Xuất bản ấn phẩm quý nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản ấn phẩm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tướng, GS.TS. Nguyễn Chí Vịnh tuyển chọn bài viết.

sach-1550.jpg
Bìa ấn phẩm "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Cuốn sách là một ấn phẩm quý để tưởng nhớ công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng (1/1/1914-1/1/2024).

Nội dung cuốn sách gồm hai phần.

Phần thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, lý luận, gồm các bài nói, bài viết tiêu biểu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy và Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền nam Việt Nam với các bút danh như: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Chí Thanh, Trường Sơn, Sáu Di, Người quan sát, D400, S.K.Z, Bến Tre...

Các bài viết của Đại tướng thể hiện tư duy biện chứng về khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược của một nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam; thể hiện tính lý luận sắc bén, tính thực tiễn phong phú, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Phần thứ hai: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các bài viết khẳng định công lao to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người cộng sản kiên cường, đem hết sức mình cống hiến không mệt mỏi cho Đảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc; đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cá nhân; luôn không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, thâm nhập thực tế, sâu sát cơ sở; thực hiện lời nói đi đôi với việc làm..., hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nguyễn Chí Thanh là tên gọi do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho vị tướng tài ba của quân đội ta. Ông tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế).

Sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng, Nguyễn Vịnh tham gia cách mạng khi mới vừa tròn 20 tuổi, và hoạt động tích cực trong các phong trào đấu tranh do Đảng phát động, lãnh đạo.

Lần lượt với vai trò là Bí thư Chi bộ Niêm Phò - tổ chức đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thừa Thiên chống ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều nổ ra mạnh mẽ.

Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Cũng tại đây, đồng chí Nguyễn Vịnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Năm 1947, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên. Đồng chí đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí cách mạng quật cường của đồng bào ta, gây dựng lại phong trào cách mạng ở Thừa Thiên - Huế và chỉ đạo xoay chuyển tình thế, tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên.

Từ những năm 1950-1960, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh, đồng thời là Phó Bí thư Tổng Chính ủy. Trong suốt thời gian giữ cương vị này, cùng với Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị, đồng chí góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, vững vàng vượt qua mọi thử thách cam go, làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến; đưa hoạt động công tác đảng, công tác chính trị thực sự trở thành “linh hồn, mạch sống của quân đội”.

Giữa những năm 1960, đồng chí được cử vào miền nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền nam khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ quyết liệt. Đồng chí đã cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực.

Những tư tưởng chỉ đạo tác chiến mang đậm dấu ấn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “cứ đánh Mỹ khắc tìm ra cách đánh hay”, từ đó hình thành các “vành đai diệt Mỹ” mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và dân tộc ta. Những phân tích, nhận định, đánh giá tình hình chiến trường miền Nam của đồng chí đã giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam.

Suốt cuộc đời của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết mình cho dân tộc và Tổ quốc. Dù trên bất kỳ cương vị nào, ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm nóng bỏng nhất, Đại tướng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hơn 30 năm cống hiến cho Đảng, cách mạng và nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; nhà lãnh đạo, chỉ huy tài năng, mưu lược; một người con ưu tú của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất và Huân chương Quân công hạng Nhất...

Cuốn sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam được biên soạn, xuất bản góp thêm một tư liệu quý vào việc tiếp tục làm rõ cuộc đời, sự nghiệp, phẩm chất và những đóng góp, cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với Đảng, cách mạng và nhân dân Việt Nam.

Theo Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nghề làm mã ở Bảo Hà

Nghề làm mã ở Bảo Hà

Cầm tinh tuổi Ngọ, như lời ông nói đó cũng là nhân duyên khi ông được coi là người đầu tiên đưa nghề làm mã về đất Bảo Hà. Năm nay đã gần 60 tuổi, ông Trần Văn Nghị ở bản Bảo Vinh, xã Bảo Hà (Bảo Yên) hào hứng nhớ lại câu chuyện của 24 năm về trước, ông khăn gói về Yên Bái học nghề đan và làm mã.

Thưởng trà, ngắm tranh - sức hút mới từ thú vui tao nhã

Thưởng trà, ngắm tranh - sức hút mới từ thú vui tao nhã

Văn hóa thưởng trà của người Việt vốn ấm cúng, gần gũi và mộc mạc. Trải qua thời gian, văn hóa ấy không ngừng được bổ sung những giá trị mới. Trong đó, có thể tới nhiều mô hình: thưởng trà nghe nhạc, thưởng trà mạn đàm, thưởng trà vịnh thơ... và thời gian gần đây còn là "trà - tranh"một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Thành phố Lào Cai là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa. Sự đa sắc màu của tộc người, với những lễ hội độc đáo, nét văn hóa riêng biệt đã làm nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc của thành phố biên cương. Để tiếp nối mạch nguồn lặng lẽ chảy suốt ngàn năm, thành phố Lào Cai đã và đang bảo tồn, phát huy các giá trị để văn hóa thực sự là nền tảng, là trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển.

Đưa văn học thiếu nhi ra biển lớn

Đưa văn học thiếu nhi ra biển lớn

Suốt một thời gian dài, văn học thiếu nhi có phần bị xao nhãng, thậm chí bỏ trống. Tuy nhiên gần đây, với nhiều giải thưởng và nhất là văn học thiếu nhi của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài cho thấy con đường ra biển lớn đã rộng mở.

Bế mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII: Trao 10 giải cho các bộ phim, diễn viên, đạo diễn xuất sắc

Bế mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII: Trao 10 giải cho các bộ phim, diễn viên, đạo diễn xuất sắc

Tối 11/11, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ bế mạc và trao giải thưởng Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể và thành phố Hà Nội cùng đông đảo các nghệ sĩ, người làm điện ảnh, người yêu điện ảnh trong nước và quốc tế tham dự.

Những “nàng Bân” thời hiện đại

Những “nàng Bân” thời hiện đại

Một ngày cuối thu, tôi ghé thăm căn phòng ở tầng 3 căn hộ của Khu đô thị Bitexco (thành phố Lào Cai) nơi có hơn 20 thành viên của xưởng “Núi Rừng Handmade” đang miệt mài với công việc móc len. Nhìn ánh mắt chăm chú vào từng sợi len, kim móc, những đôi tay dẻo dai, thoăn thoắt khiến tôi nhớ đến câu chuyện về nàng Bân đan áo cho chồng.

Say cùng "Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya"

Say cùng "Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya"

Tối 9/11, chương trình “Vũ khúc dã quỳ-Chư Đang Ya 2024” đã diễn ra trong sự hào hứng chờ đón của hàng ngàn khán giả tại sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây là sự kiện điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya 2024.

fbytzltw