Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành, ban HĐND tỉnh, địa phương trong tỉnh và đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Sau nhiều năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và sửa đổi, bổ sung đã nhận sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân ở khắp mọi miền đất nước; hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình áp dụng luật vào thực tế tại các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc còn phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc trong từng lĩnh vực.
Trên cơ sở nội dung dự thảo, đồng chí đề nghị đại biểu dự hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận những điều khoản chính; vấn đề liên quan, khó khăn vướng mắc đối với các luật và có những đề xuất, kiến nghị để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lắng nghe, tiếp thu và kịp thời phản ánh, thông tin, báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến đối với một số điều, khoản của dự thảo luật. Trong đó đề nghị xem xét bổ sung quy định về khoảng cách tối thiểu của các công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng tới di tích để làm cơ sở thẩm định, đánh giá tác động các công trình xây dựng, dự án phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương (Điều 28); bổ sung thẩm quyền chấp nhận việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật đối với di tích nằm trong danh mục kiểm kê (Điều 30); xem xét, quy định lại việc kiểm kê thường xuyên hằng năm, nên quy định 3 - 5 năm/lần là phù hợp với các địa phương (Điều 22).
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm điều khoản quy định về đầu tư, khai thác phát huy giá trị của di tích. Ngoài ra, ở các Điều 25, 26, 27, 28, 29 đã nêu rất đầy đủ về việc quản lý, bảo vệ khu vực I và II của di tích. Tuy nhiên, về thực tế cho thấy nhiều di tích có giáp ranh giữa 2 tỉnh nên đề nghị bổ sung nội dung quản lý đối với trường hợp di tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh trở lên.
Đối với chương V, chưa có một điều nào quy định về “Bảo tàng sinh thái”. Đại biểu cho rằng, loại hình bảo tàng mới này đang bắt đầu xuất hiện. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung điều khoản quy định về loại hình bảo tàng sinh thái cho phù hợp với thực tế.
Đại biểu cũng chỉ rõ một số nội dung còn có liên quan, vướng mắc giữa Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và đề xuất nội dung cần điều chỉnh để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng dân cư nơi có di sản văn hóa và bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa.
Các ý kiến góp ý của đại biểu tại hội nghị sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu và có đề xuất điều chỉnh, bổ sung, góp phần hoàn chỉnh dự thảo luật.