
Doanh nghiệp logistics tiên phong “xanh hóa”
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành của ngành logistics Việt Nam, những năm qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm “xanh hóa” hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Cụ thể, Vietnam Post đã triển khai Dự án Postgreen được triển khai từ năm 2019 nhằm xây dựng một môi trường bưu chính xanh. Từ những hành động nhỏ nhất như cán bộ nhân viên không sử dụng nilon, đồ dùng, dụng cụ bằng nhựa dùng 1 lần trong khu vực công sở, sàn khai thác, trên phương tiện vận chuyển…
Bên cạnh đó, phát động phong trào “văn phòng xanh” đến việc thiết kế bưu cục mở tạo môi trường thân thiện giữa khách hàng và giao dịch viên, vận động khách hàng thay đổi thói quen gói bọc hàng hóa bằng túi nilon sang sử dụng hộp bìa carton đúng tiêu chuẩn vừa bảo đảm an toàn cho hàng hóa, vừa bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, xuất phát từ mong muốn “xanh” trong từng hoạt động vận hành, năm 2021, Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam, phối hợp cùng Honda Việt Nam đưa xe máy điện vào sử dụng trong hoạt động giao nhận.
Những nỗ lực trong việc đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh số hóa, “xanh hóa” các hoạt động bưu chính đã giúp Bưu điện Việt Nam đã đóng vai trò chủ lực trong việc nâng hạng Chỉ số phát triển bưu chính của Việt Nam từ cấp độ 5 lên cấp độ 6, ghi danh Việt Nam vào nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển bưu chính ở mức tốt.
Vietnam Post là một trong những doanh nghiệp đã tiên phong trong ứng dụng các giải pháp logistics xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ 21. Trong đó, riêng ngành logistics đang đóng góp đáng kể vào lượng phát thải carbon - CO2 ước tính ở mức 7-8%. Đây là lý do khiến nhận thức về logistics xanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
“Nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã chủ động triển khai các giải pháp thân thiện với môi trường như sử dụng phương tiện vận tải ít phát thải, ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa tuyến đường, giảm tiêu hao nhiên liệu và nâng cao hiệu suất vận hành. Một số cảng biển của các doanh nghiệp thành viên VLA đã đạt chứng nhận “Xanh” từ các tổ chức quốc tế. Trong khi một số doanh nghiệp khác bắt đầu thực hiện kiểm kê lượng phát thải carbon và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, việc ứng dụng logistics xanh trên thực tế vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa phổ biến rộng rãi, và Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi này”, ông Đào Trọng Khoa chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi xanh, hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề này. Theo Bộ Công Thương, số doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh này còn rất hạn chế trong số hơn 34.000 doanh nghiệp logistics trên cả nước.
Khảo sát do Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) thực hiện từ tháng 8/2023 đến tháng 7/2024 đã hé lộ một số thực trạng đáng lo ngại. Dù nhận thức về logistics xanh ngày càng gia tăng, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa chủ động thực hiện các cam kết về môi trường.
Cụ thể, 12,5% doanh nghiệp vẫn chưa triển khai bất kỳ chính sách hay quy trình sản xuất xanh nào, trong khi 87,5% đã và đang có kế hoạch hướng đến các giải pháp bền vững.
Tuy nhiên, phần lớn trong số này chưa xác định rõ mốc thời gian cụ thể để thực hiện cam kết. Đáng chú ý, có tới 65,63% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chưa áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, trong khi chỉ 34,37% đã hoặc đang lên kế hoạch triển khai các giải pháp xanh.
Trong khi đó, hiện nay, logistics Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải. 75% hàng hóa vẫn được vận chuyển qua đường bộ, trong khi 12% hàng hóa được vận chuyển qua đường biển và chỉ 2% vận chuyển qua đường sắt. Đáng nói, có tới 95% phương tiện giao thông tại Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Hoạt động logistics đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử, nhưng hoạt động vận chuyển hàng hoá cũng là nguồn phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường đáng kể.
Chưa kể, trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu tác động xấu tới môi trường là giao hàng và đóng gói. Mỗi sản phẩm được giao từ cửa hàng trực tuyến đều có bao bì riêng, thường là hộp carton, bao bì nilon, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần.
Mỗi ngày, hàng nghìn xe tải, ô-tô, xe máy… giao đơn hàng cho khách và lấy lại những đơn hàng chưa có người nhận… tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ. Thậm chí, những tác động này còn ở mức độ cao hơn trong trường hợp giao hàng siêu tốc.
Gợi mở giải pháp cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển logistics xanh, giảm phát thải đang trở thành thành phần quan trọng của bất kỳ chuỗi cung ứng nào trong bối cảnh thế giới bất ổn về địa chính trị và các yêu cầu ngày càng tăng về "xanh hóa" nhằm giảm phát thải từ các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khi thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Dù mang lại nhiều lợi ích thực tế nhưng quá trình chuyển đổi sang logistics xanh vẫn đang là thách thức của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đầu tiên là thách thức trong yếu tố con người, thể hiện ở nhận thức và khả năng đáp ứng trong chuyển đổi xanh dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tại Việt Nam đến nay vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt ở các vùng xa xôi. Chi phí cũng là yếu tố doanh nghiệp e ngại…
Gợi mở giải pháp để chuyển đổi xanh ngành logistics, ông Phạm Thiên Ân, Giám đốc Công ty Giám định Vinacontrol cho rằng, hiện nay, Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngoài ra còn có thị trường về trao đổi tín chỉ carbon. Đây có thể là một công cụ tài chính đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh.
Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cắt giảm khí nhà kính với chiến lược cụ thể, chính xác và rõ ràng để đạt được mục đích giảm thải carbon hiệu quả nhất, nhanh nhất.
Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ vận tải xanh như nghiên cứu và đầu tư vào xe điện, xe tải hybrid và các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, doanh nghiệp cần chuyển đổi liên phương thức trong phát triển hệ thống vận tải liên phương thức giữa đường bộ, đường biển và đường sắt; áp dụng các giải pháp số hóa chuỗi cung ứng thông qua việc đầu tư vào nền tảng kỹ thuật số để tối ưu hóa các hành trình vận chuyển.
Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng nhiên liệu bền vững (nhiên liệu sinh học); tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia hoặc xây dựng các dự án bù đắp carbon.
Để hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, tháng 10/2025, Việt Nam sẽ đăng cai Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA World Congress 2025) - sự kiện quan trọng quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới.
Với chủ đề "Green and Resilient Logistics" (Logistics xanh, thích ứng nhanh), sự kiện không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với phát triển bền vững mà còn mở ra cơ hội để tiếp cận những xu hướng mới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và thúc đẩy hợp tác trong ngành.
Đây sẽ là diễn đàn kết nối giữa các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tạo động lực thúc đẩy quá trình xanh hóa logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới một nền kinh tế bền vững.