn cứ điểm Him Lam với 3 khu đồi, tiêu diệt 200 tên địch, bắt sống 370 tên, chủ yếu là lính lê dương, thu nhiều vũ khí, đạn dược"- cụ Điều nhớ lại.

5d1c0230b643171d4e52.jpg
Phóng viên Báo Lào Cai trò chuyện với cụ Điều.

Sau chiến công này, đơn vị của cụ Điều tiếp tục được phân công nhiệm vụ đào hào bao vây và đánh du kích vào đồi A1 nhằm tiêu hao sinh lực địch. Điều tiếc nhất của cụ Điều là trận đánh cuối cùng vào ngày 7/5/1954 cụ bị thương nên không được trực tiếp cùng đồng đội hưởng niềm vui chiến thắng ngay tại chiến trường. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Điều cùng đơn vị được giao nhiệm vụ đi trao trả hơn 4.000 tù binh là lính lê dương tại ngã ba sông ở Việt Trì (Phú Thọ) trước khi cụ giải ngũ đi làm kinh tế mới ở miền núi theo chủ trương của Đảng.

IMG_8494.JPG
Đồi A1 - nơi cụ Điều tiếp tục được phân công nhiệm vụ đào hào bâo vây và đánh du kích để tiêu hao sinh lực địch.

Câu chuyện của cụ Điều càng khiến chúng tôi thêm cảm phục về chiến thắng của quân và dân ta trước kẻ thù hùng mạnh. Trong chiến thắng vĩ đại đó có một phần đóng góp rất lớn của quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên anh dũng, kiên cường. Thành phố Điện Biên Phủ vốn là miền đất của bom đạn, của hy sinh, mất mát, đau thương, trong hôm nay đã vươn lên để thực sự xứng đáng là đô thị trung tâm vững mạnh của cực Tây Bắc Tổ quốc.

IMG_8535.JPG
Những ngày này, thành phố Điện Biên Phủ đón hàng ngàn du khách.

Thành phố Điện Biên Phủ không chỉ nổi bật với những di tích chiến tranh mà ngày càng khang trang, nguy nga với những tòa nhà chọc trời, những đường phố thênh thênh xe cộ qua lại như mắc cửi.

Trò chuyện với phóng viên Báo Lào Cai, ông Đặng Việt Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Điện Biên Phủ cho biết, dù nằm ở trung tâm cánh đồng có diện tích lớn nhất Tây Bắc nhưng hiện cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp của thành phố chỉ còn chiếm 2,5%, thương mại và dịch vụ chiếm quá nửa cơ cấu, số còn lại là công nghiệp và xây dựng. Vùng quê cách mạng, nơi hội tụ những chiến công, thắng lợi có sức hút ngày càng lớn với bạn bè, du khách muôn phương.

Năm 2023, tỉnh Điện Biên đón 700 nghìn lượt du khách, doanh thu dịch vụ - du lịch đạt 1.225 tỷ đồng, dự kiến năm nay, con số này tăng khoảng 2 lần. Cùng với những lĩnh vực khác, Điện Biên Phủ đang lập nên thắng lợi mới, thắng lợi trong trong thời đại Hồ Chí Minh, thời khắc đất nước đã yên tiếng súng.

Ông Đặng Việt Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Điện Biên Phủ

Chúng tôi tạm biệt thành phố Điện Biên Phủ vào buổi bình minh bắt đầu tỏ rạng, đúng lúc này, từ sân bay Điện Biên Phủ vút lên nền trời xanh một máy bay với đôi cánh lấp lánh ánh bạc, để lại phía sau vệt khói trắng mỏng tựa hồ như mây trong ánh nắng của một ngày mới.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

''Cuộc cách mạng'' tinh gọn bộ máy

''Cuộc cách mạng'' tinh gọn bộ máy

Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan của Quốc hội.

Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã kể câu chuyện về những đại biểu hội đồng nhân dân như bà Trần Hoài Thu, ông Sùng A Siềng, bà Đặng Thị Sinh, họ đều là tấm gương hết lòng vì Nhân dân nơi “tâm lũ”. Trên hành trình thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi còn được gặp gỡ nhiều đại biểu dân cử trong vùng thiên tai. Câu chuyện từ thực tế đời sống, việc làm ý nghĩa của các đại biểu và tình cảm bà con dành cho họ đều khẳng định một điều: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân.

Bài 3: Cán bộ "3 cùng" nơi "rốn lũ" Nậm Tông

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “ tâm lũ” Bài 3: Cán bộ "3 cùng" nơi "rốn lũ" Nậm Tông

“Nơi chốn mình từng đi về trong suốt hàng chục năm qua bỗng một ngày tan hoang. Những người dân bản thân quen giờ chỉ có thể nhìn lại trong bức ảnh chụp vào Ngày hội Đại đoàn kết một năm về trước… Xót xa, đau lòng lắm! Mình phải biến đau thương thành hành động để giúp đồng bào” là những lời tâm sự nghẹn ngào của bà Đặng Thị Sinh, Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà về trận lũ kinh hoàng vừa quét qua mảnh đất này.

Quyết tâm chính trị cao nhất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Quyết tâm chính trị cao nhất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “ tâm lũ” Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù

Ngải Thầu tiếng Mông nghĩa là “mũi đá”, trước đây là một xã độc lập nhưng hiện nay đã được sáp nhập vào xã A Lù, huyện Bát Xát. Ở mảnh đất biên giới cheo leo trên sườn núi ấy, ông Sùng A Siềng (dân tộc Mông) là đại biểu HĐND xã A Lù, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Chải 1 đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tích cực tuyên truyền di chuyển các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai sau cơn bão số 3.

Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Tôi đã ấp ủ bài viết về bà sau cuộc gặp ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) - nơi vừa chịu bao đau thương do cơn lũ lịch sử gây ra. Người đàn bà ở tuổi 55, dáng người nhỏ bé, quần xắn móng lợn, lúc nào cũng tất tả ngược xuôi nơi “tâm lũ” Làng Nủ. Suốt 20 năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ, 20 năm làm đại biểu HĐND xã Phúc Khánh, bà Trần Hoài Thu luôn được bà con quý trọng, mến yêu. Trong cơn lũ lịch sử vừa qua, người đại biểu ấy không một ngày ngơi nghỉ vì đồng bào vùng lũ.

Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại thành phố Lào Cai

Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại thành phố Lào Cai

Sáng 19/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Lào Cai, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND thành phố Lào Cai có buổi tiếp xúc cử tri các phường Cốc Lếu, Duyên Hải, Kim Tân, Bắc Cường, Lào Cai và các xã Vạn Hòa, Đồng Tuyển, Cốc San. Đây là cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh và HĐND thành phố Lào Cai, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

fbytzltw