Ngày 9/8/2024, Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ Phạm Việt Cường, 47 tuổi; Vũ Thị Loan, 43 tuổi; Trần Thị Liên Chi, 47 tuổi, với cáo buộc lập nhiều công ty “ma”, mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng mặt hàng vật liệu xây dựng, tổng giá trị lên tới 11.000 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 9/2023 đến nay, Công ty TNHH Khai thác và Thương mại Tân Lang (do Phạm Việt Cường làm phó giám đốc) không hoạt động kinh doanh mà chỉ mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống của 2/40 công ty “ma”, chủ yếu về mặt hàng vật liệu xây dựng, sỏi, đá.
Đối tượng Cường mua các hóa đơn này từ Trần Thị Liên Chi và một số người khác, tổng giá trị 75 tỷ đồng; sau đó, Cường bán lại cho các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành, thu lợi từ 5% đến 7%. Cơ quan điều tra xác định, Vũ Thị Loan (kế toán hai công ty là Tân Lang và Việt Khôi) đã giúp Cường theo dõi việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống và nhận, chuyển tiền qua tài khoản của hai công ty cũng như tài khoản cá nhân của kế toán Loan.
Trên thực tế, hoạt động mua bán hóa đơn giá trị gia tăng đã diễn ra nhiều năm qua và được các đối tượng thực hiện với nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm thu lợi bất chính. Trước đó, vào ngày 8/7/2024, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa 39 bị cáo ra xét xử trong vụ án liên quan đến hoạt động in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; trốn thuế và tuyên phạt các bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang 5 năm tù, Hoàng Ngọc Phượng Trân (em ruột Trang) 4 năm tù và Ngô Thị Bích Thủy (kế toán) 4 năm 6 tháng tù về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; bị cáo Đỗ Thị Cát Trinh (cựu cán bộ thuế quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) lĩnh một năm 6 tháng tù về tội Mua bán trái phép hóa đơn; 35 bị cáo còn lại bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 9 tháng treo đến 5 năm tù về các tội mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế.
Theo cáo trạng, từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2023, Trang sử dụng giấy tờ tùy thân của người quen hoặc mua tại các tiệm cầm đồ; mua lại các pháp nhân cũ rồi thuê Thủy làm thủ tục thành lập pháp nhân mới, thay đổi pháp nhân. Các công ty này không hoạt động kinh doanh mà thành lập chỉ để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống (không thực hiện việc mua bán, giao nhận hàng hóa, dịch vụ), thu lợi bất chính.
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình điều tra các vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng cho thấy, tại nhiều vụ án, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với sự tham gia của một số cán bộ nhà nước.
Sau khi lập các công ty “ma”, Trang tìm khách hàng theo thông tin trên mạng, liên hệ qua mạng xã hội để chào bán hóa đơn giá trị gia tăng khống với giá từ 1,5-2% tổng trị giá ghi khống trên hóa đơn trước thuế. Để tránh bị cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện, mỗi công ty “ma” chỉ tồn tại khoảng từ 3-4 tháng thì Trang đóng mã số thuế, ngừng giao dịch. Cơ quan điều tra xác định, Trang đã sử dụng 41 công ty “ma” đăng ký tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai để thực hiện việc mua bán hóa đơn khống; trong đó, 31 công ty tại TP Hồ Chí Minh đã xuất khống 35.273 hóa đơn giá trị gia tăng cho hơn 6.476 cá nhân/tổ chức; tổng trị giá hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn trước thuế giá trị gia tăng là hơn 4.035 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 389 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 60 đến hơn 80 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình điều tra các vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng cho thấy, tại nhiều vụ án, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với sự tham gia của một số cán bộ nhà nước mà vụ án mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và đưa hối lộ xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương khác do Trương Xuân Đước cầm đầu là một thí dụ.
Tại vụ án này, đối tượng Đước và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh đã thành lập 26 công ty “ma” để thực hiện hành vi mua bán trái phép hơn 15.600 tờ hóa đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền hàng giao dịch ghi trên hóa đơn hơn 6.000 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng sau khi trừ hết chi phí. Để thực hiện hành vi phạm tội, vợ chồng Đước đã cấu kết với Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng) Nguyễn Đình Đương và cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải Đỗ Thanh Hoài để được hướng dẫn cách thức kê khai thuế không bị cơ quan nhà nước phát hiện hoạt động mua bán hóa đơn trái phép.
Đổi lại, hằng tháng, đối tượng Đước đưa tiền cho hai cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải với tỷ lệ 3 triệu đồng cho một tỷ đồng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn. Tại vụ án này, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt, Trương Xuân Đước 7 năm tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và tội đưa hối lộ. Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước) 3 năm 3 tháng tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ, thu nộp ngân sách nhà nước và tội đưa hối lộ; Nguyễn Đình Đương 5 năm tù về tội nhận hối lộ.
Trước tính chất phức tạp của các vụ việc liên quan đến mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, vừa qua, Tổng cục Thuế đã có Công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp, trong đó công bố danh sách 113 doanh nghiệp bán trái phép hóa đơn. Trước đó, năm 2023 Tổng cục Thuế cũng đã công khai danh sách 524 doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn. Để tiếp tục xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử, thu thập hóa đơn giấy của 113 công ty mới công bố danh sách, để áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo quy định; trường hợp phát hiện tổ chức, đơn vị nào có sử dụng hóa đơn của 113 công ty trên đây để kê khai thuế thì xem xét, xử lý thuế, hóa đơn theo quy định.
Theo các chuyên gia về pháp luật, bên cạnh các biện pháp tăng cường siết chặt công tác quản lý sử dụng hóa đơn để chống thất thu thuế, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chương trình phối hợp giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành liên quan nhằm trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu, truy vết những người nộp thuế có dấu hiệu mua bán hóa đơn, góp phần phòng ngừa, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực quản lý thuế và hóa đơn.