Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) cho biết các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước đã cho ý kiến về dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035.
Trước đó Bộ VH-TT&DL có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước cho ý kiến, tổng mức đầu tư cho chương trình được đưa ra là 350.000 tỉ đồng.
Nội dung tiếp thu giải trình còn thuyết minh sơ sài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có công văn hỏa tốc gửi đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) về việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ VH-TT&DL giải trình, bổ sung, làm rõ một số nội dung của báo cáo. Cụ thể, đề nghị Bộ VH-TT&DL rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu của chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình.
Về mục tiêu chương trình, Bộ Nội Vụ cho biết, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (ĐXCTĐT) chương trình đã được Bộ VH-TT&DL tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, cơ quan. Tuy nhiên, nội dung tiếp thu giải trình còn thuyết minh sơ sài, chưa rõ ý. Một số nội dung vẫn chưa giải trình tiếp thu đầy đủ.
Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ VH-TT&DL làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức vốn đầu tư chương trình; rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư chương trình theo hướng chia theo từng nguồn vốn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể, thống nhất tại các tài liệu.
“Báo cáo thẩm định của Bộ VH-TT&DL chỉ nêu chủ quan là các giải pháp phù hợp nhưng không đánh giá được sự phù hợp của giải pháp nêu trong Báo cáo cũng như tính khả thi của giải pháp; chưa nêu được trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình”- công văn của Bộ KH&ĐT nêu.
Tham gia ý kiến về Báo cáo của Bộ VH-TT&DL, Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế, phải triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo việc bố trí nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.
Bỏ từ "chấn hưng, "phát triển"
Tại phần đánh giá về sự xâm lấn của sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài, Bộ Công An đề nghị nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung một số nội dung: “Những yếu tố ngoại lai có điều kiện xâm nhập, phát triển, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa tinh thần xã hội.
“Những “nọc độc” về văn hóa, chính trị thâm nhập vào bằng nhiều con đường, với nhiều hình thức tinh vi khác nhau, làm cho tư tưởng, đạo đức lối sống con người dễ bị nhiễm độc.
Sự tha hóa về đạo đức, sự lãng quên các giá trị truyền thống, “thị trường hóa” các giá trị nhân văn, sự xuống cấp về giáo dục và thiếu vắng một “hệ giá trị Việt Nam” không những đang cản trở việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà còn thẩm thấu vào nền tảng xã hội, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”- Văn bản của Bộ Công an đánh giá.
Đề cập đến hiệu quả đầu tư của Chương trình, Bộ Y tế sau khi trích dẫn tổng số tiền huy động, thời gian thực hiện, cũng bày tỏ: Đối với lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực khó đo lường kết quả đầu ra, đề nghị làm rõ nội hàm các tiêu chí đánh giá hiệu quả để đảm bảo Chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, phù hợp với người dân Việt Nam.
Tham gia ý kiến, Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đề cập đến định hướng đầu tư của Chương trình. Đơn vị này cho rằng, Chương trình dành phần lớn kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng ....cần đánh giá một cách thận trọng.
Đơn vị này lý giải, đối với đầu tư hạ tầng, đây là việc làm cần thiết nhưng thiếu cân đối vì việc tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng.
“Thực tế cho thấy, các công trình văn hóa “hiện đại” như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như chương trình Nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương”- ý kiến của Viện Nghiên cứu văn hóa nêu.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, các bảo tàng, nhà hát cũng không hoạt động thường xuyên do chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Viện Nghiên cứu văn hóa cũng nêu ý kiến cho rằng nên đặt tên Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035, bỏ từ "chấn hưng, phát triển". Đơn vị này lý giải, sở dĩ bỏ hai từ này vì thể hiện quan điểm “chọn lọc”, một quan điểm không phù hợp trong lĩnh vực văn hóa khi có khả năng dẫn đến sự “đồng phục” hóa văn hóa, trái ngược với quan điểm tôn trọng đa dạng văn hóa.