Để PNTN có rất nhiều biện pháp, trước hết là biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cho mọi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức Nhà nước và nhân dân cùng tham gia vào công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN). Vì vậy, PNTN được tiến hành dưới hình thức phòng ngừa theo đối tượng, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật đấu tranh PCTN. PNTN còn bao gồm cả việc phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm để nâng cao chất lượng công tác đấu tranh PCTN toàn diện và sâu rộng.
Hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTN chủ yếu thông qua việc tổ chức các hội nghị, lớp học; cấp phát tài liệu, tờ rơi; đưa nội dung giáo dục pháp luật về PCTN vào trong các nhà trường, cơ sở đào tạo hoặc thông qua việc tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên báo chí, phát thanh truyền hình; lồng ghép vào các cuộc họp chi bộ, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Phương pháp này đang được các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Đặc biệt là việc công khai xét xử các phiên tòa lưu động ở cơ sở từ vùng thấp tới vùng cao trong tỉnh đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tiếp đó, phải kể đến biện pháp công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhất để PNTN.
Thông qua việc công khai, minh bạch các quy chế chi tiêu, thu nhập của cơ quan, đơn vị, cá nhân giúp phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp phòng ngừa.
Từ đó, tạo điều kiện giúp các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn cũng như các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và luân chuyển, điều động vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức để PNTN.
Đây cũng là việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh thời gian qua. Những vị trí công tác nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: kế toán, địa chính, đào tạo sát hạch, đăng kiểm, xây dựng cơ bản... đều bảo đảm thực hiện luân chuyển để giảm tối đa tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều địa phương, cơ quan thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ những vị trí nhạy cảm này như: huyện Lục Yên, Văn Yên, Sở Giao thông Vận tải, ngành ngân hàng...
Một biện pháp cũng được xem có tác dụng tích cực trong PNTN là biện pháp quy định và thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Theo đó, trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thế, việc nêu cao tinh thần gương mẫu và ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức là vô cùng quan trọng trong công tác đấu tranh PCTN.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi cán bộ, đảng viên cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đang ra sức học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 vào cuộc sống thì ý thức trách nhiệm, ý thức nêu gương và vai trò của người đứng đầu càng phải được coi trọng.
Cuối cùng là vấn đề về cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán là biện pháp tích cực trong PNTN. Bởi thực hiện biện pháp này sẽ tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh việc phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương, góp phần công khai, đơn giản hóa và hoàn thiện các thủ tục hành chính; quy định cụ thể trách nhiệm của từng chức danh trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ sẽ tạo thuận lợi để người dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giảm tối đa quá trình tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết các công việc với cán bộ, công chức, viên chức.
Việc đổi mới phương thức thanh toán thông qua tài khoản tại ngân hàng, kho bạc vừa góp phần giảm phiền hà, chi phí, thời gian đi lại cho tập thể cơ quan, đơn vị và cá nhân vừa bảo đảm an toàn và chống được tệ tham nhũng.
Thực hiện tốt các biện pháp PNTN ở trên sẽ góp phần tích cực trong đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần ổn định chính trị và củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, vừa hồng vừa chuyên.
Thanh Hương