Dự và chủ trì vòng chấm chung khảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Báo Văn hóa, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải cho biết, ngày 11/7/2024, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký Quyết định số 1910/QĐ-BTCGBC thành lập Hội đồng sơ khảo giải gồm 5 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh.
Kể từ ngày phát động, Giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, các phóng viên nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước, với các tác phẩm dự giải được đăng, phát trên các loại hình báo chí từ ngày 1/7/2023 đến 15/6/2024. Đến hết ngày gửi tác phẩm dự thi, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 920 tác phẩm dự giải.
“Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch” - ông Nguyễn Anh Vũ thông tin.
Sau vòng chấm sơ khảo (từ ngày 15/7 đến 24/7/2024), Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn 119 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng chung khảo. Trong đó, báo in chọn 27 tác phẩm; báo điện tử chọn 26 tác phẩm; phát thanh chọn 22 tác phẩm; truyền hình chọn 25 tác phẩm; báo ảnh chọn 19 tác phẩm.
Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng sơ khảo đánh giá, tác phẩm dự giải năm nay không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương.
Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác như: vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới; vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; thực trạng của ngành thể thao và du lịch Việt Nam giai đoạn sau dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các đề tài về gìn giữ, phát huy, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa 54 dân tộc nói riêng; xây dựng nền công nghiệp giải trí, thị trường điện ảnh, thị trường sách và văn hóa đọc; phát triển du lịch, thể thao, xây dựng gia đình, bảo vệ trẻ em…; chuyển đổi số trong trong lĩnh vực văn hóa, những mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển du lịch, văn hóa, thể thao…; đề tài gia đình với những tấm gương sống hiếu thảo, nghĩa tình với cha mẹ, hướng độc giả tới những giá trị chân thiện mỹ trong cuộc sống… cũng được nhiều tác giả/ nhóm tác giả quan tâm khai thác.
Các tiểu ban Hội đồng sơ khảo đề xuất Ban tổ chức nên có những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích đội ngũ phóng viên, nhà báo sáng tạo các tác phẩm chủ đề về gia đình, trẻ em và thể thao nhiều hơn nữa, nhằm cân đối lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực còn lại, giúp Giải phản ánh đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực của ngành.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông về nội dung Giải đến các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, nhất là các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên để khuyến khích gửi tác phẩm dự thi cho các mùa giải tiếp theo.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng chung khảo nhận định, công tác chấm sơ khảo, chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai diễn ra chuyên nghiệp, bài bản, đề cao tính chuyên môn; quy tụ được những nhà báo có thâm niên, uy tín. Từ vòng sơ khảo, các thành viên Hội đồng đã thực hiện công tác chấm theo hướng chặt chẽ. Sau đó, Hội đồng chung khảo tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng nhằm chọn ra những tác phẩm có chất lượng tốt nhất.
Nhà báo Lê Quốc Minh đánh giá, chủ đề các tác phẩm dự thi năm nay có sự đa dạng, mang tính bao trùm, thể hiện được những định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển văn hóa. Các bài viết cũng đề cập đầy đủ những vấn đề từ vĩ mô cho đến những vấn đề trong đời sống văn hóa thường ngày, các hoạt động, sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch. Nhiều tuyến bài, bài viết có tính chất gợi mở.
Năm nay, sự tham gia của các cơ quan báo chí địa phương cũng mạnh mẽ hơn. Nhiều tác phẩm dự Giải của cơ quan báo chí địa phương được đánh giá có chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Thậm chí, giải lần này thu hút cả sự tham gia của cơ quan báo chí cấp huyện.
Nhà báo Lê Quốc Minh mong muốn các cơ quan báo chí dành thời lượng, dung lượng nhiều hơn và có những cách thức biểu đạt đa dạng hơn về các vấn đề văn hóa, không nhất thiết phải nói trực tiếp về văn hóa mà có thể là “tính văn hóa” trong các lĩnh vực như kinh tế, du lịch...
“Những tuyến bài cũng cần đi theo hướng báo chí giải pháp, đưa ra được những định hướng, giải pháp trong thời buổi công nghệ phát triển nhanh, sự quan tâm của giới trẻ đối với văn hóa không thể theo cách thức truyền thống như trước. Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí, các tác giả, nhóm tác giả gợi ý những giải pháp, hoặc thông qua chuyên gia gợi ý các giải pháp để ngành văn hóa ở cấp Trung ương, địa phương cũng như các ngành liên quan có thể tham khảo, từ đó đẩy nhanh cách thức phát triển hiệu quả văn hóa trong tương lai” - nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Được biết, kết quả của vòng chung khảo sẽ được công bố tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai, diễn ra tối 28/8/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.