Trên địa bàn thành phố hiện có 9 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh. Năm 2018, thành phố được công nhận là Khu Du lịch cấp tỉnh. Đây là tiền đề để phấn đấu xây dựng thành phố trở thành khu du lịch quốc gia và khai thác, phát triển các tiềm năng, lợi thế vừa đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan, sinh thái, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, thành phố hiện còn gìn giữ nhiều lễ hội và nghi lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Lễ hội đền Thượng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chợ Cốc Lếu, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, ga Lào Cai cũng là các điểm tham quan được nhiều du khách biết đến.
Trên địa bàn thành phố hiện có 281 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 62 khách sạn từ 1 sao trở lên và 1 homestay, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách.
Với lợi thế là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh, thành phố bước đầu hình thành sản phẩm du lịch sự kiện với chuỗi hoạt động được tổ chức hằng năm. Những năm qua, du lịch thành phố có bước phát triển mạnh. Năm 2022, lượng khách du lịch đến thành phố đạt 2,1 triệu lượt và quý I/2023 đạt 1,14 triệu lượt.
Du lịch thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển và lượng khách du lịch đến thành phố đang tăng nhanh. Tuy nhiên, du lịch thành phố vẫn còn “núp bóng” du lịch Sa Pa và Bắc Hà. Nơi đây mới chỉ là điểm trung chuyển, cầu nối đến các điểm, khu du lịch trong tỉnh, chưa thực sự có sản phẩm du lịch đặc sắc và tạo điểm nhấn để giữ chân du khách.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, thành phố đã xây dựng một số sản phẩm du lịch, tiêu biểu trong đó là 2 sản phẩm tiềm năng: “City tour” và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
City tour bao gồm các sản phẩm: Du lịch về nguồn, tự hào thành phố Lào Cai, tự hào thành phố biên cương, trải nghiệm ẩm thực (food tour)... Những sản phẩm du lịch này hướng đến du khách trong và ngoài tỉnh, bao gồm cả học sinh. Với phương tiện chính là xe điện và ô tô, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch tâm linh và thưởng thức ẩm thực đa dạng ở chợ Cốc Lếu, các trung tâm thương mại...
Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cho biết: Thành phố đang lên kế hoạch quảng bá các điểm du lịch, chương trình du lịch thông qua tổ chức đoàn famtrip; xây dựng, thiết kế các ấn phẩm, đoạn phim quảng bá chương trình, tour du lịch, bản đồ du lịch thành phố. Đồng thời, quảng bá trên trang du lịch của tỉnh; xây dựng bộ tài liệu chính thống giới thiệu các điểm du lịch của thành phố Lào Cai, đặc biệt là các điểm biểu trưng, biểu tượng, các điểm du lịch mang ý nghĩa về chủ quyền lãnh thổ để cung cấp cho hướng dẫn viên du lịch.
Năm 2018, thành phố được công nhận là Khu Du lịch cấp tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu trở thành đô thị “xanh - thông minh - bền vững”, trong đó xác định du lịch, dịch vụ là trọng tâm trong khâu đột phá phát triển kinh tế, thành phố đang tập trung khai thác những lợi thế sẵn có để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong những sản phẩm du lịch sẽ được khai thác, góp phần phát triển ngành du lịch thành phố thời gian tới và phù hợp với định hướng xanh, thông minh, bền vững là du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ trên địa bàn.
Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố Lào Cai đang được giao quản lý, bảo vệ hơn 8.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài những lợi thế về hệ thống rừng tự nhiên phong phú, đa dạng về loài thì nơi đây còn được biết đến với khí hậu mát mẻ, cảnh quan nguyên sơ, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên diện tích mà Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố Lào Cai nói riêng và khu vực liên quan nói chung đang quản lý có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, đáng chú ý là loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phát triển dựa trên việc khai thác các điều kiện tự nhiên và nhân văn.
Với những tiềm năng trên, thành phố Lào Cai đã xây dựng Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2030”. Định hướng phát triển các điểm du lịch sinh thái và giải trí bao gồm: Điểm sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí khu vui chơi đồi Nhạc Sơn, công viên văn hóa Bắc Cường, khu vui chơi giải trí Đông Phố Mới, thác Nậm Rịa, khu dã ngoại Tả Phời; phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng và điểm tham quan trên cung đường leo núi Tả Phời - động Tiên Cảnh, leo núi Giang Sơn - Thống Nhất...
Ông Lê Văn Bốn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố Lào Cai cho biết: Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết, cho thuê dịch vụ môi trường rừng để khai thác đề án.
Ngoài thiết kế các tour du lịch hấp dẫn, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị; nâng cấp các sản phẩm du lịch truyền thống; duy trì khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch qua biên giới phù hợp với thị hiếu của khách du lịch Trung Quốc; tăng cường phối hợp liên kết du lịch, nâng cấp, hình thành các tour du lịch mới, hấp dẫn.
Ông Ngô Vũ Quốc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết: Thành phố sẽ khai thác để du lịch thành phố không chỉ là điểm dừng chân mà còn trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn.