Việt Nam khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị để viện trợ cho Myanmar

Việt Nam đang khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị để viện trợ cho Myanmar nhiều hàng hóa, vật tư thiết yếu, đồng thời triển khai hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam sang Myanmar để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp khẩn bàn công tác khắc phục hậu quả trận động đất Myanmar và Thái Lan

Việt Nam tham dự Hội nghị khẩn của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về khắc phục hậu quả động đất ở Myanmar và Thái Lan.

Sáng 30/3, theo đề nghị của Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2025, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến để bàn về công tác khắc phục hậu quả trận động đất xảy ra ngày 28/3 tại Myanmar và Thái Lan.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện các nước thành viên ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste, Tổng thư ký ASEAN và Giám đốc điều hành Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo (Trung tâm AHA).

Được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, đã tham dự Hội nghị.

Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Myanmar thông tin cập nhật về tình hình thiệt hại sau trận động đất.

Trong đó, riêng tại Myanmar, theo các thống kê chính thức tính tới sáng 30/3, đã có 1.644 người thiệt mạng, hàng trăm tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng, trong đó có nhiều bệnh viện, công trình hạ tầng, tòa nhà văn phòng…

Ngay trụ sở Bộ Ngoại giao Myanmar ở Nay Pyi Taw cũng bị hư hại và mất an toàn, buộc cán bộ phải chuyển ra làm việc ở ngoài trời.

Cảm thông và chia buồn sâu sắc với Myanmar và Thái Lan, các nước ASEAN khẳng định mạnh mẽ tình đoàn kết, cam kết sát cánh với Myanmar và Thái Lan trong công tác khắc phục và giảm nhẹ những hậu quả, thiệt hại và phục hồi sau thảm họa.

Một số nước ASEAN thông báo đã hoặc có kế hoạch gửi viện trợ nhân đạo và các đội cứu hộ sang Myanmar để tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

Trong khuôn khổ ASEAN, các nước nhất trí cần phát huy hiệu quả các cơ chế ứng phó khẩn cấp trong ASEAN, nhất là vai trò của Trung tâm AHA và Tổng thư ký ASEAN trong điều phối các hoạt động cứu trợ cả từ trong và ngoài khu vực, cũng như huy động thêm nguồn lực và viện trợ từ cộng đồng quốc tế.

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng thư ký ASEAN và Giám đốc điều hành Trung tâm AHA cho biết sau khi động đất xảy ra, ASEAN đã ngay lập tức triển khai nhiều cơ chế, biện pháp hỗ trợ ban đầu, trong đó có việc kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp, cử đội chuyên gia tới Myanmar để trực tiếp đánh giá tình hình và sẵn sàng các mặt hàng viện trợ thiết yếu từ các kho dự trữ trong khu vực để chuyển tới Myanmar…

Nhân dịp này, nhiều nước ASEAN đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Myanmar ngừng các hành động bạo lực, tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ, trong đó bảo đảm viện trợ nhân đạo được vận chuyển an toàn tới những nơi bị ảnh hưởng, qua đó tạo cơ sở tiến tới đối thoại và hòa giải để tập trung cho công cuộc phục hồi và tái thiết đất nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam xuất quân lên đường hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Myanmar.
Quân đội nhân dân Việt Nam xuất quân lên đường hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Myanmar.

Việt Nam đang khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị để viện trợ cho Myanmar

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chuyển lời chia buồn sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tới Thái Lan và Myanmar, khẳng định Việt Nam sẽ sát cánh cùng hai nước để vượt qua những khó khăn hiện nay.

Trước mắt, Việt Nam đang khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị để viện trợ cho Myanmar nhiều hàng hóa, vật tư thiết yếu, đồng thời triển khai hơn 100 cán bộ chiến sỹ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam sang Myanmar để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, ngay trong ngày 30/3.

Với ASEAN, Thứ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần khẳng định vai trò trung tâm trong điều phối các nỗ lực đặc biệt khi có khó khăn, thách thức.

Theo đó, ASEAN cần phát huy và tận dụng hiệu quả các cơ chế, công cụ sẵn có, nhất là Trung tâm AHA và Tổng thư ký ASEAN, nhằm huy động và điều phối hữu hiệu các nguồn lực, gồm cả của ASEAN và các đối tác, qua đó hỗ trợ cho công tác khắc phục và phục hồi sau thảm họa.

ASEAN cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Myanmar để xây dựng kế hoạch phục hồi và tái thiết về lâu dài.

Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng kêu gọi các bên ở Myanmar cùng có trách nhiệm trong việc bảo đảm công tác viện trợ nhân đạo diễn ra an toàn, không bị cản trở và đến được với mọi người dân bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, đây cũng có thể là cơ hội để các bên ở Myanmar cùng chấm dứt mọi hành động bạo lực, gác lại bất đồng, qua đó chung tay tham gia công tác cứu trợ, hướng tới công cuộc phục hồi và tái thiết đất nước, mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho nhân dân Myanmar.

Bộ Công an xuất quân lên đường cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Myanmar.
Bộ Công an xuất quân lên đường cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Myanmar.

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi về vụ động đất nghiêm trọng tại Thái Lan và Myanmar

Được tin vụ động đất nghiêm trọng xảy ra tại Thái Lan và Myanmar, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ngày 28/3, Chủ tịch nước Lương Cường đã gửi điện thăm hỏi tới Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar U Than Swe.

Số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan và Myanmar nhanh chóng nắm bắt thông tin về tình hình của công dân Việt Nam. Theo thông tin sơ bộ từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan, cho đến nay, chưa ghi nhận thông tin người Việt bị ảnh hưởng do trận động đất gây ra.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt tại các địa phương bị động đất để theo dõi sát tình hình; sẵn sàng triển khai các phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết; khuyến cáo người dân theo dõi sát các thông báo và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền sở tại đề phòng dư chấn động đất trong 24 giờ tiếp theo.

Công dân Việt Nam cần giúp đỡ có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan, Tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao theo số điện thoại:

- Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +95 966088 8998, email: vnembmyr2012@gmail.com

- Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan: +66898966653, email: vnemb.th@mofa.gov.vn

- Tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao Việt Nam: +84.981.84.84.84.

Người dân bị mất nhà cửa sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar.
Người dân bị mất nhà cửa sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar.

Mô hình dự báo thảm họa cho thấy số lượng thương vong có thể lên đến hàng chục nghìn người

Theo báo cáo cuối ngày 29/3 từ giới chức Myanmar, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh xảy ra tại nước này vào trưa 28/3 tại nước này đã tăng lên 1.644 người, gần 2.400 người bị thương.

Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 30 người mất tích tại thành phố Mandalay, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo TTXVN, các chuyên gia cảnh báo rằng Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới, trong bối cảnh số người thiệt mạng do trận động đất có độ lớn 7,7 không ngừng tăng.

Các mô hình dự báo thảm họa cho thấy con số thương vong có thể lên đến hàng chục nghìn người.

Cụ thể, theo USGS, có 35% khả năng số người chết thực tế trong khoảng từ 10.000 đến 100.000 người.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra ở khu vực phía Tây Bắc thành phố Sagaing, miền Trung Myanmar, đã kích hoạt cảnh báo đỏ về số lượng thương vong và thiệt hại kinh tế. USGS nhận định nguy cơ cao sẽ có nhiều thương vong và thiệt hại trên diện rộng.

Bên cạnh đó, dư chấn vẫn tiếp tục xảy ra. Một dư chấn mạnh 6,7 đã xuất hiện chỉ vài phút sau trận động đất chính, làm dấy lên lo ngại rằng nhiều dư chấn mạnh khác có thể tiếp diễn trong những ngày tới.

Giáo sư Bill McGuire, chuyên gia về địa chấn tại Đại học College London (UCL), cho biết đây có thể là trận động đất lớn nhất xảy ra trên lãnh thổ Myanmar trong vòng 75 năm qua. Ông cảnh báo một trận động đất với cường độ mạnh như vậy có thể kích hoạt hàng loạt dư chấn sau đó.

Các chuyên gia cảnh báo rằng Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, Rebecca Bell, một chuyên gia về kiến tạo mảng tại Đại học Hoàng gia London (ICL), cho rằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa động đất tại Myanmar là do sự trượt bằng của vết đứt gãy Sagaing.

Đây là nơi mảng kiến tạo Ấn Độ ở phía Tây gặp mảng Sunda tạo nên phần lớn Đông Nam Á - một đứt gãy có quy mô và chuyển động tương tự như vết đứt gãy San Andreas ở California. Bà Bell cho biết đứt gãy Sagaing rất dài - 1.200 km - và rất thẳng.

Điều này đồng nghĩa động đất có thể gây ra sự đứt gãy trên diện rộng - và diện tích đứt gãy càng lớn thì động đất càng mạnh.

Chuyên gia địa chất này nói thêm rằng những trận động đất như vậy có sức tàn phá thảm khốc vì tâm chấn nông, năng lượng địa chấn ít bị phân tán khi lan đến các khu dân cư phía trên. Điều này gây ra rung lắc mạnh trên bề mặt.

Lý giải về nguyên nhân khiến hậu quả từ trận động đất tại Myanmar thêm phần thảm khốc, các chuyên gia cho rằng sự phát triển nhanh chóng của các công trình bê tông cốt thép không đạt chuẩn trong những năm gần đây làm tăng mức độ thiệt hại.

Ông Ian Watkinson từ Đại học Royal Holloway nhận định với trận động đất này, Myanmar đang trải qua "bài sát hạch" đầu tiên đối với chất lượng cơ sở hạ tầng hiện đại.

USGS ước tính có ít nhất 2,8 triệu người đang sống tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất. Hầu hết nhà cửa tại đây được xây bằng gỗ và gạch không có cốt thép, loại vật liệu rất dễ bị sụp đổ khi có động đất.

Không chỉ Myanmar, Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ trận động đất. Một tòa nhà cao 30 tầng đang xây dựng tại Bangkok đã bị sập hoàn toàn, làm hàng chục công nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Ông Christian Malaga-Chuquitaype, chuyên gia tại trường Imperial College London, cho biết cấu tạo địa chất của Bangkok khiến tác động của động đất trở nên nghiêm trọng hơn dù thành phố này cách tâm chấn hơn 1.000 km.

Dù Bangkok không nằm gần vết đứt gãy lớn, nhưng nền đất mềm của thành phố lại khuếch đại rung chấn, đặc biệt ảnh hưởng đến các tòa nhà cao tầng.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng nhiều tòa nhà ở Bangkok sử dụng phương pháp xây dựng "sàn phẳng", tức là sàn chỉ được chống đỡ bằng các cột mà không có dầm chịu lực, khiến chúng dễ sụp đổ khi có động đất.

Hiện chính quyền Bangkok đã nhận được hơn 2.000 báo cáo về các công trình bị hư hại do động đất và đã triển khai hơn 100 kỹ sư để kiểm tra mức độ an toàn của các tòa nhà.

xaydungchinhsach.chinhphu.vn -ho-119250330160518683.htm

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Những ngôi trường của tình hữu nghị

Những ngôi trường của tình hữu nghị

Trên địa bàn tỉnh, tại nhiều trường thuộc vùng khó khăn, như thị xã Sa Pa, huyện Mường Khương, Bát Xát có những công trình được xây nên từ tình hữu nghị, là sự hỗ trợ của các quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc chương trình hỗ trợ khẩn cấp hoặc chương trình thường xuyên của các Đại sứ quán tại Việt Nam.

Liên kết các địa phương và cơ hội cho các nhà đầu tư

Liên kết các địa phương và cơ hội cho các nhà đầu tư

Tại sự kiện "Gặp gỡ 2025, Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc: Cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư", các đại biểu là lãnh đạo thành phố Hải Phòng, tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, nhà đầu tư Saigontel, đại diện VCCI và lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức diễn đàn thảo luận về tăng cường liên kết các địa phương và cơ hội cho các nhà đầu tư.

Bế mạc Hội nghị "Gặp gỡ 2025"

Bế mạc Hội nghị "Gặp gỡ 2025"

Chiều 14/3, tại thành phố Lào Cai, sau hai phiên thảo luận sôi nổi, Hội nghị "Gặp gỡ 2025: Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc: Cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư" do UBND tỉnh Lào Cai và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức đã bế mạc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn: Lào Cai hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn: Lào Cai hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế

Tại Hội nghị "Gặp gỡ 2025: Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc: Cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư" diễn ra chiều 14/3 tại thành phố Lào Cai, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã có bài phát biểu khẳng định tỉnh Lào Cai hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Sinh tiếp xã giao các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Sinh tiếp xã giao các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam

Chiều 14/3, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Gặp gỡ 2025", đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp xã giao ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào; bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam; ông James Tan, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai tiếp xã giao Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai tiếp xã giao Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam

Sáng 14/3, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Gặp gỡ 2025: Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc: Cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư", đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã tiếp xã giao ông Ô Quốc Quyền - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.

Đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tham dự chuỗi sự kiện "Gặp gỡ 2025" tại Lào Cai

Đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tham dự chuỗi sự kiện "Gặp gỡ 2025" tại Lào Cai

Sáng 14/3, Đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tham dự chuỗi sự kiện "Gặp gỡ 2025, Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc: Cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư", gọi tắt là "Gặp gỡ 2025" tổ chức tại Lào Cai (Việt Nam).

Lào Cai luôn coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Vân Nam (Trung Quốc)

Lào Cai luôn coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Vân Nam (Trung Quốc)

Thực hiện đường lối đối ngoại “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn tích cực mở rộng quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tỉnh coi trọng tình hữu nghị, hợp tác, phát triển truyền thống, lâu đời với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Singapore

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Singapore

Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân tới Cộng hòa Singapore từ ngày 11 - 13/3/2025 theo lời mời của Thủ tướng Singapore, Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Lawrence Wong, hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Singapore.

Việt Nam – Indonesia nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện

Việt Nam – Indonesia nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia, chiều 10/3, ngay sau hội đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) Prabowo Subianto đã chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về kết quả hội đàm và chính thức công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam – Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp nhà nước Cộng hòa Indonesia

Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp nhà nước Cộng hòa Indonesia

Chiều 10/3, tại Phủ Tổng thống - Cung điện Merdeka, Thủ đô Jakarta, Indonesia, Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Indonesia theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) Prabowo Subianto được tổ chức trọng thể.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN, sáng 10/3, tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và có bài phát biểu chính sách quan trọng.

fb yt zl tw