Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva phát biểu tại Sự kiện cấp cao Kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (ngày 11-12/12/2023).
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, từ ngày 11-12/12, Sự kiện cấp cao Kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (11-12/12/2023) đã diễn ra thành công tại trụ sở Văn phòng LHQ tại Geneva, Thụy Sỹ, với nhiều hoạt động, nội dung thảo luận quan trọng và cam kết mạnh mẽ.
Sự kiện do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ và Chính phủ Thụy Sỹ đồng tổ chức, với sự tham dự đông đảo, trực tiếp tại Geneva cũng như qua trực tuyến tại các đầu cầu ở các khu vực trên thế giới, của đại diện các nước, tổ chức quốc tế.
Đặc biệt Sự kiện có sự tham gia và phát biểu của nhiều Lãnh đạo cấp cao, gồm 9 Tổng thống, 6 Thủ tướng, 6 Phó Tổng thống, 5 Phó Thủ tướng, 23 Bộ trưởng, 13 Thứ trưởng, Cao ủy Nhân quyền LHQ, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ, các Tổng Thư ký của các Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Liên minh Bưu chính thế giới, Liên minh Viễn thông quốc tế, UNTAD, Đại diện đặc biệt của IMF, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách Thông tin toàn cầu, Đặc phái viên Tổng thư ký LHQ về công nghệ, cùng đại diện nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva dẫn đầu, đã tích cực tham dự Sự kiện cấp cao này.
Trong hai ngày, Sự kiện bao gồm nhiều phiên thảo luận xung quanh các giá trị của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, các phiên trình bày các cam kết của các quốc gia về thúc đẩy, bảo đảm quyền con người trong thời gian tới, đồng thời, tổ chức 4 phiên thảo luận bàn tròn của Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế về tương lai của quyền con người và các vấn đề hòa bình và an ninh, công nghệ kỹ thuật số, phát triển và kinh tế, môi trường và khí hậu.
Sự kiện cấp cao này kết thúc chuỗi các sự kiện được tổ chức trên thế giới trong một năm 2023 kỷ niệm 75 năm thông qua văn kiện quan trọng nêu trên.
Các hoạt động kỷ niệm này được tổ chức trên cơ sở Nghị quyết do Việt Nam đề xuất và chủ trì soạn thảo, được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 (tháng 2-3/2023) về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna.
Nghị quyết này được thông qua bằng đồng thuận và có sự tham gia đồng bảo trợ của 121 nước thành viên LHQ, bao gồm 14 nước nòng cốt của Nghị quyết (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha).
Đại diện Việt Nam phát biểu tại Sự kiện, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền thông qua nhiều nỗ lực và hành động hơn nữa để đảm bảo tốt hơn các quyền của con người cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có các ưu tiên trọng tâm bao gồm tăng cường Nhà nước pháp quyền với việc tiếp tục cải cách tư pháp nhằm nâng cao nền tảng thể chế, tư pháp và chính sách liên quan đến nhân quyền, đồng thời chuyển các quy định của các điều ước quốc tế về nhân quyền vào luật pháp quốc gia.
Thúc đẩy các biện pháp hiệu quả và phân bổ đủ nguồn lực để bảo đảm tốt hơn nữa các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị; tham gia có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ và phát huy vai trò cũng như hiệu quả của Hội đồng, đặc biệt quan tâm đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương và tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người.
Nhân dịp Sự kiện này, ngày 11/12 vừa qua, Phái đoàn Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng LHQ tại Geneva đồng tổ chức Triển lãm ảnh “Sắc màu văn hóa: Di sản thiên nhiên và văn hóa ở Việt Nam”, giới thiệu đất nước Việt Nam đa dạng văn hóa, nơi chung sống hòa hợp và đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc anh em, thông qua các bức ảnh về các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới được công nhận bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), cũng như các di sản thiên nhiên, văn hóa quốc gia.
Triển lãm ảnh cũng thể hiện mối liên hệ sâu sắc giữa quyền con người và bảo tồn, phát triển di sản văn hóa và thiên nhiên.
Tại Sự kiện cấp cao này, cùng với việc tái khẳng định tầm quan trọng của việc thông qua và thực hiện Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, các nước và cộng đồng quốc tế cùng nhìn lại các thành tựu, thách thức trong việc thúc đẩy bảo đảm quyền con người trên thế giới trong những năm qua, tái khẳng định mối gắn kết chặt chẽ giữa quyền con người và hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, cần có cách tiếp cận toàn diện thúc đẩy các quyền con người về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, đồng thời đưa ra các cam kết mạnh mẽ tăng cường bảo đảm tốt hơn các quyền con người trong thời gian tới nhằm bảo đảm các quyền con người cho mọi người, không bỏ ai lại phía sau.
Sự tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại Sự kiện cấp cao này thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025.