LCĐT - Do chồng chéo về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã dẫn đến tình trạng tranh chấp đất rừng kéo dài, thậm chí có hiện tượng lợi dụng xâm lấn đất rừng, phá rừng, khai thác rừng trái phép, biến chỗ không tranh chấp thành tranh chấp, xúi giục, lôi kéo khiếu kiện đông người, đơn thư vượt cấp…
Trong những năm qua, lâm nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 356.000 ha rừng, độ che phủ đạt 56%. Phát triển rừng kinh tế ở vùng thấp đã tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với hơn 70.000 ha, trong đó có hơn 40.000 ha quế; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân trên 12%/năm, nhiều gia đình làm giàu từ trồng rừng kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập, đặc biệt là việc đo đạc, xác định ranh giới, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao rừng, chứng nhận quyền sở hữu rừng (quy chủ rừng). Trong 15 chủ rừng lớn là các ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp thì chỉ có Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được xác lập rõ ranh giới, diện tích ngay từ khi có quyết định thành lập; các đơn vị còn lại đều nhận bàn giao, kế thừa từ các đơn vị trước đó. Quá trình quản lý, sử dụng có rất nhiều diện tích bị chồng chéo, tranh chấp, lấn chiếm...
Nhiều diện tích rừng tự nhiên bị xâm lấn, phát phá. |
Cụ thể, các ban quản lý rừng phòng hộ huyện, thị xã, thành phố tiền thân là các ban quản lý dự án 327 (Dự án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc từ năm 1992 - 1998), sau đó chuyển giao thành ban quản lý dự án 661 (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng từ năm 1998 - 2008). Đến tháng 5/2008, các ban quản lý rừng phòng hộ được thành lập trên cơ sở bàn giao nguyên trạng đất đai, tài sản, con người từ các ban quản lý dự án 661 và chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp lâm nghiệp. Tổng diện tích đất các ban quản lý rừng phòng hộ được giao quản lý trên hồ sơ là 131.100 ha, trong đó diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận) là 79.664 ha, diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận là 51.436 ha. Đất của các ban quản lý rừng phòng hộ được giao trên cơ sở chuyển nguyên trạng diện tích đất quy hoạch cho Dự án 661. Theo số liệu rà soát, thống kê sơ bộ của các huyện, thị xã, thành phố, diện tích chồng chéo với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh là 23.105 ha (các công trình xây dựng cơ bản 331 ha; đất đã được cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân 3.061 ha; đất nương, cây lâu năm, ruộng nước, ao, hồ 19.713 ha).
Các công ty lâm nghiệp tiền thân là các lâm trường, xí nghiệp khai thác, chế biến gỗ được thành lập từ thời kỳ bao cấp. Trong 23.623 ha (đã được cấp giấy chứng nhận), có 4.390 ha đất chồng chéo, tranh chấp, các công ty trả lại cho địa phương, gồm Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Bảo Thắng 94 ha; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên 2.854 ha; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn 1.442 ha. Diện tích đã cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân là 84.608,5 ha, trong đó cũng có rất nhiều thửa đất mà sơ đồ, tọa độ trên giấy chứng nhận không đúng với diện tích, vị trí người dân đang quản lý, sử dụng, mà chồng chéo với đất của tổ chức, cá nhân khác. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện về đất lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến rất nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị chồng chéo về chủ quản lý là do Dự án 327 và Dự án 661 được quy hoạch và triển khai thực hiện theo vùng; đất thực hiện dự án được hình thành từ nhiều chủ sở hữu khác nhau. Khi chuyển giao Dự án 327 sang Dự án 661 và từ Dự án 661 chuyển giao cho ban quản lý rừng phòng hộ không thực hiện bàn giao ngoài thực địa, chỉ tiếp nhận trên hồ sơ. Việc cấp giấy chứng nhận cho các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp được thực hiện từ trước năm 2011, theo kết quả rà soát trên bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, thành lập bằng ảnh hàng không, chưa xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc tọa độ mốc, đường ranh giới sử dụng đất ngoài thực địa; chưa có sự tham gia của các chủ sử dụng đất liền kề. Cơ sở dữ liệu về đất đai thiếu đồng bộ, nhiều diện tích đã được cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác nhưng không điều chỉnh trên diện tích cấp giấy chứng nhận cho ban quản lý rừng phòng hộ. Các đơn vị tư vấn đo đạc, cấp giấy chứng nhận năng lực yếu, làm không hết trách nhiệm. Diện tích đất, rừng được giao quản lý rộng, biên chế được giao ít, trình độ của cán bộ, năng lực quản lý của các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp còn hạn chế. Nhận thức của một số người dân về bảo vệ rừng còn thấp, nhu cầu đất để sản xuất nông - lâm nghiệp cao, còn tình trạng lợi dụng kẽ hở trong quản lý để xâm lấn đất, rừng. Kinh phí bảo vệ rừng, đo đạc, cấp giấy chứng nhận còn ít, trình tự, thủ tục phức tạp. Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp còn nhiều điểm quy định không thống nhất, đồng bộ, các bộ chuyên ngành hướng dẫn không rõ ràng…
Do không rõ ràng về ranh giới, diện tích, chủ quản lý nên trong những năm qua, việc quản lý, bảo vệ rừng; trồng rừng, khai thác lâm sản, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gặp rất nhiều vướng mắc. Rừng trồng đến tuổi khai thác, tỉa thưa nhưng không thực hiện được; đất trống còn nhiều nhưng việc tổ chức trồng rừng rất khó; quản lý khai thác lâm sản phụ trong rừng cũng phức tạp; người dân chưa hiểu rõ thì cho rằng chính quyền, cơ quan kiểm lâm gây khó khăn… Đồng thời, cũng tạo kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng xâm lấn đất rừng, phá rừng, khai thác rừng trái phép, biến chỗ không tranh chấp thành tranh chấp, xúi giục, lôi kéo khiếu kiện đông người, đơn, thư vượt cấp…
--------------------------
Bài cuối: Cần sớm thực hiện quy chủ rừng