Ấn Độ tung "siêu thuốc" đối phó vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh

Trong thời gian gần đây, nhiều đơn vị tại Ấn Độ đã sáng chế ra các loại thuốc có tiềm năng lớn trong chống lại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thuốc kháng sinh từng được ca ngợi là vị cứu tinh của y học. Nhưng thuốc kháng sinh đang phải đối mặt với “kẻ thù xảo quyệt” là những vi khuẩn đột biến, thích nghi và vượt mặt chính những loại thuốc được thiết kế để đánh bại chúng và chữa khỏi các bệnh nhiễm trùng mà chúng gây ra.

Theo tạp chí y khoa The Lancet, siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đã trực tiếp gây ra 1,14 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2021. Thuốc kháng sinh - được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng - không có tác dụng với hầu hết các trường hợp này.

Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vi khuẩn kháng kháng sinh. Chỉ riêng trong năm 2019, nhiễm trùng do vi khuẩn kháng kháng sinh đã gây ra khoảng 300.000 ca tử vong. Mỗi năm, có đến 60.000 trẻ sơ sinh thiệt mạng do vi khuẩn kháng kháng sinh.

Tuy nhiên, hy vọng đang dần ló rạng. Một loạt loại thuốc mới đầy triển vọng do Ấn Độ phát triển đang chứng tỏ tiềm năng trong cuộc chiến chống lại các mầm bệnh kháng kháng sinh.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) gần đây đã phê duyệt thuốc kháng sinh Enmetazobactam, do công ty Orchid Pharma tại Chennai phát triển. Loại thuốc tiêm này được sử dụng để điều trị các bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), viêm phổi và nhiễm trùng máu. Enmetazobactam tấn công vào cơ chế phòng thủ của vi khuẩn thay vì tiêu diệt trực tiếp chúng.

Thông thường, vi khuẩn sản sinh ra các enzym như beta-lactamase để đối phó với kháng sinh. Nhưng Enmetazobactam liên kết chặt chẽ với những enzym này, vô hiệu hóa chúng, từ đó giúp kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn một cách hiệu quả.

Nói một cách đơn giản, Enmetazobactam vô hiệu hóa "vũ khí" của vi khuẩn. Đồng thời, nó cũng giúp bảo toàn hiệu quả của các loại kháng sinh khác, bao gồm cả carbapenem - được xem là “tuyến phòng thủ cuối cùng” đáng tin cậy.

Các thử nghiệm thực hiện tại 19 quốc gia, với hơn 1.000 bệnh nhân tham gia, đã chứng minh hiệu quả của loại thuốc này và được nhiều cơ quan quản lý toàn cầu chấp thuận. Bác sĩ Maneesh Paul, người tham gia sáng chế Enmetazobactam chia sẻ: “Loại thuốc này cho thấy sức mạnh đáng kinh ngạc trong việc chống lại các loại vi khuẩn đã tiến hóa qua nhiều năm. Thuốc được truyền qua tĩnh mạch (IV) tại bệnh viện, dành riêng cho các bệnh nhân nguy kịch”.

Công ty Wockhardt có trụ sở tại Mumbai đang thử nghiệm một loại kháng sinh mới mang tên Zaynich, được kỳ vọng có thể đối phó với bệnh nhiễm vi khuẩn kháng thuốc nghiêm trọng. Sau hơn 25 năm nghiên cứu và phát triển, loại thuốc này hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba và dự kiến sẽ được ra mắt vào năm tới.

Ông Habib Khorakiwala, người sáng lập Wockhardt, đã gọi Zaynich là "kháng sinh mới mang tính đột phá, độc nhất vô nhị được thiết kế để chống lại tất cả các loại siêu vi khuẩn". Thuốc đã được dùng vì lý do nhân đạo cho 30 bệnh nhân nguy kịch ở Ấn Độ, những người không đáp ứng với bất kỳ loại kháng sinh nào khác. Thật đáng kinh ngạc, tất cả đều sống sót. "Điều này sẽ khiến Ấn Độ tự hào", ông Khorakiwala phấn khởi nói.

Công ty dược phẩm sinh học Bugworks Research với 30 nhân lực tại Bengaluru đã hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận GARDP trụ sở tại Thụy Sĩ để phát triển kháng sinh mới, điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh nghiêm trọng. Loại thuốc này đang ở giai đoạn thử nghiệm đầu tiên và dự kiến sẽ mất từ 5 - 8 năm để đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, ngoài việc phát triển thuốc chống vi khuẩn kháng kháng sinh, nhiều bác sĩ cho rằng Ấn Độ cần thay đổi tình trạng kê đơn thuốc. Việc sử dụng tràn lan kháng sinh phổ rộng, vốn nhắm vào nhiều loại vi khuẩn nhưng có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi, gây ra tác dụng phụ và tăng khả năng kháng thuốc, thúc đẩy tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Thay vào đó, các bác sĩ cho biết, nên ưu tiên kháng sinh phổ hẹp. Nhưng các bệnh viện thường thiếu kháng sinh đồ - hướng dẫn sử dụng kháng sinh dựa trên vi sinh học - buộc các bác sĩ phải kê đơn một cách "chung chung và mù quáng".

Thông điệp ở đây rất rõ ràng, nếu không hành động khẩn cấp, chúng ta sẽ có nguy cơ phải đối mặt với tương lai mà ngay cả những bệnh nhiễm trùng tương đối nhỏ cũng có thể trở nên khó chữa khỏi.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nhiều trường hợp ngộ độc do ăn cây dại, quả rừng

Nhiều trường hợp ngộ độc do ăn cây dại, quả rừng

Thời gian qua, nhiều trường hợp do ăn nhầm lá hoa thủy tiên, hoa chuông, cây, hoa quả rừng không rõ nguồn gốc dẫn đến bị ngộ độc nặng, thậm chí tử vong. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn các loài cây dại, quả rừng khi không biết rõ nguồn gốc.

Góp phần giảm tỷ lệ và mức độ khuyết tật trong cộng đồng

Nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12): Góp phần giảm tỷ lệ và mức độ khuyết tật trong cộng đồng

Thời gian qua, ngành y tế đã chú trọng triển khai hoạt động khám sàng lọc khuyết tật, tư vấn trong cộng đồng, giúp người khuyết tật tiếp cận sớm các dịch vụ kỹ thuật điều trị, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người khuyết tật.

Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100%

Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100%

Từ năm 2025, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng.

Chung tay đẩy lùi mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng

Nhân ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12): Chung tay đẩy lùi mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) nhiều hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do lây nhiễm HIV, kêu gọi sự chung tay phòng, chống HIV/AIDS tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng.

Bộ Y tế yêu cầu kiểm soát lây nhiễm sởi trong bệnh viện

Bộ Y tế yêu cầu kiểm soát lây nhiễm sởi trong bệnh viện

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

fb yt zl tw