Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Bài 6: Vượt đèo Lũng Lô thăm rừng Đại tướng

Bài 6: Vượt đèo Lũng Lô thăm rừng Đại tướng

Tiếp bước dấu chân các chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến Lào Cai năm xưa tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi rời thị xã Nghĩa Lộ, bám theo Quốc lộ 32 tới ngã ba Ba Khe thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái) thì rẽ qua Quốc lộ 37 (đường số 13 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) để tới huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La- miền quê đã chứng kiến nhiều sự kiện, các hoạt động cách mạng hào hùng liên quan đến công cuộc giải phóng Điện Biên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
t1.jpg

Cách đây hơn 70 năm, ngã ba Ba Khe là nơi bị giặc Pháp ném bom ác liệt do đây là giao điểm tiếp viện quan trọng cho chiến trường Điện Biên Phủ từ hướng Đông Bắc. Ngã ba Ba Khe nay là giao lộ với phương tiện tấp nập, nhà cửa mọc san sát, những cửa hàng, cửa hiệu tràn ngập hàng hóa.

Ba Khe xưa kia chứng kiến một ngả tiếp viện từ Lào Cai qua Than Uyên, tới Nghĩa Lộ rồi đến đây như đoàn công tác của Báo Lào Cai đang theo dấu và một ngả đến từ bến phà Âu Lâu, thành phố Yên Bái ngày nay. Ở hướng bến phà Âu Lâu có một phần lớn trong đó là vũ khí do nước ngoài viện trợ (gồm cả Liên Xô) qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đi qua Lào Cai, xuôi sông Hồng theo đường thủy và đường sắt tới trung tâm tỉnh Yên Bái thì quặt vào Ba Khe trước khi sang huyện Phù Yên.

1.jpg

Theo các tài liệu lịch sử và nhân chứng là dân công hỏa tuyến Lào Cai từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đi tới đâu thì mở rộng đường tới đó để thông tuyến vận tải vũ khí, đạn dược, quân lương. Như lời cụ Trần Định, 87 tuổi, trú tại tổ 11, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai, đầu năm 1953, khi vừa tròn 16 tuổi, cụ đã xung phong vào đội dân công hỏa tuyến để mở rộng đường thông đèo Lũng Lô, tạo điều kiện cho bộ đội ta kéo pháo vượt qua.

2.jpg

Cụ Định bảo, hồi đó không có máy móc, phương tiện hiện đại nào ngoài cuốc, xẻng, xà beng, búa và choòng sắt để đục từng miếng đá bé như nắm tay, vậy mà trong thời gian ngắn cần mẫn suốt ngày đêm, các dân công đã mở rộng được 7 km qua đèo. Cũng tại cung đèo này năm xưa, cụ Phạm Văn Mươn và hàng chục thanh niên xã Võ Lao, huyện Văn Bàn đã tham gia gánh cót từ Phú Thọ qua trong chặng hành quân làm kho gạo dã chiến dọc tuyến đường tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát” (lời thơ Tố Hữu viết về giải phóng Điện Biên), đèo Pha Đin chính là bức tường thành cao nhất mà bộ đội ta phải vượt qua từ hướng Yên Bái. Theo dấu chân dân công hỏa tuyến và chiến sĩ Điện Biên năm xưa, xe ô tô của chúng tôi không còn cơ hội đi qua cung đèo lịch sử, vì hơn 10 năm trước, đèo Lũng Lô bị một cơn mưa bão lớn phá ngang, không thể khắc phục nên ngành giao thông phải thiết kế cung đèo mới.

3.jpg

Đèo Lũng Lô là ranh giới giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La, giao lộ giữa cung đèo cũ và đèo mới phía tỉnh Sơn La địa phương đang xây dựng khu di tích với văn bia bằng đá ghi dấu một thời hào hùng quân và dân ta đã vượt cung đường huyền thoại để tiến về chiến trường Điện Biên. Thời điểm chúng tôi đi qua, di tích đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể cắt băng khánh thành đúng dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

4.jpg

Tham quan đèo Lũng Lô cũ cách đó khoảng 2 km, chúng tôi được cảm nhận hết sự hùng vỹ, thấy rõ hơn sự hy sinh, vất vả của dân công hỏa tuyến, chiến sĩ Điện Biên năm xưa đến nhường nào. Từ trên đỉnh nhìn xuống chân đèo là làng bản với những nóc nhà dưới vực sâu hút, trông xa bé như đám hạt sạn, đó là những mái nhà lấp ló giữa những vạt cây cối xanh rì. Gần tới đỉnh, một vết lở núi xé toạc đèo Lũng Lô xưa tạo thành một miệng vực sâu cả trăm mét, rộng ngút tầm mắt.

Phía Sơn La, đèo Lũng Lô thuộc xã Mường Cơi, huyện Phù Yên. Cạnh đỉnh đèo cũ là một thung lũng rộng, khá bằng phẳng là nơi năm xưa bom đạn thù dội xuống như mưa để ngăn quân và dân ta hướng về Điện Biên, nay đang hồi sinh bằng những vườn cam xanh rì rào.

Ông Hoàng Cầm Thu, chủ một trong những vườn cam nơi đây bảo, đất, khí hậu ở khu vực này hợp với trồng cây ăn quả, nhất là cam, quýt. Năm 2023, gia đình thu thu hoạch 40 tấn cam, dự kiến năm nay sản lượng sẽ cao hơn, bởi cam mới ra quả bói 2 đến 3 năm. Ông Thu kể, thi thoảng làm vườn lại gặp vỏ đạn, mảnh bom Pháp năm xưa ném xuống, nhiều năm trước còn cả những bộ phận của xe, pháo hỏng ở nơi này nhưng đã bị người ta lượm đi bán sắt vụn cả.

Cách đây hơn 70 năm, ngã ba Ba Khe là khu vực bị giặc Pháp ném bom ác liệt.jpg

Những vườn cam rộng bạt ngàn hơn phải kể phía dưới chân đèo Lũng Lô thuộc phần đất thôn nông thôn mới kiểu mẫu Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Đức Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghĩa Hưng cho biết, thôn có 121 hộ thì có 50 ha quýt, trong đó có 1 hợp tác xã trồng 28 ha với chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP.

Miền đất khói lửa năm nào nay đã hồi sinh bằng cuộc sống mới với các chương trình phát triển chăn nuôi, trồng rừng và kinh tế tổng hợp để đời sống của người dân thay đổi từng ngày. Từ đầu năm 2023 đến nay, bà con thôn Nghĩa Hưng đã huy động tới 730 triệu đồng và 1.300 ngày công để cùng nguồn vốn nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, công trình văn hóa của thôn.

Có mặt tại trụ sở UBND xã Mường Cơi vào cuối ngày, đã hết giờ làm việc nhưng đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hà Phương vẫn chờ đoàn công tác dù lịch hẹn đã bị đẩy lên 2, 3 lần.

6.jpg

Tiếp sau câu chuyện Nhân dân các dân tộc xã Mường Cơi cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch mở đường phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, Bí thư Đảng ủy Hà Phương thông tin đầy tự hào về những thành tích của xã trong những năm gần đây, đó là xã đầu tiên của huyện Phù Yên về đích nông thôn mới. Đến năm 2023, xã về đích nông thôn mới nâng cao, trước đó, xã có 2 thôn đầu tiên của huyện Phù Yên là thôn Trung Tâm và thôn Tân Trường Hợp về đích nông thôn mới nâng cao.

t2.jpg

Sau khi cung cấp thông tin cho Đoàn công tác Báo Lào Cai về huyện Phù Yên cách mạng, huyện Anh hùng, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Yên Hà Ngọc Áng dặn dò: “Trên đường đi, trước khi đến ngã ba Cò Nòi, các anh nhớ thăm Di tích lịch sử rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhé”.

7.jpg

Bon bon theo Quốc lộ 37 mới được rải thảm bê tông nhựa, chỉ ít phút sau, từ thị trấn Phù Yên chúng tôi đã có mặt ở Di tích Khu rừng “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Khu di tích lịch sử mới được đầu tư xây dựng trên nền diện tích 8.000 m2, gồm cổng lớn, sân dừng chân và đường đi làm hoàn toàn bằng đá. Điểm nhấn khu di tích chính là đền thờ Đại tướng được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn rộng gần 200 m2.

8.jpg

Đây là ngôi đền hiếm hoi xây dựng theo kiến trúc nhà sàn, có thể sự tính toán phù hợp với văn hóa của địa phương, nơi có đa phần là đồng bào Mường sinh sống. Ngôi nhà lưng tựa vào núi là cánh rừng nguyên sinh, mặt quay ra thung lũng rộng với Quốc lộ 37 chạy ngang qua.

Ở phần chính điện của ngôi đền thờ là bức tượng đồng Bác Hồ và tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phần cao nhất của vòm đền thờ là hoành phi tạc 4 từ bất hủ của Đại tướng “Dĩ công vi thượng” (tạm dịch là lấy việc nước, việc công, việc dân là trên hết).

Ở dưới gầm sàn ngôi đền là bảo tàng sinh động với rất nhiều hình ảnh ghi lại từ thời kháng chiến chống Pháp của quân, dân địa phương, của huyện Phù Yên và cuộc hành quân của bộ đội ta từ vùng Đông Bắc qua Sơn La để tới chiến trường Điện Biên Phủ.

9.jpg

Đền thờ Đại tướng tại khu di tích được hoàn thành năm 2023 và giao cho Hội Cựu chiến binh xã Gia Phù, huyện Phù Yên quản lý, trông coi. Khi chúng tôi có mặt, ông Đinh Công Són, dân tộc Mường, Chi hội trưởng Chi Hội Cựu chiến binh thôn Bản Nhót, thôn trung tâm của khu rừng và cựu chiến binh Mùi Văn Lý đang ở đây để giám sát việc tu sửa một số hạng mục nhỏ chuẩn bị cho các sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; hướng dẫn du khách dâng hương, giới thiệu về di tích.

Từ khi ngôi đền được đầu tư, dường như mọi đoàn du khách qua Quốc lộ 37 đều ghé thăm, nhất là các cựu chiến binh thường chọn đường này khi về thăm chiến trường Điện Biên Phủ để vào dâng hương trước tượng Đại tướng.

Cách đây hơn 70 năm, ngã ba Ba Khe là khu vực bị giặc Pháp ném bom ác liệt (1).jpg

Theo lời kể của cựu chiến binh Đinh Công Són, thân sinh ông Són là cụ Đinh Công Nhất, đặc công nước tài ba, người từng tham gia nhiều trận đánh đồn Vạn Yên của Pháp bên bờ sông Đà thuộc xã Tân Phong, huyện Phù Yên. Trong một đêm công đồn như thế, từ dưới nước, cụ Nhất đã hy sinh khi giặc Pháp vãi đạn như mưa xuống sông. Thi thể của cụ nổi lên ít ngày sau đó, giặc Pháp cho quân đứng canh và đe dọa xử tử những ai dám đến gần. Không chùn bước, nửa đêm, một số thanh niên, phụ nữ đã khiêng thi thể người thanh niên anh hùng của bản về làm lễ hiếu rồi an táng bên bờ sông Đà, ngay dưới chân đồn Pháp.

Sau này xây dựng đập thủy điện sông Đà, gia đình chưa kịp di chuyển nên mộ cụ Nhất bị chìm sâu dưới lòng hồ. Vào ngày giỗ cụ, gia đình ông Són vẫn làm lễ vọng bên bờ sông ngay giáp với di tích đồn Vạn Yên.

Phát huy truyền thống cách mạng, ông Són nhập ngũ khi đất nước thống nhất song vẫn tham gia một số chiến dịch tiễu phỉ tại biên giới miền trung, thượng Lào trước khi phục viên về công tác tại xã Gia Phù. Niềm tự hào của ông Són vẫn giữ đến nay là bản thân được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp một số lần, trong đó có những năm tháng bảo vệ Đại tướng tại các chiến dịch tiễu phỉ và năm 1977 khi Đại tướng tới thăm Sơn La.

thay anh bài 6.jpg

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Yên, Di tích rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có diện tích 300 ha, trong đó 200 ha thuộc xã Gia Phù, số còn lại thuộc xã Suối Bau, Suối Tọ.

Đầu năm 1954, khi hành quân bí mật từ căn cứ Việt Bắc theo hướng thị xã Nghĩa Lộ qua đèo Lũng Lô để tới chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dừng chân nghỉ ở cánh rừng này. Chính khu rừng cũng là nơi quân ta sau đó ém hàng vạn quân chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực tại chiến trường Điện Biên Phủ. Nhớ ơn Đại tướng và quân đội, bà con các dân tộc xã Gia Phù và các xã lân cận từ mấy chục năm qua đã giữ gìn sự nguyên trạng của khu rừng như rừng cấm, rừng thiêng của vùng. Khu rừng còn có một số tên khác là “Rừng Đại tướng”, “Rừng ông Giáp”, “Rừng che bộ đội’.

Cựu chiến binh Mùi Văn Lý kể rằng, trước khi Nhà nước xây đền thờ Đại tướng tại điểm này, bà con đã có miếu thờ Thần rừng, được Nhân dân trong vùng thường xuyên qua lại bái thỉnh. Ngày lễ cúng rừng Đại tướng hằng năm vào ngày 14 tháng 7 (lịch âm), có năm bà con làm lễ to, mổ mấy trâu, ngựa.

Năm 2008, UBND tỉnh Sơn La công nhận khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp cấp tỉnh và đến năm 2020, cùng với nguồn xã hội hóa, địa phương quyết định đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng đền thờ tưởng nhớ vị Đại tướng tài ba từng trực tiếp chỉ huy quân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

12.jpg

Rời khu di tích lịch sử, cánh rừng Đại tướng, đoàn công tác chúng tôi tiếp tục men theo Quốc lộ 37, đường 13 huyền thoại xưa kia do những dân công hỏa tuyến, bộ đội mở bằng những vết chai sần của đôi bàn tay và của máu, mồ hôi thấm vào lòng đất để hướng về Điện Biên Phủ. Vượt qua hàng chục km đèo dốc hiểm trở chúng tôi mới tới được cầu Tạ Khoa, huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La, cây cầu vượt sông Đà với chiều dài hơn nửa cây số.

Năm xưa nơi này là những thác ghềnh hung dữ, như lời tả trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của cụ Nguyễn Tuân, sẵn sàng nhấn chìm, cuốn trôi bất kể ai ngã xuống nước nhưng nó không đủ để cản bước bộ đội ta dùng bè, mảng để vượt qua để tới chiến trường Điện Biên Phủ. Nhờ dự án thủy điện Sông Đà, cầu Tạ Khoa ngày nay bắc ngang dòng sông nước dâng phẳng lặng, xanh biếc in cả nền trời mây trắng. Các thành viên trong đoàn chúng tôi bị cảnh đẹp hối thúc nên mãi chần chừ mà không để ý mặt trời đã ngả bóng về chiều, như cuộc hành quân thần tốc, đêm nay chắc chắn chúng tôi phải có mặt chân đồi A1. Nhớ đến lộ trình, xe chúng tôi tiếp tục bon trên mặt cầu Tạ Khoa vượt sông Đà mà thấy lòng lâng lâng ngây ngất.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lắng đọng chương trình "Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây"

Lắng đọng chương trình "Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây"

Tối 17/5, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Thanh niên xung phong Thọ Lộc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Trung tâm Truyền hình Việt Nam miền Trung Tây Nguyên (VTV8) phối hợp với Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây”.

Nhiều ý kiến phân tích sâu sắc giá trị tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhiều ý kiến phân tích sâu sắc giá trị tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tại Hội thảo khoa học “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” do Tỉnh ủy tổ chức sáng 17/5 có 5 tham luận của các tác giả, nhà khoa học được trình bày trực tiếp. Các tham luận đã phân tích, làm rõ hơn giá trị của tác phẩm ở nhiều góc độ, Báo Lào Cai lược ghi nội dung chính của các bài tham luận.

Nhiều sáng kiến, cách làm hữu ích trong thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai: Nhiều sáng kiến, cách làm hữu ích trong thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu

Chiều 16/5, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai tổ chức tổng kết công tác thi đua khen thưởng và phong trào Thi đua quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đơn vị cơ sở đầu tiên của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai tổng kết công tác này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết đang rà soát để tỉnh chỉ đạo hướng khắc phục

“Cầu dẫn lũ” Kim Tân 2: Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết đang rà soát để tỉnh chỉ đạo hướng khắc phục

Vừa qua, Báo Lào Cai nhận được phản ánh bằng bài viết và hình ảnh của một số hộ dân về hiện tượng một lượng lớn nước mưa chảy từ khu vực phường Bắc Cường qua cây cầu Kim Tân 2 gây ngập úng cục bộ tại tổ dân phố số 7, phường Kim Tân. Bài viết của bạn đọc có tiêu đề là: Cây "cầu dẫn lũ” trên suối Ngòi Đum, cầu Kim Tân 2. Công năng của cầu là phục vụ giao thông, vậy sự thật của "cầu dẫn lũ” như thế nào, phóng viên Báo Lào Cai đã vào cuộc tìm hiểu.

Lực lượng vũ trang huyện Mường Khương tổ chức điểm Đại hội Thi đua quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024

Lực lượng vũ trang huyện Mường Khương tổ chức điểm Đại hội Thi đua quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 16/5, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Mường Khương tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đại hội được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chỉ đạo chọn làm điểm để rút kinh nghiệm cho các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh tổ chức đại hội trong thời gian tới.

fb yt zl tw