Khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay vốn là tỉnh lỵ của Lai Châu, sau nhiều lần thay đổi về hành chính, năm 2003, Quốc hội thông qua quyết định chuyển thị xã Mường Lay trở thành một trong những đơn vị hành chính của tỉnh Điện Biên. Thị xã Mường Lay đang có diện tích nhỏ nhất, dân số cũng ít nhất cả nước.
Chuyến công tác tới chiến trường Điện Biên Phủ vào tháng 4/2024, Đoàn công tác của Báo Lào Cai có một ngày dừng chân ở thị xã Mường Lay, miền đất vừa thơ mộng vừa có những trang sử rất đỗi hào hùng. Trong số cán bộ lãnh đạo thị xã Mường Lay tiếp và làm việc với chúng tôi có đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Trần Bằng Lăng.
Khi nói về thị xã trong Chiến dịch Tây Bắc mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy thông tin: Sự kiện tiêu biểu nhất là rạng sáng ngày 8/12/1953, bộ đội ta nổ súng tấn công đồn Pa Ham, tiêu diệt 2 đại đội địch và gọi hàng 2 đại đội khác; hai tiểu đoàn địch đóng ở hướng Đông của huyện Mường Lay khi nghe tin đồn Pa Ham thất thủ liền co cụm về thị trấn (trung tâm thị xã ngày nay). Thừa thắng, bộ đội tiến lên giải phóng khu vực Tủa Chùa, đến ngày 12/12/1953 thì giải phóng hoàn toàn thị trấn Mường Lay trước khi giải phóng các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, đập tan kế hoạch của địch lấy quân Lai Châu để tăng cường cho cứ điểm Điện Biên Phủ, lấy đồn, bốt ở Mường Lay để ngăn chặn quân ta chi viện cho chiến trường Điện Biên.
Khi đó, được tin bộ đội về giải phóng Mường Lay và giải phóng tỉnh Lai Châu, Nhân dân trong vùng hăng hái đi phục vụ chiến dịch, bộ đội chủ lực tiến đến đâu, các đội du kích đều cử người đến đón và dẫn đường, phối hợp với bộ đội chiến đấu chặn đánh, truy quét tàn quân địch. Huyện Mường Lay còn huy động lực lượng hậu cần tại chỗ phục vụ bộ đội đánh giặc, cử người trung kiên và cốt cán đón cán bộ của khu Tây Bắc về làm công tác tiếp quản thị trấn.
Sau giải phóng, Nhân dân các dân tộc thị trấn và huyện Mường Lay được tạm giao ruộng đất để sản xuất, được mậu dịch cung cấp vải mặc, muối ăn, nông cụ sản xuất. Nhân dân phấn khởi tăng gia sản xuất, hăng hái đi dân công phục vụ chiến dịch tiễu phỉ, tham gia làm đường để kéo pháo, tải quân lương hướng về Điện Biên.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhân dân các dân tộc thị trấn và huyện Mường Lay đã đóng góp được 49 tấn gạo, 26 tấn thịt, 3.849 lượt người đi dân công hỏa tuyến; huy động 24 thuyền, 160 con ngựa thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thị xã Mường Lay vốn được ngợi ca là “hòn ngọc của Tây Bắc”, “Hạ Long giữa núi rừng”. Phải có mặt tại nơi đây mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp, sức hấp dẫn đặc biệt của đô thị yên bình giữa núi non hùng vỹ và mênh mang sóng nước. Thị xã Mường Lay xưa kia đầy rẫy những ghềnh thác hiểm trở, sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La đi vào vận hành, nước dâng lên tạo thành mặt hồ phẳng lặng giữa lòng thị xã. Từ trên đỉnh đèo trông xuống, thị xã Mường Lay là bức tranh thủy mặc nhiều màu sắc, là nơi giao hòa của đất và nước, của núi và sông, của đất và trời.
Với chúng tôi, ngoài thắng cảnh độc đáo, thị xã Mường Lay còn có một phần cảnh sắc của vùng đất Nam Bộ là những hàng dừa chênh vênh bên sóng nước. Người quan tâm, am hiểu, tường tận về cây dừa ở thị xã Mường Lay là đồng chí Trần Bằng Lăng, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Mường Lay. Anh bảo, cây dừa vốn là loài du nhập, do người Pháp khi đô hộ đã mang đến đất này trồng, hồi bấy giờ trồng nhiều nhất là ở khu vực sân bay Chiến Thắng, sau này sân bay không còn và dừa cũng bị đốn hạ nhiều.
Dừa vốn không hợp với khí hậu miền Bắc, nhất là vùng miền núi thường có sương muối, sau mỗi đợt sương muối sẽ khiến dừa lụi phần ngọn, tàn, yếu dần rồi chết khô. Nhưng ở Mường Lay thì khác, qua bao đời nay người dân trồng rất nhiều dừa trong vườn, bên bờ ao, giờ đây dừa trồng thành hàng, lối ở các khu phố, trồng kín hai bên mép sông Đà nhưng vẫn sinh sôi, sinh trưởng tốt.
Dẫn chúng tôi tham quan hàng dừa xanh và đều tăm tắp trước cửa trụ sở Thị ủy, ngay gần bờ sông, anh Lăng cho biết thêm: Thị xã quy hoạch trồng dừa không chỉ để làm cảnh quan mà là đa mục đích, dừa ở nơi khác trồng 6, 7 năm mới có quả nhưng ở đây chỉ 3, 4 năm đã ra trái, cây nào cũng sai lúc lỉu. Nước dừa ở thị xã Mường Lay có vị ngọt, thanh như dừa Bến Tre, cùi dừa dày, lượng dầu cao, béo ngậy khi làm mứt. “Mường Lay đúng là Nam bộ của Tây Bắc đó”, một đồng nghiệp của tôi thốt lên.
Cũng theo anh Trần Bằng Lăng, về địa lý, thị xã Mường Lay vốn điểm không thuận lợi về giao thông, lại thiếu mặt bằng nhưng là điểm trọng yếu, yết hầu giữa hai cực Đông và Tây của vùng Tây Bắc nên người Pháp đã cho dựng đồn, bốt lớn, xây cầu Hang Tôm vượt sông và xây dựng sân bay quân, dân sự kết hợp. Pháp còn hậu thuẫn cho tay sai là Đèo Văn Long, người tự xưng là “vua của người Thái” hoành hành, cướp bóc trong khu vực và xây dinh thự ở điểm gần trung tâm thị xã ngày nay. Hiện dinh thự cổ vẫn còn phần lớn những bức tường rêu phong và vẫn được nhiều du khách tìm tới tham quan, chụp hình.
Một phần Mường Lay xưa kia đã bị nhấn chìm dưới đáy sông sau khi đập thủy điện Sơn La dâng nước, trong đó có những dấu tích buồn về 2 cơn lũ dữ. Đó là cơn lũ năm 1990 phá tan hoang thị xã Mường Lay, khiến mấy trăm người chết và mất tích; đến năm 1996, thêm một cơn lũ nữa quét qua đây khiến gần 100 người chết.
Vượt lên những đau thương, mất mát, đồng bào các dân tộc thị xã Mường Lay vẫn bám trụ miền đất này và cùng quyết tâm xây dựng lại thị xã ngày càng to, đẹp hơn, đủ sức chống chọi với thiên tai, rủi ro trong cuộc sống. Nhờ các dự án tái định cư thủy điện đầu tư bài bản, khoa học đã hình thành nên những chòm xóm với những nóc nhà sàn tăm tắp hàng lối, được che chắn bởi những dáng dừa đu đưa.
Trên đường đưa chúng tôi đi tham quan xã nông thôn mới Lay Nưa, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã Chui Văn Thành bảo, thị xã là trường hợp đặc biệt nhất cả nước với vẻn vẹn 3 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 xã, 1 phường, dân số chưa đến 12 nghìn người. Thị xã Mường Lay vốn là miền đất thuần nông, miền quê nghèo, thiên tai liên miên nhưng giờ đây đã có nhiều đổi thay,có 67% cơ cấu kinh tế là dịch vụ - thương mại, khu vực nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc.
HTX Hoa Ban Trắng ở xã Lay Nưa với đồng bào vùng nông thôn trong vùng thì đây là một câu chuyện cổ tích về sự tìm tòi, sáng tạo và vươn lên. Những chiếc bánh Khẩu chí chọp, bánh Khẩu xén hay những món ẩm thực truyền thống của đồng bào Thái trắng Mường Lay đã được HTX nâng tầm thành các sản phẩm được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước ưa dùng, qua đó tạo việc làm trực tiếp cho gần 20 người. Ngoài nghề truyền thống, xã Lay Nưa còn phát triển mạnh nuôi thủy sản, trồng quế và manh nha dịch vụ du lịch với hình thức homestay.
Nói về những triển vọng của thị xã Mường Lay, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chui Văn Thành đùa vui: Cổ tích thì đúng rồi nhưng còn phải viết tiếp mới thành chuyện hay được.
Lãnh đạo thị xã Mường Lay cho biết thêm, định hướng của Đảng bộ thị xã thời gian tới là đẩy mạnh khai thác thế mạnh về du lịch, trong đó coi trọng mở tour, tuyến mới, thúc đẩy liên kết với các hãng, khu du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Điện Biên Phủ. Chỉ tay về phía ngọn núi đá đối diện với trụ sở hành chính của thị xã, Phó Chủ tịch Thành cho hay, thị xã đã đồng thuận cho một doanh nghiệp đầu tư tạc trên vách núi đá bức tượng cao nhất Việt Nam, gần đó là một ngôi chùa lớn đang chuẩn bị khánh thành. Tập đoàn Intracom cũng đã hoàn thành khảo sát và đang lập dự án khả thi về xây dựng thủy điện tĩnh có quy mô lớn hàng chục MW dựa trên nguồn sinh khối lòng hồ thủy điện Sơn La.
Về quy mô của địa phương, HĐND thị xã đã thông qua nghị quyết đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính, trong đó nhất trí với việc chuyển 2 xã của huyện Mường Chà về thị xã, qua đó nâng số dân toàn thị xã lên khoảng 20 nghìn người. Thị xã nhỏ nhất Việt Nam đang bắt đầu chuyển mình với những bước đi vững chắc, êm đềm như mặt nước sông Đà ngày sóng lặng.