1. Bầu cử Tổng thống Mỹ
Ban đầu, bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 là cuộc cạnh tranh giữa đương kim Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump-ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Song đến cuối tháng 7, ông Biden từ bỏ nỗ lực tái tranh cử và nhường chỗ cho “cấp phó” Kamala Harris.
Dù xếp sau đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận trước ngày bỏ phiếu quốc gia 5-11, ông Trump đã giành chiến thắng áp đảo, đánh bại bà Harris cả về tổng số phiếu đại cử tri lẫn số phiếu phổ thông để trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ. Tuyên bố đầy tự tin “Nước Mỹ sẽ trở lại và vĩ đại hơn bao giờ hết!” của ông Trump trong đêm chiến thắng không chỉ là khẩu hiệu tranh cử mà còn báo hiệu những thay đổi sâu sắc về đối nội và đối ngoại của Washington thời gian tới.
2. Chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài
Gần 3 năm trôi qua, Nga vẫn chưa tuyên bố đạt được mục tiêu ban đầu đề ra đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, đến cuối năm nay đã xuất hiện tín hiệu hòa bình tích cực khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu cho rằng Slovakia là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai về giải quyết xung đột Ukraine. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng lần đầu để ngỏ khả năng ngừng bắn với Nga.
3. Năm nóng nhất lịch sử nhân loại
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tính toán nền nhiệt trung bình toàn thế giới trong năm 2024 có thể tăng thêm 1,55 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, phá vỡ kỷ lục của năm 2023, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Khi trái đất càng ấm lên, thời tiết càng thay đổi thất thường, khó dự đoán. Hàng loạt thiên tai khắc nghiệt như hạn hán, nắng nóng, lũ lụt, siêu bão xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
4. Trung Đông “rực lửa”
Cuộc xung đột Israel-Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khi đó, Israel và Iran nhiều lần "ăn miếng trả miếng" bằng các cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ của nhau. Đồng thời, quân đội Israel cũng tiếp tục giao tranh với nhóm Houthi tại Yemen và tổ chức Hezbollah tại Lebanon. Ở Syria, phe đối lập đã lật đổ chính quyền, chiếm thủ đô Damascus, buộc Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước, qua đó chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm và hơn 50 năm cầm quyền của gia tộc Assad. Tình hình xung đột lan rộng tại Trung Đông đã để lại những vết sẹo sâu sắc về nhiều mặt tại khu vực.
5. Kinh tế toàn cầu giữ vững nhịp tăng trưởng
Năm 2024 ghi nhận hàng loạt biến động, từ Mỹ, châu Âu giảm lãi suất sau nhiều năm đến Đức vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng tích cực. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay ước đạt 3,2%, nhỉnh hơn so với mức 3,1% vào năm ngoái.
6. Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về AI
Ngày 21-3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng hình thức đồng thuận một nghị quyết mang tính bước ngoặt về việc thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy” nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Nghị quyết là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI.
7. Chương sử mới về khám phá mặt trăng
Ngành không gian vũ trụ của Trung Quốc viết chương sử mới khi tàu vũ trụ Thường Nga-6 thu thập thành công các mẫu vật từ vùng khuất của mặt trăng và trở về trái đất vào ngày 25-6. Đây là thành tựu lần đầu tiên đạt được trong lịch sử nhân loại. Các mẫu vật này đã hé lộ dấu vết của hoạt động núi lửa mạnh mẽ trên mặt trăng cách đây khoảng 2,8 tỷ năm, mở ra những hướng nghiên cứu mới về quá trình tiến hóa địa chất của thiên thể gần trái đất nhất này.
8. Sự trỗi dậy của phe cực hữu ở châu Âu
Các đảng cánh hữu, cực hữu và phong trào dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy trong cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) và giành chiến thắng tại hàng loạt nước, trong đó có các thành viên hàng đầu của khối như Pháp, Đức. Trước sự gia tăng vị thế của phe cực hữu, những năm tới, nhiều dự án và chương trình hoạt động của EU sẽ khó khăn hơn để có thể được thông qua tại Nghị viện châu Âu (EP), trong đó có Thỏa thuận xanh về năng lượng và môi trường; vấn đề nhập cư, di cư; ngoại giao; hợp tác quốc tế.
9. BRICS mở rộng thành viên
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đầu năm nay, BRICS chính thức chào đón thêm các thành viên mới là Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Hiện nay, nhiều quốc gia khác cũng đang ngỏ ý tham gia BRICS, qua đó thể hiện tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của khối này trên trường quốc tế.
10. Triều Tiên coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”
Ngày 17-10, Hội đồng Nhân dân Tối cao, tức Quốc hội Triều Tiên đã sửa đổi Hiến pháp, trong đó chỉ định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Động thái này được đưa ra sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ mục tiêu thống nhất bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng ngày một leo thang với Hàn Quốc. Hiện quan hệ liên Triều đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.